Đợt tập huấn chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới do Bộ GDĐT tổ chức cho hơn 700 cán bộ cấp Sở GDĐT, Phòng GDĐT tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc vừa kết thúc tại Hà Nội. Nhiều yêu cầu để đón chương trình GDPT mới đã được đặt ra.
Triển khai chương trình GDPT mới, tất cả các môn học đều cần SGK.
Chọn sách cho phù hợp với mỗi địa phương
Tại đây, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đổi mới chương trình- sách giáo khoa (SGK) là nhiệm vụ rất lớn, để thực hiện thành công có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý từ Sở GDĐT, Phòng GDĐT và nhà trường. Theo đó, nội dung đợt tập huấn tập trung 2 vấn đề, tìm hiểu chương trình GDPT mới và định hướng đổi mới GDPT để triển khai chương trình mới tới đây.
Trước những băn khoăn về chương trình GDPT mới, về việc thẩm định SGK thời gian qua, ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho hay: Tất cả các môn học đều phải có SGK.
Ông Tài cho biết, SGK thẩm định theo 4 điều tại Thông tư 33 nhưng đây chỉ là quy định khung, không phải là quy định nội dung chi tiết của SGK. Sự đa dạng nằm ở cách tiếp cận khác nhau của tác giả. Ví dụ chủ đề yêu thiên nhiên, có việc làm thiết thực với thiên nhiên, đối với âm nhạc, tiếng Việt cách tiếp cận của các tác giả có khác nhau. Nhưng SGK thiết kế phải có từng bộ, từng bài, cấu trúc của bài học, có phần mở đầu, khởi động, lên lớp dạy và học, rèn luyện phẩm chất năng lực. Trước khi thẩm định theo Thông tư 33, Hội đồng thẩm định sẽ kiểm đếm xem có thực hiện theo đúng Thông tư 32 không. Ông Tài cũng nêu ví dụ chương trình quy định 50 tiết/năm học nhưng tác giả viết tới 70 tiết thì chắc chắn không đạt.
Đặc biệt, về SGK môn thể dục và môn hoạt động trải nghiệm đang nhận được sự phản ứng nhiều chiều của dư luận, ông Tài khẳng định, theo quy định của Thông tư 32, các môn học bắt buộc đều phải có SGK. Chương trình mới hướng đến phát triển năng lực của học sinh nên phải có tài liệu cho các em tham khảo. Song việc lựa chọn bộ SGK nào sau khi được Hội đồng thẩm định và Bộ GDĐT thông qua là trách nhiệm của địa phương. Trong đó cần chú ý đến tính phù hợp của bộ sách với địa phương đó.
Thanh tra công tác bồi dưỡng giáo viên
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tính đến tháng 9/2019, toàn quốc có 1.151.873 giáo viên mầm non, phổ thông. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định số giáo viên này còn thiếu dù đã được giao thêm biến chế để tuyển dụng là 71.941 trường hợp.
Ở các cấp học vẫn tồn tại tình trạng thừa, thiếu cục bộ do không điều tiết được giáo viên trong cả nước cũng như giữa các môn học. Nếu mỗi trường THPT dự kiến bố trí 1 giáo viên môn Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật thì cần đào tạo khoảng 5.400 người. Toàn quốc cũng đang thiếu khoảng 5.600 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học và công nghệ ở tiểu học.
Với thiết bị dạy học tối thiểu, Bộ GDĐT cho biết, mầm non đạt 47,9% nhu cầu, tiểu học 56,1%, THCS đạt 54,3%, THPT đạt 58,9% nhu cầu.
Để công tác bồi dưỡng giáo viên cho chương trình GDPT mới đảm bảo chất lượng, ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, khi tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên thì chính đội ngũ giáo viên tập huấn phải cố gắng bám sát đối tượng, đổi mới cách tập huấn, theo hướng tập huấn cái gì học viên cần chứ không phải tập huấn cái gì giáo viên có thì hiệu quả tập huấn mới cao. Cùng với đó là công tác quản lý, tổng hợp giáo viên tham dự, quản lý lớp học... Còn đại diện lãnh đạo Sở GDĐT Lào Cai thì băn khoăn về định mức giáo viên, số lượng giáo viên tiếng Anh tỉnh còn thiếu.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, để triển khai tốt chương trình GDPT mới, trước tiên phải nâng cao nhận thức ý nghĩa của chương trình đổi mới phổ thông. Đồng thời, Bộ GDĐT triển khai về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cốt cán địa phương, không để lớp tập huấn nào chất lượng kém. Bên cạnh đó là trách nhiệm địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra các lớp bồi dưỡng. Ông Độ đề nghị các Sở GDĐT xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, thanh tra kiểm tra các lớp bồi dưỡng. Bộ GDĐT cũng xây dựng kế hoạch thanh tra các lớp bồi dưỡng tại các trường đại học để nâng cao chất lượng.
Theo kế hoạch, đầu năm 2020, Bộ GDĐT sẽ ban hành danh mục, bảo đảm điều kiện cho học sinh cả nước, ưu tiên lớp 1, bố trí đảm bảo điều kiện học tập cho 2 buổi/ ngày. Về tài liệu giáo dục địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương cần sớm thành lập hội đồng về tài liệu giáo dục địa phương để từng bước có hướng vận dụng linh hoạt.
Bộ GDĐT khẳng định, các điều kiện đảm bảo để thực hiện chương trình GDPT mới hoàn toàn có thể chủ động và đáp ứng được. Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức nói chung nhưng có tính đến đặc thù của công chức, viên chức ngành giáo dục cho phù hợp và hiệu quả.