Phát triển kinh tế quá nóng, nôn nóng chấp nhận dòng vốn FDI bằng mọi cách, không tính toán đến môi trường, môi sinh sẽ để lại hậu quả nặng nề cho tương lai.
Đông đảo kiều bào từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự Hội nghị và góp ý, hiến kế cho sự phát triển của TP HCM. Ảnh: Hồng Phúc.
Ý kiến được nhiều trí thức kiều bào cảnh báo, góp ý với chính quyền TP HCM tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 3, với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng TP HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” tại phiên bế mạc Hội nghị vào ngày 13/11 tại TP HCM.
Môi trường phải đáng sống
Kỹ sư Nguyễn Thị Mỹ (Việt kiều Úc, chuyên gia tại Nhà máy nhiệt điện và luyện quặng beauxit - Úc) đưa ra nhận định TP HCM là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng, điều này cũng đặt ra nhiều áp lực nặng nề để giải quyết các vấn đề cấp bách cho thành phố, nhất là với hiện trạng cơ sở hạ tầng quá ít, lại xuống cấp, thoát nước và rác thải - ô nhiễm, tạo quan ngại lớn về môi trường sống.
Thành phố cũng phải đối mặt với ngập lụt - nhiễm mặn, tắc nghẽn giao thông, thiếu thốn nhà ở và quy hoạch đô thị chắp vá, chất lượng và tỷ lệ sử dụng lao động, nguồn nhân lực còn rất thấp.
Kỹ sư Mỹ dẫn thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM cho thấy, trong tổng số 76 km kênh rạch nội thành, có đến 60 - 70% chiều dài tuyến kênh đang bị ô nhiễm.
Điển hình như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Rạch Tra - Thầy Cai, An Hạ,… Các chỉ tiêu quan trắc đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép 2,5 - 8,3 lần, thậm chí với hàm lượng vi sinh tại nhiều thời điểm vượt quy chuẩn cho phép lên đến 700 lần.
Các góp ý của kiều bào cũng lo lắng nhận thấy, hệ thống hồ, đầm vùng trũng phía Nam, Đông Nam và Tây Nam của thành phố biến mất nhanh chóng do phát triển ồ ạt ở các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè đã đua nhau lấy hết các khu vực chứa nước tự nhiên.
TP HCM cũng thiếu hụt trầm trọng mảng công viên, cây xanh, làm mất chức năng cứu vãn các hệ lụy về môi trường như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nhiệt độ nóng bức, hấp thụ chất ô nhiễm - điều tiết nguồn nước gần như không có,…
Ông Đặng Trung Phước, Việt kiều Canada nói về tình trạng các nguồn chất thải (công nghiệp, nông nghiệp, y tế và sinh hoạt) đang gia tăng tại TP HCM.
Hầu hết những chất thải này được xả thẳng vào môi trường ở mức độ khó kiểm soát. Sự cố cá chết ở kênh Nhiêu Lộc và sông Sài Gòn vừa qua là những biểu hiện báo động.
Ông Phước cũng cảnh báo về ô nhiễm sinh vật ngoại lai là một nguồn ô nhiễm rất nguy hại, nhất là những loài ngoại lai này lại được cấy trồng lan tràn.
“Như hai cây ngoại lai là keo và bạch đàn được trồng hoàn toàn không theo quy hoạch, và được gọi là “trồng rừng” là không đúng nghĩa của nó. Đây là một sai lầm to lớn về môi trường, trong khi nhiều khu rừng nguyên sinh bị đốn bỏ để trồng keo, bạch đàn làm kinh tế, là điều nghịch lý tột cùng”, ông Phước lấy dẫn chứng.
Từ thực tế trên, kỹ sư Nguyễn Thị Mỹ hiến kế: cách duy nhất cung cấp một tương lai sạch - sáng sủa hơn là thiết kế cho thành phố hoạt động trên các sáng kiến hợp tác, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới về chính sách thu hút đầu tư.
“Lãnh đạo thành phố nên công bố minh bạch ngân sách đang và sẽ chi cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và chuyển một phần tỷ lệ ngân sách này cho cộng đồng thực hiện mô hình quản lý chất thải bằng phân loại và tái sử dụng tái chế gần nguồn thải, đồng thời phục vụ yêu cầu tạo nhiều khoảng xanh, công viên cho thành phố”, kỹ sư gốc Việt đến từ Úc chia sẻ giải pháp.
Ông Đặng Trung Phước lấy dẫn chúng về sự cố ô nhiễm Formosa, cho thấy thành phố cần phải “kiên quyết không đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.
Theo kiều bào gốc Việt từ Canada thì một thành phố tiên tiến, hiện đại và văn minh phải là một thành phố xanh thực sự. Do đó, TP HCM nên tích cực đầu tư phát triển môi trường, với một định hướng ổn định môi trường, trong đó có các nguồn thải trong vòng 10 năm phải được xử lý 100%.
