Trẻ mắc tay chân miệng: Nguy cơ biến chứng viêm não

Minh Quang - Đức Trân 24/06/2023 07:00

Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, các địa phương chưa báo cáo rõ ràng về phân độ lâm sàng tay chân miệng (TCM), gây ảnh hưởng đến việc đánh giá độ nặng và xu hướng của bệnh tật. Bệnh đang diễn biến phức tạp và sẽ có nguy cơ lây lan nhiều hơn khi vào năm học mới.

Thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh: TL.

Cảnh báo nguy cơ tử vong

Theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Nhi trung ương, thời gian qua có nhiều trẻ mắc TCM bị biến chứng viêm não, biểu hiện giật mình, run tay chân, đi lại loạng choạng. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh TCM đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71.

ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, có 2 biến chứng thường gặp với bệnh TCM là thần kinh và suy hô hấp, tuần hoàn. Tuy nhiên, gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng về thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não. Các bệnh nhi vào viện trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt ở đầu và cuối giấc ngủ...

Đơn cử, trường hợp bé gái 26 tháng tuổi, ở Bắc Giang, nhập viện trong tình trạng sốt cao không hạ, nhiều nốt ban đỏ, giật mình nhiều, được chẩn đoán mắc TCM, biến chứng viêm não. Người nhà bệnh nhi cho biết vào đầu năm, trẻ đã mắc TCM với biểu hiện sốt, lở loét miệng, nhưng điều trị tại nhà vài ngày là khỏi. Lần này, khi bé mắc lại, gia đình không nghĩ con bị nặng nên chậm trễ đưa trẻ đến viện. May mắn, bé được điều trị kịp thời, hiện đã tỉnh táo và chuẩn bị xuất viện.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: 2 nhóm tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ca mắc chưa có dấu hiệu giảm

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca mắc bệnh TCM trong cả nước vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đang có xu hướng tăng tại một số địa phương.

Sáng 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về phòng, chống dịch với 20 tỉnh, thành phía Nam, trước tình hình sốt xuất huyết và TCM diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho hay, trong tuần 24, các tỉnh phía Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, tăng hơn 23,3% so với tuần trước đó. Thống kê cho thấy, có 5 trường hợp tử vong xác định do chủng EV71, 2 trường hợp tử vong chưa có kết quả xét nghiệm. Ông Thượng cho rằng, số liệu TCM có thể thấp hơn so với thực tế do các ca bệnh nhẹ được thăm khám ở phòng khám, cơ sở y tế tư nhân. Do đó, phân tích dựa trên các ca nặng, Viện Pasteur TPHCM nhận thấy, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TPHCM là những tỉnh, thành có tỷ lệ ca nặng cao.

Theo nhận định, EV71 là chủng gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao. Các địa phương chưa báo cáo rõ ràng về phân độ lâm sàng TCM, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá độ nặng và xu hướng của bệnh tật. Bệnh đang diễn biến phức tạp và sẽ có nguy cơ lây lan nhiều hơn khi vào năm học mới. Đáng chú ý, khoảng 80% người lớn mắc TCM không có biểu hiện lâm sàng nhưng có thể lây cho trẻ em mà không hề biết. Do đó, việc phòng ngừa TCM không chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, bảo mẫu, trường mầm non mà cả người lớn cũng phải thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh sạch… nhằm bảo vệ các bé.

Trước đó, theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca TCM bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22, số ca mắc TCM trong tuần 22 cao gấp hơn 2 lần số ca mắc TCM trong tuần 19. Hiện nay, các ca mắc chưa có dấu hiệu giảm.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, hiện không thể lý giải nguyên nhân EV71 gây bệnh TCM tái xuất. Nhưng, với các bệnh do virus không có vaccine phòng ngừa gây ra, thường chu kỳ 3-4 năm sẽ quay lại. Tuy nhiên, lần này, bệnh đáng lo ngại hơn. Nguyên nhân, trẻ “trả nợ miễn dịch” sau một thời gian dài dịch Covid-19 buộc phải ở trong nhà. Trẻ không tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Sau Covid-19, trẻ được tiếp xúc trong cộng đồng trở lại. Số trẻ nợ miễn dịch sẽ đồng thời nhiễm bệnh, gây ra đợt dịch lớn.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh TCM dự báo có thể kéo dài đến tháng 9, tháng 10. Nguy hiểm hơn, bệnh TCM chồng lên sốt xuất huyết khi bước vào mùa mưa số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Để ngăn chặn sự lây lan thì việc chống lây nhiễm trong cộng đồng rất cần thiết. Nếu trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được cho nghỉ học ngay, tránh lây nhiễm chéo. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ không nên cho trẻ đến chỗ đông người trong ít nhất 10 ngày; cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho phụ huynh, giáo viên về nhận biết dấu hiệu bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ mắc tay chân miệng: Nguy cơ biến chứng viêm não

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO