Năm 2019, nhà báo, đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân (NSND).
Một đoạn tường thành Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đang được khôi phục, bảo tồn.
Hơn 30 năm trôi qua, kể từ lần đầu gặp gỡ trên chuyến đò ngược sông Thu Bồn, tôi vẫn khó quên ấn tượng về người nghệ sỹ lúc ấy đang là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Huỳnh Văn Hùng khi đó tuổi chưa chạm tứ tuần, ít nói và có vẻ ngoài hao hao giống vài bậc sỹ phu, hiền giả xứ Quảng trong trang sách, áng văn tôi đã đọc. Cuộc rượu, tuần trà trên chuyến đò ngược dòng sông Thu của mùa xuân 30 năm về trước, cho tôi niềm tin rằng con người này, sẽ làm và sẽ để lại điều gì đó rất có ý nghĩa cho mảnh đất mà anh dấn thân, dâng hiến. Một dạo khi quyết định thử sức trong lĩnh vực phim tài liệu ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, tôi lại gặp Huỳnh Văn Hùng. Anh chuyển công tác từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện về Đài Truyền hình khu vực và nhanh chóng cho ra đời hàng loạt phim tài liệu như Người giữ Thành Hà Nội, Con mắt còn có đuôi, Sông núi khắc tên, Trang đời huyền thoại, Nhớ Đảo, Một tấm gương – một tấm lòng, Người cháu gái cụ Phan. Phim tại liệu đậm dấu ấn, phong cách đạo diễn Huỳnh Văn Hùng, lắng đọng trong lòng khán giả và gặt hái nhiều thành công với 5 Huy chương vàng (tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc), 4 giải Cánh diều vàng (Hội Điện ảnh Việt Nam), 5 giải nhất và giải nhì báo chí toàn quốc.
Cảm nhận từ lần đầu gặp gỡ với Huỳnh Văn Hùng, dần thành hiện thực kể khi anh nhận chức Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng vào tháng 5 năm 2016. Đà Nẵng chia tách khỏi Quảng Nam, trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương từ năm 1997 và cũng đầu từ đây, TP ven biển miền Trung bắt đầu cuộc “lột xác” với đà phát triển hạ tầng đô thị “một ngày bằng hai mươi năm!”. Công cuộc tăng tốc phát triển đô thị của Đà Nẵng ở thời điểm mười năm sau khi chia tách địa danh hành chính, đã lướt qua những giá trị vật thể, phi vật thể tưởng chừng như bất biến, bất khả xâm phạm, trong đó có 2 di sản – danh thắng, hồn cốt tinh thần, xương máu của cha ông là Thành Điện Hải và Hải Vân Quan. Thành Điện Hải hứng chịu phát đại bác đầu tiên của liên quân Pháp – Tây Ban Nha, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Đây cũng nơi danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đội triều đình và hàng vạn dân binh, kiên cường chống lại cuộc xâm lăng của ngoại bang. Máu xương nghĩa sỹ dân binh nằm lại dưới chân thành nhưng thật trớ trêu, một số người nhân danh quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, đã cho đặt trong khuôn viên di tích – di sản Thành Điện Hải 2 tòa cao ốc sừng sững là Trung tâm Hành chính thành phố, nơi làm việc thường xuyên của 2.000 con người và Trung tâm Công nghệ phần mềm. Thô bạo hơn, họ còn cho xây dựng bên trong Thành Điện Hải tòa nhà Bảo tàng Đà Nẵng.
