Triển khai chương trình lớp 1 mới: Vẫn nỗi lo quá tải

Dung Hòa 27/08/2020 08:08

Chỉ còn ít ngày nữa là tới Lễ khai giảng năm học mới, nhưng mối quan tâm lớn nhất hiện nay là việc quá tải sĩ số học sinh/lớp khi bắt tay vào triển khai chương trình và SGK lớp 1 mới.

Học sinh lớp 1, trường Tiểu học thực nghiệm (Hà Nội). Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Có giảm sĩ số được không?

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021, đại diện các địa phương đã nêu lên một số khó khăn và đề xuất giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới.

Cụ thể như việc đảm bảo sĩ số lớp học, trường/lớp để dạy học 2 buổi/ngày; bổ sung biên chế giáo viên các môn học bắt buộc mới của cấp Tiểu học; ban hành các văn pháp lý về Điều lệ trường tiểu học và Đánh giá xếp loại học sinh tiểu học…

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Thành phố hiện có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 học sinh/lớp. Hà Nội đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm sĩ số học sinh các trường tiểu học xuống 50 học sinh/lớp nhưng rất khó khăn. Trong khi điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số học sinh/lớp ở bậc tiểu học là 35 học sinh/lớp.

Theo ông Tiến, quy định dạy 2 buổi/ngày ở tiểu học cần đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp. Nhưng trong tình thế sĩ số không thể giảm được vì yếu tố khách quan thì cần tăng lên 1,8 giáo viên/lớp mới đảm bảo yêu cầu. Hoặc có một cách khác là điều chỉnh chính sách để tăng thêm kinh phí chi cho lao động của giáo viên khi phải làm việc trong tình thế bị quá tải.

Đại diện Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết tình trạng quá tải trường lớp ở địa phương này cũng đang là một thách thức lớn. Năm học 2020-2021 thành phố dồn sức để lo đủ chỗ học, đảm bảo yêu cầu cho lớp 1, nên khi triển khai chương trình mới ở các lớp 2, 3, 4, 5 sẽ rất khó khăn nếu bây giờ không có các giải pháp tích cực để mở rộng mạng lưới trường lớp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng quy định 35 học sinh/lớp nhưng thực tế có lớp tới 60 học sinh thì giáo viên phải nỗ lực rất lớn, và chất lượng giáo dục có thể sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài các đô thị lớn, những khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực di dân tự do đông cũng làm cho ngành giáo dục bị động trong việc điều chỉnh mạng lưới trường lớp. Đây là vấn đề cần có sự quan tâm của các địa phương.

Trước thực tế khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương do số lượng học sinh đông, ông Nhạ nêu rõ: Tinh thần là dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên; không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1.

Nỗi lo thiếu giáo viên lớp 1

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết: Năm học 2019- 2020 toàn quốc có 14.904 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT thông cấp tiểu học, với 14.545 điểm trường. Để đảm bảo việc triển khai chương trình GDPT mới, trong năm học vừa qua đội ngũ giáo viên tiểu học cả nước đã được bổ sung thêm 5.000 người, nâng tổng số giáo viên cấp học này lên mức 403.000 thầy cô. Theo đó, tỉ lệ giáo viên/lớp năm học mới này sẽ đạt 1,41 (năm học trước là 1,38), cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, nhưng cả nước hiện vẫn còn thiếu khoảng 10.000 giáo viên.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng giáo dục tiểu học, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra 8 nhóm vấn đề cần làm tốt trong thời gian tới, đặc biệt trong đó có yêu cầu về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên; chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp…Xác định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công triển khai chương trình mới, ông Nhạ lưu ý các nhà trường, các địa phương cần làm tốt công tác bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng.

Sẽ đổi mới đánh giá học sinh

Liên quan đến việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học trong năm học mới, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết cho biết, tới đây Bộ sẽ ban hành Thông tư mới để phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Vì vậy, các Sở/phòng GDĐT, các nhà trường tiểu học cần quan tâm đổi mới việc đánh giá, khen thưởng, trong đó tập trung chỉ đạo và thực hiện bằng được việc khen thưởng học sinh đảm bảo đúng, trúng, thiết thực, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa thực chất dẫn đến hiệu ứng ngược.

Do đó, khen thưởng phải tạo được động lực cho học sinh và giáo viên, tạo niềm tin cho phụ huynh, xã hội. Khi làm tốt việc khen thưởng tạo động lực lớn cho giáo viên, học sinh thì hiệu quả và chất lượng giáo dục cũng từ đó được nâng lên.

Theo báo cáo từ các địa phương, hiện nay SGK lớp 1 của chương trình GDPT mới đã về đến tất cả các trường tiểu học, đến tay các phụ huynh, học sinh. Việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học cũng được các tỉnh/thành tích cực triển khai. Đối với lớp 1 tài liệu này sẽ hoàn thành trong tháng 8 để giáo viên sử dụng trong tổ chức hoạt động trải nghiệm và tích hợp vào dạy các môn học khác theo quy định của chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai chương trình lớp 1 mới: Vẫn nỗi lo quá tải