Gặp bạn ở buổi triển lãm không ảnh, hỏi nhau ưng gì ở những bức hình này. Mình bảo sướng nhất ấy là được nhìn thấy mọi thứ từ trên cao, bao quát được những hình khối mà dưới góc nhìn bình thường không thể nào hình dung nổi.
Nhìn vào xứ sở mình bằng mắt của chim ưng, không thú vị sao. Bạn gật gù bảo phải, “thêm nữa, không ảnh khiến ta thấy những vật chất trên mặt đất này nhỏ bé biết bao, như đồ chơi con nít vậy, đến tụi mình đây (bạn di ngón tay dọc trên con đường lúc nhúc người trong bức ảnh khổ lớn treo ở giữa phòng), cũng như bầy kiến thôi. Thấy được mình nhỏ bé cũng có cái hay của nó”.
Bạn nói câu này, là có lý do.
Rủ nhau ra quán nước ngồi, bạn kể hồi đầu năm có chuyến đi về quê cũ. Ngay khoảnh khắc nhận ra ngôi nhà mình từng sống qua cửa sổ máy bay, hơn mười phút trước khi phi cơ hạ cánh, bạn nghĩ định mệnh đang ở đâu đây.
Hoặc chính linh hồn ba bạn đang ngay bên cạnh, chính ông xui bạn ngồi ghế bên cửa sổ, chính ông khỏa quang mây, để bạn ngó thấy và định vị được ngay ngôi nhà, nhờ tháp nước Thủy Vân ngay cạnh, nhờ cái doi đất nhô ra ngay ngã ba sông. Nhìn thoáng là nhận ra ngay, dù nóc đã thay màu ngói, một vài căn phụ được xây cơi nới ra phía sau, và trong vườn những cái cây đã lớn vượt lên.
Ấy là bộ não của người làm khoa học của bạn hình dung dựa trên tỉ lệ, chứ mọi thứ dưới kia như những món đồ chơi khiêm tốn, cả tháp nước bề thế mà hồi con nít mỗi khi đi chơi hơi xa bạn lấy đó làm mốc để về nhà, giờ chỉ nhún nhường hơn một gang tay. Thời khắc đó, bạn neo mắt thật lâu vào căn nhà, khu vườn, thu sự nhỏ bé tội nghiệp của nó vào trong lòng mắt, nghĩ về mình, về cuộc chiến mình sắp lao vào, về những cú ra đòn bất ngờ sao cho bảo toàn phần thắng.
Chỉ vài phút trước đó, khi thành viên đội bay thông báo mươi phút nữa phi cơ sẽ hạ cánh, bạn còn giở phong bì đựng hồ sơ giấy tờ ra coi lại, ước lượng giờ hẹn với luật sư, lẩm nhẩm trong đầu những lý lẽ thuyết phục, hình dung đối phương sẽ nói gì, mình phản biện ra sao. Phần viếng mộ ba bạn để sau cùng, trước khi rời khỏi đây với phần thừa kế trong tay. Hai ngày rưỡi lưu lại nơi chốn bạn đã trải qua thời thơ ấu, chắc bạn và mấy đứa em cùng cha khác mẹ không thể ngồi chung ăn một bữa cơm nào, bởi những ý nghĩ thù nghịch về nhau. Họ nghĩ vô lý làm sao khi bạn không gần gũi chăm sóc ba suốt hai mươi bảy năm trời, giờ vác mặt tới đòi chia gia sản, khác nào giật của trên tay.
Bạn thì tưởng nhớ công sức má mình hồi còn tại thế, một tay má gây dựng nhà cửa, từ một vuông đất nhỏ chỉ dư ra một khoảng sân đủ trồng bụi mười giờ, chính má dành dụm mua thêm, mở mang thành vườn. Người nhà họ không thể cứ an nhiên thụ hưởng. Chẳng ai chịu nhường ai, một khi quan điểm không gặp nhau thì đành gặp ở tòa vậy.
