Thời điểm cận Tết Nguyên đán 2021 cũng là lúc vừa kết thúc học kỳ I của năm học đầu tiên đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT). Dưới góc nhìn của chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT)- Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) thì “cần lắm sự thay đổi của mỗi giáo viên, và mong họ hãy vượt qua chính mình một khi còn đứng lớp và hành nghề”.
PV: Thưa ông, chương trình GDPT mới (đang thực hiện với lớp 1) đặc biệt chú trọng tới năng lực và phẩm chất người học. Vậy làm thế nào để đánh giá đúng năng lực và phẩm chất người học?
Ông Đặng Tự Ân: Đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh (HS), thực chất là đánh giá quá trình hình thành và phát triển các kỹ năng, các hành vi thể hiện của HS. Công việc này mới, rất khó và rất cần ở sự chuyên cần, tỉ mỉ, công phu của những người tham gia đánh giá. Nó đòi hỏi kỹ năng riêng của giáo viên (GV), cái tâm sáng của nhà giáo và sự hợp tác có hiệu quả của tất cả các thành viên trong nhóm chuyên môn, đứng đầu là Hiệu trưởng nhà trường.
Xử phạt học trò là câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận. Ông có cho rằng, thực sự phải cần đến nghệ thuật xử lý học trò vi phạm?
- Tôi nghĩ không phải ai cũng có thể theo nghề và hành nghề dạy học tốt được. Đây là nghề kén chọn người. Dạy học là nghề đặc thù với đủ đầy cảm xúc và giầu lòng trắc ẩn như với người thân, như cha mẹ với con cái của mình. Dù có cái lý biện minh như thế nào thì sự trừng phạt thân thể hay tinh thần với trẻ là không được, không cho phép lương tâm người thày lại có những hành vi phản giáo dục, ít tình và ít cả lý trí ấy. Không thể viện cho lý do một thời đã từng xảy ra với chính mình và mình đã từng trải nghiệm mà trừng phạt hay xỉ nhục con trẻ.
Có lập luận, đánh trẻ vì mong muốn điều tốt nhất cho chúng, là “phương án cuối cùng” của GV khi ta đang phải làm giáo dục. Đây đều là sự lập luận có tính ngụy biện và nguy hại hơn là đã vô tình dạy cho HS bài học về hành vi xấu: cần sử dụng bạo lực để giải quyết những vấn đề hay một xung đột dù lớn hay nhỏ trong cuộc sống sau này.
Trừng phạt HS vẫn xảy ra đâu đó, vùng này vùng kia, đó là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết về kỷ luật tích cực, là kết quả của sự đào tạo ban đầu không hiệu quả và bản thân người thày ít được trau dồi kỹ năng sống trong môi trường văn hóa và học đường. Chúng ta cần mỗi GV phải biết tự rèn luyện lối sống tích cực, biết kìm nén cảm xúc, biết tiết chế suy nghĩ tiêu cực và luôn tự làm chủ suy nghĩ và hành vi của mình trong suốt quá trình dạy học và giáo dục.
Nhà trường chúng ta không chỉ dạy cho HS phát triển trí tuệ mà phải dạy cho các em cả lòng nhân ái. GV hãy cùng “mở trí” và “mở lòng” đối với mọi trẻ em. GV phải có chuyên môn giỏi, cần trải nghiệm nhiều kỹ năng sống, kỹ năng sư phạm, có hiểu biết sâu sắc tâm lý trẻ để dạy trẻ, biết hành xử chuyên nghiệp và có nghề mang tính nghệ thuật cao trong môi trường giáo dục đổi mới.
PV: Đối với GV việc thay đổi đánh giá mà lâu nay họ vẫn làm (bằng điểm số) xem ra không đơn giản. Như vậy, ông có cho rằng một trong những cái khó trong đổi mới giáo dục vẫn đang nằm ở GV không?