Đằng sau sự lột xác từ đô thị nghèo, buồn, đơn điệu để trở thành một thành phố sục sôi, hào nhoáng gắn với cụm từ “đáng sống!”; Đà Nẵng phải trả giá rất đắt cho ý chí cực đoan, tư duy thiển cận. Với Thành Điện Hải, người ta đã bắn súng lục vào quá khứ, còn phát đại bác của tương lai thì đang ở đâu đó, rất gần!. Là con dân Đà Nẵng, tôi từng vài lần đem chuyện Thành Điện Hải chất vấn ông Chủ tịch TP đương nhiệm nhưng chỉ nhận được câu trả lời rất khó chê trách hay lên án rằng đó là chuyện của ngày hôm qua, của nhiệm kỳ trước. Khi lãnh đạo Đà Nẵng đã thẳng thắn nhìn nhận sai lầm quy hoạch của quá khứ, cần có ai đó tâm huyết, đủ nghị lực, niềm tin cứu vãn Thành Điện Hải thì Huỳnh Văn Hùng được điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Sở VH&TT. Đau đáu với di sản từ những ngày làm đạo diễn truyền hình nên tân Giám đốc Huỳnh Văn Hùng có ngay Đề án giải cứu Thành Điện Hải đầy thuyết phục đặt lên bàn làm việc của lãnh đạo TP. Lãnh đạo, ủng hộ dư luận đồng tình và gần 100 hộ dân an cư gần nửa thế kỷ sát tường Thành Điện Hải cũng không phàn nàn gì trước quyết định giải tỏa, di dời đi nơi khác. Bắt đầu từ đây, hàng loạt phương án cứu Thành Điện Hải được đưa ra, đấy là đưa tòa nhà Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi tòa thành; dừng hẳn việc xây Trung tâm dữ liệu bên trong thành, loại bỏ hẳn ý tưởng biến khuôn viên Di sản – Di tích có một không 2 trong lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc thành bãi giữ xe. Điện Hải là bàn thờ, là đất thiêng, nếu không trả lại được nguyên vẹn tòa thành thì hãy để nó lấp lánh hơn trong bức tranh di sản. Đây là tâm niệm của người nghệ sỹ, nhà quản lý có trách nhiệm Huỳnh Văn Hùng. Nỗ lực không ngừng nghỉ đã gặt hái được thành công lớn. Ngày 25/12/2017; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt với Thành Điện Hải. Kể từ thời điểm này, tòa thành đã được đặt đúng vị trí xứng đáng của nó.
Ngày 25/7/2017 tại đỉnh Hải Vân, dưới chân tòa quan ải (phía Bắc có chữ đề “Hải Vân Quan”, phía Nam có chữ đề “Thiên hạ Đệ nhất Hùng Quan”, được khắc lên vào năm Minh Mạng thứ 7 - 1826); ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng và ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế; bắt tay cùng hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan. Cái bắt tay của lãnh đạo 2 địa phương diễn ra sau khi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện ký Quyết định (số 1531/QĐ ngày 14/4/2017) công nhận Hải Vân Quan là Di tích quốc gia. Trước khi diễn ra cái bắt tay đầy ý nghĩa của lãnh đạo 2 địa phương sau sự kiện tòa quan ải nằm giữa Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng được công nhận là Di tích quốc gia; ít ai biết đã có cái bắt tay thật chặt của 2 người đồng môn Khoa Văn – Sử (Đại học Tổng hợp Huế khóa 1978 – 1982) là Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng và Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm đánh thức Hải Vân Quan sau gần 5 thập kỷ ngủ quên trong hoang phế. Những ai quan tâm đến di tích ở Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đều chắc chắn rằng nếu không có cái bắt tay giữa 2 người đồng môn thân thiết là Huỳnh Văn Hùng và Phan Tiến Dũng thì Hải Vân Quan vẫn còn tiếp tục giằng dai, hoang lạnh trong tranh chấp địa giới của 2 địa phương. Cái bắt tay xóa nhòa ranh giới, đánh thức Hải Vân Quan, để nơi này thành Di tích quốc gia và sau đó nữa, là các dự án phối hợp trùng tu, bảo tồn, nâng tầm giá trị di tích được ký kết giữa Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng.
Thời gian trôi nhanh, tóc ai rồi cũng bạc, không ít bạn cùng thời, đồng môn khoa cử của NSND Huỳnh Văn Hùng (nghệ danh Huỳnh Hùng), trong đó có Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên – Huế Phan Tiễn Dũng đã lui về nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu. Cuộc rượu, chén trà trước ngưỡng cửa xuân mới dễ khiến lòng người ngược về ngày tháng đã qua. Ưu tư cùng người nghệ sỹ trong cái lạnh se sắt cuối năm dưới chân tòa quan ải có con đường thiên lý vắt ngang; bỗng nhớ lại thời trai trẻ cầm trên tay cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy với câu nói bất hủ truyền nhiệt huyết cho bao lớp thanh niên của nhân vật Pavel Korchagin: “Đời người chỉ có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. NSND Huỳnh Văn Hùng đã làm được, điều mà anh mong muốn, đánh thức mùa xuân, làm sống lại 2 di sản, thắng tích bị lãng quên, bị hủy hoại gần 5 thập kỷ bởi sự thiển cận, tắc trách của con người.