Nhưng giây phút ở trên cao nhìn xuống mớ gia sản ấy, sự nhỏ bé ấy khiến bạn nghĩ, dù cắt xẻ chỉ một đường dao thôi, nó sẽ rã thành những mảnh vụn, không hơn. Ký ức tự dưng mang bạn trở lại chuyến tàu ba đưa bạn về ở luôn với ngoại, trước khi ông tái hôn với một cô thủ thư, người sau này sinh cho ông thêm ba đứa con gái.
Bọn bạn mua vé ngồi mềm, dè sẻn từng câu nói, bởi bao cảm xúc rối bời trong lòng trước cuộc chia xa, bởi biết sau chuyến tàu này, tình cảm đôi bên vĩnh viễn không còn như trước nữa. Cả hai cố thu mình hết sức có thể, lún người vào ghế, nhưng không làm sao tránh được chuyện vãn chung quanh.
Một gia đình bảy người khá ồn ào cùng khoang, chừng như họ đang trong cuộc chuyển nhà, đồ đạc lỉnh kỉnh mớ trào khỏi miệng bao tải, mớ căng phồng túi ni lông, thằng nhỏ thắc thỏm không biết mẹ con gà mái gửi ở khoang chở hàng có ổn không, bà già đau đáu cái ghế bành đã long chân rồi, qua cuộc này chắc rớt càng gãy gọng, một đứa con gái rấm rức không biết búp bê mình lạc ở đâu. “Cây đèn chong bàn thờ, mấy đứa có nhớ lấy theo không đó?”, những câu hỏi kiểu vậy cứ thảng thốt gieo trên đường tàu ngập nắng.
Rồi, vẫn chất giọng oang oang, họ nói về nhà mới, chia buồng kiểu gì, ai ngủ chung với ai, bàn thờ đặt chỗ nào, bếp day đằng đông hay đằng nam thì hợp tuổi. Họ nuối tiếc nhà cũ chắc bị san ủi nay mai, trước khi người ta làm con đường dẫn lên cây cầu mới, “hồi xây nó, tao lau rửa từng cục gạch, giờ nghĩ lại thương gì đâu”.
Gần trưa thì tàu ngang qua một khu mộ địa trải bày trên cát trắng, một ông già nhất nhà họ ngó ra ngoài, rồi nói, “rồi nay mai này tao cũng nằm gọn lỏn nhiêu đó, mà mấy đứa tụi bây cũng vậy thôi, nhìn mà coi”. Khách trong khoang lại được dịp cùng hướng mắt về một chỗ, chỉ là lần này không trầm trồ không thán từ như khi ngang qua những bầy cừu, những cánh đồng trồng thanh long trĩu quả, quả núi cụt đầu. Trước hàng hàng lớp lớp nấm mồ, người ta im lặng.
“Và hai mươi mấy năm sau, tôi nhớ chi tiết đó nhất, lúc ngó nhà cửa lô xô trên đất”, bạn nói di tay lên mặt bàn mở đường chảy cho vũng nước đọng dưới đáy ly cà phê, “tự dưng trong đầu tôi nhảy xổ ra một liên tưởng phải nói là vô duyên, rằng nhà cửa dưới kia, cũng cùng kích cỡ và chất liệu như những ngôi mộ khi tôi nhìn từ trên tàu, hồi tuổi mười ba”.
Một cuộc gọi tới làm câu chuyện lỡ dở giữa chừng, bữa đó, mình còn chưa kịp nghe đoạn kết thì bạn đã phải rời đi. Lúc bạn chờ xe đón, mình nói mình tò mò phần cuối quá, khoản thừa kế thì sao, mấy đứa em khác mẹ căng dữ không, kết cuộc của cuộc chiến đó ai thua ai thắng. Bạn cười, thì cứ hình dung là kết thúc có hậu đi, nhưng viên mãn ấy không phải nằm ở chỗ ai giành được bao nhiêu.