Tính đến thời điểm này, hàng ngàn giáo viên trên cả nước đã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ mong muốn giáo viên nắm rõ 5 thay đổi tư duy giáo dục quan trọng để phát huy trách nhiệm, nhận thức trong thực hiện chương trình GDPT mới và thay sách giáo khoa (SGK).
Ảnh minh họa.
5 thay đổi tư duy dạy và học
Đơn cử trong sáng 29/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) nghệ thuật trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật đáp ứng chương trình GDPT mới. Hội thảo là cơ hội để trao đổi về một số vấn đề đặt ra, những yêu cầu của công tác bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông; những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông đáp ứng chương trình GDPT mới.
PGS.TS Đào Đăng Phượng- Hiệu trưởng Trường ĐHSP nghệ thuật trung ương cho rằng, trong chương trình GDPT mới, giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật, được đưa vào chương trình dạy học cấp tiểu học, THCS và THPT và là các môn bắt buộc. Sự cần thiết, vai trò của giáo dục nghệ thuật trong chương trình GDPT mới được thể hiện ở mục đích đào tạo con người mới Việt Nam phát triển cân đối, hài hòa và toàn diện. Và mục tiêu của giáo dục nghệ thuật ở trường phổ thông nhằm góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh. Do đó, giải pháp quan trọng là phát huy vai trò, nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp, năng lực nghệ thuật đội ngũ giáo viên thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.
Cũng trong ngày 29/10, tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An), Bộ GDĐT đã tổ chức khóa Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông về thực hiện chương trình GDPT mới. Tại khai mạc, ông Nguyễn Hữu Độ đã nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là văn bản pháp lý quan trọng đối với sự phát triển giáo dục Việt Nam. Trong đó, đặc biệt có 5 thay đổi quan trọng về tư duy giáo dục. Thứ nhất, chuyển tư duy từ việc chú trọng phát triển số lượng sang chú trọng phát triển chất lượng. Đem chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, nền giáo dục không chất lượng thì coi như không có giáo dục. Thứ hai, chuyển tư duy dạy học theo hướng chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ nội dung kiến thức, nền giáo dục bằng cấp, sang nền giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Từ thay đổi tư duy này sẽ kéo theo thay đổi về mục tiêu, phương pháp dạy học. Thứ ba, thay đổi tư duy dạy học theo hướng mở rộng qua nhiều hoạt động. Thứ tư là đổi mới đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học. Thứ năm, đổi mới tư duy từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu xã hội.
Ông Độ mong muốn giáo viên nắm rõ 5 thay đổi tư duy quan trọng này để phát huy trách nhiệm của mình, nhận thức được mình cần phải làm gì trong thực hiện chương trình GDPT mới và thay SGK.
Các trường ĐH bồi dưỡng giáo viên phổ thông
Trước đó ít ngày, Trường ĐHSP Hà Nội cũng tổ chức lớp bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2019 cho 1.024 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông của 10 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là một trong nhiều lớp bồi dưỡng chương trình GDPT mới đã được 8 trường ĐHSP trọng điểm triển khai trên cả nước, với mục tiêu tập huấn cho 28.000 giáo viên cốt cán các trường phổ thông.
GS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho biết, năm 2019, nhà trường được giao trọng trách bồi dưỡng cho hơn 5.000 giáo viên phổ thông cốt cán của 10 tỉnh, thành phố phía Bắc về chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đợt tập huấn đầu tiên này, có 1.870 giáo viên tham gia bồi dưỡng tại 2 cơ sở của trường ở TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Tại khóa bồi dưỡng nói trên, các giáo viên đã được nghe giới thiệu tổng thể các môn học của chương trình GDPT mới, được tìm hiểu, hướng dẫn những phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác chuyên môn, đóng vai trò then chốt trong tiếp nhận và hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông Độ đề nghị, qua khóa tập huấn các thầy cô giáo phải nắm bắt thật chắc những kiến thức được truyền đạt để từ đó triển khai các nội dung này đến các thầy cô giáo, đồng nghiệp tại trường của mình. Cùng với đó là việc giảng viên, giáo viên phải chú trọng chất lượng bồi dưỡng, bởi 1024 giáo viên được bồi dưỡng vừa rồi là tinh hoa từ 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội gửi lên dự tập huấn, sau đó phải biết cách tổ chức bồi dưỡng thế nào tại các địa phương mình cho tốt.
Hiện nhiều trường như ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP - ĐH Huế, ĐH Vinh… cũng đã tiến hành các đợt tập huấn cho giáo viên cốt cán các tỉnh, thành phố.