Năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai ở bậc trung học cơ sở, bắt đầu với lớp 6.
Một trong những điểm khác biệt rất lớn của chương trình mới so với chương trình hiện hành là sự xuất hiện của các môn học mang tính tích hợp của nhiều môn. Những thay đổi này được các nhà trường triển khai ra sao trong khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phúc tạp, học sinh ở những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội có khả năng sẽ phải học trực tuyến ngay từ đầu năm học mới?
Không dễ sắp xếp thời khóa biểu
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, lớp 6 sẽ có một số môn học lần đầu xuất hiện. Đó là hai môn tích hợp Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên với các chủ đề tích hợp từ các phân môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Để giáo viên có thể nắm bắt kịp thời chương trình, sách giáo khoa mới, các địa phương đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các nhà trường với chủ biên chương trình, chủ biên biên soạn sách giáo khoa.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) thừa nhận, thời gian đầu khi triển khai nội dung chương trình mới, giáo viên trên địa bàn quận rất băn khoăn, lúng túng. Phòng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường, đến nay 100% giáo viên được phân công đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc dạy các môn tích hợp.
Theo ông Oanh, phòng đã có hướng dẫn các nhà trường căn cứ tình hình thực tế đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng sẽ phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.
Để có thể dạy các môn tích hợp ngay trong năm học mới, trước mắt giải pháp của địa phương này đưa ra là bố trí giáo viên của phân môn nào dạy ở phân môn đấy theo chủ đề môn học. Phần chủ đề chung sẽ do nhóm, tổ giáo viên cùng thiết kế.
Ông Oanh cho hay, hiện huyện Ba Vì đang tập huấn dạy thực nghiệm các môn tích hợp cho giáo viên qua các video online. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc sắp xếp thời khóa biểu sao cho không chồng chéo. Bởi khi dạy tích hợp, thời khóa biểu sẽ phải thay đổi, đáp ứng số tiết dạy tích hợp chứ không dễ dàng sắp xếp như trước đây, giáo viên dạy riêng rẽ các môn học.
Năm học 2021-2022, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đô Lương, Nghệ An) có 4 lớp 6 với 140 học sinh. Để tránh tình trạng giáo viên lúng túng trong việc dạy sách giáo khoa mới, thầy Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường ưu tiên bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán cho việc dạy học lớp 6, bảo đảm “3 đủ” là: Số lượng, cơ cấu, chất lượng theo chỉ đạo của Bộ GDĐT.
Đối với giáo viên dạy các môn dạy tích hợp, theo thầy Thượng, nhà trường phân công 2 giáo viên thuộc biên chế nhà trường có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Lịch sử - Địa lý dạy môn Lịch sử và Địa lý. Còn với môn Khoa học tự nhiên, hiện nhà trường chỉ có 1 giáo viên có thể dạy tích hợp môn Hóa học – Sinh học.
Vì vậy, nhà trường đã sắp xếp thêm 2 giáo viên dạy môn Vật lý để cùng dạy môn học tích hợp này theo chủ đề. Nghĩa là, chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ và ngược lại.
Nghệ An đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Điều thầy Thượng lo lắng nhất thời điểm này là triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 6 ngày từ đầu năm học mới.
Sở dĩ có lo lắng này bởi theo thống kê tình hình dạy học trực tuyến năm học trước của trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, có đến 50% học sinh của trường không có đủ điều kiện về thiết bị học online.
“Với điều kiện vùng nông thôn như huyện Đô Lương, việc dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 6 ngay từ đầu năm học mới sẽ rất khó khăn. Thực hiện giãn cách xã hội, giáo viên chưa được gặp học trò nên chúng tôi đang phối hợp với trường tiểu học mà các em theo học năm học trước để tiến hành rà soát điều kiện học tập của học sinh, từ đó có phương án dạy học phù hợp”, thầy Thượng thông tin.
Ngóng sách giáo khoa mới
Theo tìm hiểu, đến thời điểm này, tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, sách giáo khoa theo chương trình mới vẫn chưa đến tay người học, mặc dù Bộ GDĐT có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa tới nhà trường, học sinh và phụ huynh để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì cho biết: “Huyện còn 20% số sách giáo khoa lớp 6 theo đăng ký của phụ huynh đến thời điểm này vẫn chưa nhận được từ đơn vị cung ứng. Để sách tới tay học sinh trong tuần này, chúng tôi dự kiến chuyển sách tới các điểm chốt phòng, chống dịch; sau đó, phối hợp với lực lượng tự quản giao sách cho phụ huynh tại các điểm này”.
Theo nhu cầu của phụ huynh, trường THCS Nhật Tân đăng ký với đơn vị cung ứng sách 250 bộ sách giáo khoa lớp 6. Từ cuối tháng 7, toàn bộ số sách giáo khoa lớp 6 theo chương trình mới đã có tại kho sách của nhà trường. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường khác, số sách này không thể chuyển được tới tay phụ huynh.
Cô Hoàng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) thừa nhận, mấy ngày qua, nhiều phụ huynh nóng ruột gọi tới số điện thoại của nhà trường thắc mắc về vấn đề sách giáo khoa. Hiện nay, 250 bộ sách giáo khoa lớp 6 theo chương trình mới đã có tại kho sách của nhà trường. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường khác trên địa bàn thành phố, số sách này không thể chuyển được tới tay phụ huynh.
Để giải tỏa băn khoăn của phụ huynh, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp tập hợp đường link sách giáo khoa điện tử gửi cho phụ huynh và học sinh trong thời gian giãn cách.
Cô Vân Anh cho hay, việc giao sách đến tay phụ huynh, học sinh đang được nhà trường sắp xếp. Từ nay tới năm học mới, nếu không thể chuyển sách trực tiếp tới tay phụ huynh, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính để tiến hành sách giáo khoa cho học sinh qua đường bưu điện.