Mặt khác, các nỗ lực gây dựng lại các khu rừng đồng bằng Nam nộ nên có trong lịch trình phát triển của thành phố vì nguồn sinh vật đa dạng của loại rừng này là cốt lõi của thành phố hữu sinh để phát triển một đô thị bền vững và trong lành.
“Đất lành chim đậu”
Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nói, để tận dụng nguồn “chất xám” kiều bào cho TP HCM thì trước hết chính quyền thành phố hãy bắt đầu quá trình cải cách mạnh mẽ để thực sự biến thành phố trở thành “đất lành chim đậu”.
Trong tất cả các đối tượng cần thu hút thì chuyên gia này nói du học sinh là nguồn tiềm năng nhất và nên được tập trung đầu tiên. Chẳng hạn, khi Intel và SamSung vào, thành phố chỉ cần thỏa mãn tất cả các nhu cầu của họ là thành công, vì cái họ cần nhất là nhân lực trình độ cao cộng với năng lực sáng tạo và điều này rất cần thiết và có lợi cho không chỉ riêng TP HCM mà cả nước.
Ông Du dẫn thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, hiện cả nước có 130.000 du học sinh đang du học tại các nước. Thế nhưng, chuyện về hay ở của du học sinh tùy thuộc vào các chính sách đãi ngộ, cũng như sự minh bạch và rõ ràng từ thu hút đầu tư.
“Khi vinh quy ai cũng muốn bái tổ. Nói cách khác khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình”, chuyên gia Huỳnh Thế Du hiến kế.
Cách đây 6 năm, khi đang là một trong những chuyên gia CNTT hàng đầu trong lĩnh vực hàng không thế giới, GS.TS Dương Nguyên Vũ nhận được lời mời của ĐHQG TP HCM về làm lãnh đạo Viện John von Newmann với nhiệm vụ kết nối trí thức Việt trong và ngoài nước, đóng góp cho nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học của nước nhà.
GS Vũ chia sẻ, thực sự mỗi người Việt sống xa quê hương đều luôn canh cánh trong lòng chuyện trở về, giúp sức cho Việt Nam.
Đối với TP HCM là thành phố đầu tàu cho sự phát triển của cả nước, thành phố của sự năng động, nhưng hiện nay vẫn còn cạnh tranh qua lao động giá rẻ và qua chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Còn về nghiên cứu khoa học để làm ra tri thức tham gia vào quá trình cạnh tranh thì còn yếu, mặc dù vài năm nay thành phố có quan tâm đến vấn đề này.
“Phải hiểu rằng không có nghiên cứu đổi mới sáng tạo thì không có sự phát triển kinh tế một cách bền vững. Ngay trong kinh tế dịch vụ cũng cần đổi mới sáng tạo về quy trình. Hầu hết việt kiều đều có điều kiện tiếp kiện với kinh tế tri thức và họ có thể giúp ích lớn cho sự phát triển của TP HCM”, GS Vũ gợi ý.
Kiều bào ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc.
Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhìn nhận, các góp ý, kiến kế của hơn 500 đại biểu kiều bào là các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa tiêu biểu, có uy tín trong nhiều lĩnh vực, trở về từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ của 5 châu lục, đại diện cho cộng đồng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới là một việc hết sức ý nghĩa và quý báu cho đất nước và sự phát triển của TP HCM.
Đặc biệt có rất nhiều đại biểu kiều bào trẻ tuổi đã về tham dự và nêu nhiều sáng kiến tại Hội nghị, thể hiện sự tiếp nối, chuyển giao quan trọng đang diễn ra giữa các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Đáng chú ý, các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, trình độ nghiên cứu chuyên sâu và nhiều ý tưởng thiết thực gắn bó với các vấn đề phát triển của thành phố.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đánh giá Hội nghị đã thành công rực rỡ, cảm ơn các đại biểu kiều bào đã tham gia Hội nghị với tình cảm và trách nhiệm lớn đối với đất nước nói chung và thành phố nói riêng, đánh giá cao những sáng kiến, hiến kế, đóng góp của kiều bào vào đúng thời điểm thành phố đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong giai đoạn khởi đầu của giai đoạn phát triển 2016 - 2020 với nhu cầu cấp bách là được tư vấn, phản biện, chia sẻ kinh nghiệm tri thức về các vấn đề then chốt như quy hoạch - phát triển bền vững; nguồn nhân lực; khoa học công nghệ và đầu tư thị trường.
Bí thư Đinh La Thăng thay mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, coi đây là nguồn lực quý báu, là nỗ lực to lớn đầy trách nhiệm của kiều bào và khẳng định lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành chức năng sẽ tiếp tục hợp tác, giữ liên hệ chặt chẽ thường xuyên với các đại biểu để triển khai các đề xuất cụ thể, đồng thời sẽ tích cực tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của kiều bào.