Văn hóa

“Trẻ hóa” di sản bằng công nghệ

Minh Quân 29/02/2024 07:05

Nhằm lan tỏa các giá trị di sản, việc ứng dụng công nghệ, số hóa đang được thực hiện mạnh mẽ tại nhiều di tích, bảo tàng...

anhbaitren(1).jpg
Tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quang Tấn.

Thế mạnh của số hóa di sản

Trong những năm qua, không phủ nhận việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số tại các di sản đang phủ sóng rộng khắp trên cả nước. Từ những bước đi ban đầu, giờ đây công nghệ lan tỏa rộng khắp đến các di tích, bảo tàng… Tại nhiều điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… hiện nay gần như đã “vắng bóng” hướng dẫn viên, thay vào đó du khách được tự trải nghiệm, tìm hiểu các hiện vật, hình ảnh thông qua hệ thống thuyết minh tự động, mã QR.

Nhiều điểm đến đang làm mới chính mình khi xây dựng các chương trình trải nghiệm dành cho du khách. Đơn cử như Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tour đêm “Tinh hoa đạo học” áp dụng các sản phẩm công nghệ mang tính trình chiếu, đồ họa, không gian 3 chiều thực tế ảo kết hợp với kỹ thuật chiếu ánh sáng 3D mapping đã mang đến sự ngỡ ngàng cho cả giới khoa học và du khách.

Hay khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đưa công nghệ trình chiếu 3D mapping vào triển lãm “Báu vật hoàng cung” và triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”. Đơn vị cũng đã và đang xây dựng nhiều sản phẩm trải nghiệm có sử dụng công nghệ như phim chiếu 3D tại khu hầm T1; phim 3D về lễ thiết triều, dự kiến ra mắt vào năm 2024.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia với ứng dụng công nghệ số cho triển lãm trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam triển khai tour 3D “Chiến thắng Hà Nội 12 ngày đêm”…

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình “Đêm Hà Nội - Chạm vào cảm xúc”, đồng thời công bố 15 tour du lịch về đêm của Hà Nội. Trên nền tường gạch in dấu thời gian của di tích Ô Quan Chưởng, công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tái hiện hình ảnh cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, đền Bạch Mã... hay các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của Hà Nội như múa rối nước, xẩm, ca trù... Tất cả cho thấy, công nghệ đang trở thành công cụ đắc lực để phát huy giá trị di sản tại bảo tàng, di tích.

PGS.TS Trần Trọng Dương - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận, số hóa không chỉ giúp lưu trữ thông tin, hệ thống hóa tư liệu, bảo tồn các giá trị nội dung và hình thức của di sản, giúp quản lý di sản. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ giúp người trải nghiệm bước chân vào quá khứ, dễ dàng truyền tải thông điệp và giá trị của di sản qua lăng kính của thị giác. Tiếp đó là trên môi trường số hóa, các di sản hay điểm đến sẽ dễ dàng được tìm kiếm hơn thông qua các công cụ trên internet như: website, các nền tảng trực tuyến, các mạng xã hội... Hơn nữa, các di sản không hiện lên đơn thuần dưới dạng hình ảnh hay video mà dưới dạng những không gian ảo, sống động và chân thực hơn rất nhiều, từ đó, kích thích thị giác và tác động không nhỏ đến việc lựa chọn điểm đến của du khách.

Cuộc chạy đua công nghệ

Ngoài một vài điểm sáng như đã kể trên, hầu hết các đơn vị di tích, bảo tàng vẫn chưa có sự đa dạng trong các phần mềm ứng dụng, hay có được những giải pháp công nghệ đột phá. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo di sản số hóa.

Dẫn chứng từ câu chuyện thực tế, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho rằng, bài toán đổi mới trong bối cảnh hiện nay không thể chỉ do các đơn vị văn hóa nhà nước thực hiện đơn độc mà cần sự tham gia của toàn xã hội. Đó là những chính sách ban hành cập nhật kịp thời với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu hợp tác, sự hỗ trợ công nghệ, nhân lực kỹ thuật cũng như tài chính từ các đối tác công nghệ, song song với đó là tính tích cực và chủ động của các đơn vị bảo tàng trong nỗ lực chuyển đổi số để chuyển mình. Trong đó, cơ chế phối hợp các bên cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, hài hòa cả về mặt lợi ích lẫn trách nhiệm.

Để khắc phục phần nào thách thức kể trên, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và di sản tư liệu, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Nguyễn Hải Ninh chỉ rõ, các bảo tàng, di tích cần xác định mục tiêu của mình để triển khai công nghệ mới trong các hoạt động giáo dục. Đồng thời, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả vận hành công nghệ trên cơ sở phản hồi của công chúng, chỉ số tương tác… để thực hiện các điều chỉnh cho phù hợp.

Thực tế cho thấy, việc số hóa cần được tiến hành song song với ứng dụng công nghệ, đầu tư, khai thác để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, cần một chiến lược và kế hoạch tổng thể thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị nguồn lực di sản.

Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, điều kiện cần nhất để khẳng định sự thành công của chương trình di sản ứng dụng với công nghệ chính là việc những điểm đến di sản cần thống nhất rằng hiện vật, di tích và câu chuyện lịch sử ký ức là quan trọng nhất. Cần tạo cơ hội để người xem được trải nghiệm cụ thể, trực tiếp từ di vật, hình ảnh, tư liệu để phát huy thế mạnh của bảo tàng, di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Trẻ hóa” di sản bằng công nghệ