Ông Đặng Tự Ân: Đổi mới đánh giá đi liền với đổi mới phương pháp dạy - học như hình với bóng, tuy hai mà một. Trong đó đổi mới đánh giá HS trong quá trình học là trọng điểm, quyết định tới đánh giá chất lượng và thành tích học tập của một nhà trường đổi mới. Đánh giá quá trình học tập của HS, thông qua nhận xét là cách đánh giá rất mới, rất khác hình thức đánh giá cũ khi mà GV chỉ dựa hoàn toàn vào điểm số qua các bài kiểm tra. Qua khảo sát ở một số trường hiện nay chỉ có khoảng 3,4% GV thực hiện đầy đủ và đúng yêu cầu đánh giá bằng nhận xét, điều đó cho thấy GV còn nhiều lúng túng trong cách làm cụ thể, đặc biệt là các kỹ thuật thu thập chứng cứ, quan sát và nhận xét và vì vậy hiệu quả đánh giá bằng hình thức mới chưa cao, vẫn còn mang tính đối phó, chiếu lệ. Như vậy, đây thực sự là thách thức không nhỏ cho đội ngũ GV và cho cả công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam.
“Thầy cô chúng ta đã thay đổi” là series phim tài liệu đặc biệt trên VTV để thay đổi giáo viên trong 9 tháng. Mục đích của dự án là giúp các GV tự nỗ lực thay đổi và vượt qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong quá trình giảng dạy. Ông có thường xuyên xem chương trình này không? Ông đánh giá thế nào về nỗ lực thay đổi của chính GV khi triển khai chương trình mới thời gian qua?
- Tôi quá ấn tượng về loạt phim tài liệu “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” của VTV 7. Phim như luồng gió mới, được thổi vào đương đại để tìm ra một cách giải quyết mới trong giáo dục: GV thay đổi trước khi yêu cầu HS cũng như mong muốn cha mẹ HS và xã hội thay đổi. Rất cần lắm sự thay đổi của mỗi GV và mong họ hãy vượt qua chính mình một khi còn đứng lớp và hành nghề. Chương trình là một thông điệp/ sự “sám hối”cũng như tìm ra lối thoát của người thầy. Ở đó, câu trả lời cho mọi GV như đã tường minh: mình đã dạy học thành công và được học sinh quý trọng, điều ấy đến từ đâu.
Nghề dạy học cũng như bao nghề khác trong xã hội, muốn thành công đều phải cố gắng, phải trả giá. Không thể nghĩ, giáo dục là nghề nguy hiểm, luôn nhận lấy “cái bạc” của xã hội và cộng đồng rồi than thở trách mình đã chót chọn cái nghề “lái đò qua sông”. Không phải! Hạnh phúc là do ta chọn và ta theo đuổi nó, rồi nó sẽ là của ta hưởng. Ví như, HS cũng rất cần sự tôn trọng của các thầy cô và nhà trường. Các em cũng là con người, cũng có mong muốn tự thân là được tôn trọng. Các thầy cô đừng lãng quên mà cần phải nâng niu giá trị bản thân của mỗi em, nó chính là vật quý giá nhất mà tạo hóa đã ban cho mỗi người.
Như thế, GV cần thực sự thay đổi và sẵn sàng chỉnh sửa “hành trang” của mình trước khi đi vào trường học, đi vào trường đời hạnh phúc.
Thưa ông, chúng ta đang đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình, đổi mới SGK nhưng rõ ràng vẫn còn đó những băn khoăn về mô hình lớp chuyên, lớp chọn nhất là ở cấp Tiểu học và THCS; những tồn tại về thi cử theo lối mòn, sức ép về điểm số?
- “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vốn đã ăn sâu vào truyền thống tôn sư của đạo của người Việt. Do vậy đổi mới giáo dục sẽ khó khăn từ chính mỗi nhà trường.
Đã có một thời kỳ chúng ta chú trọng xây dựng trường chuyên, lớp chọn. Nhưng ngày nay, trường chuyên, lớp chọn đã phát triển quá đà. Cả nước có gần 70 trường chuyên với hàng vạn HS theo học. Tuy Nhà nước đã cấm mở lớp chọn nhưng nhiều địa phương vẫn âm thầm tổ chức, tạo nguồn cho các trường chuyên ở địa phương và Trung ương. Đã là trường phổ thông phải là bình đẳng cơ hội vào học và cơ hội được học tập và phát triển. Tại sao một bộ phận HS lại có sự phân biệt và ưu ái, hưởng lợi riêng? Phát triển tài năng phải trên nền giáo dục cơ bản phổ thông để mỗi em trở thành phiên bản của chính mình và với nội lực bản thân có sẵn.
Những mặt được cơ bản của giai đoạn trước, nhưng tới nay lại là những bất hợp lý, không còn phù hợp của hệ chuyên. Đó là một nghịch lý tất yếu mà giáo dục phải đối đầu. Rất cần thay đổi.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!