Một buổi sáng gió mùa Đông Bắc cách đây 3 nhiệm kỳ (kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X diễn ra vào tháng 12/2001) hội trường Quốc hội “nóng” với các điệp khúc được nhắc lại nhiều lần: “Công dân và thân nhân của họ sẽ mất lòng tin”; “Người dân sẽ không yên tâm bỏ vốn lớn để kinh doanh lâu dài”.
Tranh minh họa. nguồn: dantri.com.vn.
Lần đầu tiên vấn đề hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính được đề cập thẳng thắn khá gay gắt. Nói nôm na đó là nỗi bức xúc của cử tri được những người đại diện cho mình “dốc tâm thư” phản ánh tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Người đề cập vấn đề đó chính là ĐBQH Lê Thị Nga (hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội). Bấm ngón tay bà Nga chỉ ra “năm 2000 đã có 43 vụ hình sự hóa, 10 tháng đầu năm 2001 là 11 vụ”. Và bà nói đại ý: Hình sự hóa làm cho uy tín của công dân và doanh nghiệp bị giảm sút thậm chí bị mất hoàn toàn. Thiệt hại này không thể xác định được bằng tiền. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, nếu xu hướng hình sự hóa không được khắc phục thì trong con mắt cộng đồng quốc tế, hệ thống pháp luật của ta sẽ dễ bị đánh giá là thiếu an toàn trong kinh doanh. Cuối cùng bà Nga yêu cầu: “Phải kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ pháp luật có hành vi cố ý hình sự hóa”.
Đến nay đã trải qua 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng; 3 nhiệm kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng đã có bao nhiêu trường hợp bị xử lý vì cố ý hình sự hóa? Đất nước có một bước nhảy vượt bậc khi từ một nước thu nhập thấp giờ đã được lọt vào nước có thu nhập trung bình; ngày càng có nhiều nước công nhận nước ta đã có nền kinh tế thị trường song vẫn luẩn quẩn trong lối mòn “chưa thoát khỏi tư duy cũ”. Dư luận không khỏi bức xúc, nhân dân e ngại, còn doanh nghiệp thì nín thở sau một thời gian được “giải oan” khi bị khởi tố, truy tố về tội “kinh doanh trái phép”.
Mới đây, ngày 16/8 ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh bàng hoàng nhận được quyết định “cắt điện, cắt nước” do ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh ký với lý do: “ông Tấn có hành vi tổ chức thi công công trình container trên đất không được phép xây dựng, mục đích sử dụng vườn”, trong khi thực chất chẳng qua chỉ là cái container được cải tạo làm nơi chứa nồi niêu, ly tách phục vụ khách.
Ơn giời, quyết định trên đã được Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng chặn lại khi nhận thấy chưa ổn, cũng bởi vị Bí thư nhận thấy chỉ đạo cắt điện,cắt nước cũng không phải việc của Chủ tịch thị trấn. Có làm phải để dân phục, đừng làm chuyện nhỏ nhặt, không đáng.
Người dân có lý khi nói “chuyện nhỏ như con kiến mà cũng hành”, còn doanh nghiệp thì ngày càng e ngại khi tiếp xúc với “quan”. Cũng càng có lý hơn khi đặt ra câu hỏi tại sao? Đúng 3 tuần sau khi được Quốc hội khóa XIII bầu làm Thủ tướng, tại Hội nghị “Doanh nghiệp - Động lực phát triển kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới một Chính phủ kiến tạo phải coi doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ. “Đừng tưởng Thủ tướng không biết đâu nhé. Tôi không phải không biết có tình trạng “cưa đôi” của mấy ông”- người đứng đầu Chính phủ đã nhìn nhận ra ngay vấn đề.
Đúng như lời hứa, sau Hội nghị trên 1 tháng, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Qua đó khẳng định chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. “Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”- Nghị quyết nêu rõ. Rõ ràng người đứng đầu Chính phủ đã có sự cương quyết, quyết tâm cởi bỏ những rào cản để doanh nghiệp yên tâm sản xuất nhưng tư tưởng đó chưa được thấm nhuần tới tận những “công bộc của dân”.
Trong bài viết nhân kỷ niệm ngày 2/9/2012, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm khi phân tích, kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì mặt trái tiêu cực của nó càng có môi trường nảy sinh. Ai cũng đồng tình từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa làm triệt tiêu mọi động lực phát triển, duy trì nghèo đói; nhưng chuyển sang cơ chế thị trường thì những mặt trái của nó đã giáng vào đời sống xã hội những “đòn” không kém phần khốc liệt. Có những việc tưởng như đơn giản, tưởng như dễ giải quyết, nhưng khi thực hiện thì đụng đâu cũng vướng vì nó không phải là một bài toán trên lý thuyết đơn thuần mà là xã hội với đủ sắc màu, với những cách nghĩ, những quyền lợi, những ứng xử khác nhau, chằng chịt, cái này níu bám và kìm giữ cái kia; cái “chăn ấm” vô tình kéo sang bên này thì bên kia bị “lạnh”.
Mặt trái của kinh tế thị trường không nằm ở những quy định của pháp luật mà nằm ở nhân cách của người cán bộ thực thi pháp luật. Những trăn trở của vị nguyên Chủ tịch nước đặt ra cách đây 4 năm, những hành động quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ hiện nay phải được cụ thể hóa bằng những hành động. Đã đến lúc cần chấm dứt tình “trên rải thảm, dưới rải đinh” mời gọi đầu tư “đi kèm” cắt điện, cắt nước. Đã đến lúc chấm dứt tình trạng khám xét khẩn cấp vì mua bán điện thoại “cùi bắp” sản xuất từ khoảng 10 năm trước. Và cũng đã đến lúc phải kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ pháp luật có hành vi cố ý hình sự hóa các quan hệ dân sự.