Trị bệnh né tránh và sợ sai

Nam Việt 07/11/2023 07:00

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã vào tuần làm việc thứ 3, với điểm nhấn nổi bật là hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn. Trước đó, tại các phiên thảo luận ở hội trường, ở tổ, đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến về “căn bệnh” né trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ và đề nghị cần “thuốc đặc hiệu” để điều trị.

Đây là vấn đề không mới, nhưng đáng tiếc là nó vẫn kéo dài, ảnh hưởng tới hoạt động của bộ máy cũng như cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc dư luận. Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, điều này diễn ra ở cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để xử lý, Thủ tướng đã thành lập các Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính; rà soát văn bản pháp luật; tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công. Trong năm nay, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định (số 48, số 69, số 71 và số 73) bổ sung quy định việc né tránh, đùn đẩy là căn cứ đánh giá, xếp loại, để xem xét, xử lý kỷ luật; đồng thời thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là ở những việc khó, phức tạp, nhạy cảm và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; đẩy việc; hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm... đó là những biểu hiện cụ thể, phổ biến xuất phát từ bệnh sợ sai, sợ bị kỷ luật.

“Cần phải xóa bỏ nhận thức trong một số cán bộ, công chức “không làm thì không sai”, “đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” đang xuất hiện vì đó là một loại “tự diễn biến” cản trở nghiêm trọng sự phát triển” - Bộ trưởng Nội vụ nói.

Còn theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, liên quan đến vấn đề này còn có tình trạng “dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ”.

Một mặt phải “trị bệnh” sợ sai, mặt khác phải kiên quyết ủng hộ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đáng chú ý, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải "dám nghĩ dám làm" theo nghĩa là "xé rào", để họ yên tâm thực thi công vụ.

Cán bộ là gốc của vấn đề, cán bộ nào phong trào nấy. Điều đó thể hiện rất sinh động trong cuộc sống. Vì vậy, nếu một bộ phận cán bộ né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc, “đá lên đá xuống; chuyền ngang chuyền dọc” quả bóng trách nhiệm thì tất yếu sẽ khiến guồng máy trì trệ.

Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là hầu hết những cán bộ như vậy không tự ý thức được hành vi đó của mình là tiêu cực. Họ vẫn tìm mọi cách để yên vị, không chịu “đứng sang một bên” để cho người khác có tâm, có năng lực làm. Ngược lại, còn tìm cách ngáng trở, kể cả gây bè kéo cánh để cô lập, trù dập. Trong bối cảnh ấy, một số ý kiến lại cho rằng việc đánh giá chất lượng thực thi nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức là rất khó. Nhưng, suy cho cùng, đó cũng chỉ là cách nói nhằm biện hộ cho sự trì trệ vì kể cả chưa rõ mô tả vị trí công việc, thì người đang làm ở vị trí ấy tất nhiên cũng hiểu được chức phận của mình là gì. Một cán bộ được đào tạo cơ bản, đã có được vị trí công tác nhất định thì không thể không biết điều ấy. Nếu vẫn tồn tại cách nghĩ đánh giá cán bộ trong thực hiện công việc quá khó sẽ dẫn tới việc ngại va chạm, không dám làm, kể cả không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.

Cách nghĩ ấy, cách hành xử ấy phải được loại bỏ, không thể “dĩ hòa vi quý”, “hòa cả làng” cốt để yên thân. Hay nói cách khác là những người như vậy đã chọn cách “chung sống” với tiêu cực.

Đảng, Nhà nước quyết tâm làm trong sạch bộ máy, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ tiêu cực đồng thời khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Kỷ luật nghiêm, cải cách hành chính, tinh giản biên chế... cũng là nhằm mục đích ấy.

Như ý kiến phát biểu của ĐBQH Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) khi tham gia thảo luận tại Quốc hội ngày 1/11/2023 rằng, phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải chỉ vì thực thi chức trách, nhiệm vụ mà phải tìm cách lách từ cái tên của công việc cho đỡ bị chú ý, đến phải “trình bày nhỏ to” để cơ quan chức năng thông cảm, bỏ qua hoặc “giơ cao, đánh khẽ". Mà cần phải xây dựng pháp luật rõ ràng để cán bộ dám nghĩ, dám làm; không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách, nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị bệnh né tránh và sợ sai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO