Đón nhận thông tin sắp có hướng dẫn giảng dạy văn hóa sau thời gian dài vướng mắc, lãnh đạo các trường nghệ thuật, trường nghề đều phấn khởi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Cơ điện Hà Nội cho rằng, đây là tin vui với tất cả các trường nghề bởi đã một thời gian dài, câu chuyện dạy văn hóa trong trường nghề đang là nút thắt của các trường trong tuyển sinh. Các trường dù tư vấn kỹ cho học viên nhưng vẫn nhiều em tự tìm hiểu thông tin trên mạng, lo lắng nếu học trường nghề chỉ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa thì sẽ khó cho việc liên thông ở các cấp cao hơn. Vì vậy, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này sẽ khiến học sinh yên tâm chọn trường nghề.
Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng cho rằng hiện nay, tùy từng địa phương lại có sự “linh hoạt” riêng cho chuyện dạy văn hóa trong trường nghề, có nơi tạo điều kiện, có nơi không. “Riêng tôi nghĩ các trường nghề luôn chú trọng làm thương hiệu cho mình. Họ không thể tự nhận dạy văn hóa, rồi dạy không ra gì, để ảnh hưởng đến uy tín” - ông Ngọc nói.
Trường CĐ Việt Mỹ hiện vẫn đang tuyển sinh chương trình CĐ 9+ đào tạo song song kiến thức văn hóa THPT và chuyên môn. Sau 3,5 năm học sinh sẽ nhận được bằng CĐ và Giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo khảo sát nhu cầu của phụ huynh và học sinh thì phần lớn người học đều có nguyện vọng được sở hữu tấm bằng tốt nghiệp THPT để thuận lợi hơn nếu muốn học liên thông hoặc sau này đi làm, tham gia thị trường lao động. Vì vậy, nếu chỉ học văn hóa 4 môn để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành văn hóa phổ thông sẽ gây khó khăn cho việc tuyển sinh của trường CĐ Việt Mỹ nói riêng và các trường CĐ nghề, nghệ thuật nói riêng.
Với thông tin mới này, nhà trường dự kiến sẽ tạo thuận lợi trong việc tư vấn tuyển sinh với nhiều thí sinh đang có nhu cầu quan tâm tới việc đăng ký xét tuyển vào trường. Ngoài ra, theo cán bộ tuyển sinh của nhà trường, bên cạnh các học phần văn hóa phổ thông theo quy định của Bộ GDĐT, nhà trường còn thực hiện giảng dạy những môn văn hóa tạo nền tảng năng lực tư duy cho sinh viên trong từng ngành nghề.
Đây cũng là một trong những hướng đi được nhiều trường nghề đẩy mạnh để thu hút học viên. Bằng cách tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đảm nhiệm vai trò là cầu nối sinh viên với doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp các em có thể dễ dàng tìm được công việc đúng chuyên ngành, được các trường giới thiệu việc làm sau khi ra trường với mức lương khởi điểm hấp dẫn. Thực tế học nghề không lo đầu ra khiến thí sinh cảm thấy yên tâm với sự lựa chọn của mình và ngay trong quá trình học, được thực hành tại chính doanh nghiệp nên các em cũng nhìn rõ, thấu hiểu công việc tương lai, không còn mông lung, lo chọn nhầm nghề.
Tuy nhiên, học tập là việc suốt đời nên với nhiều học viên, dù chủ động thuyết phục gia đình để theo học trường nghề nhưng các em cũng mong muốn được tiếp tục học văn hóa 7 môn để sau này khi có nhu cầu học cao hơn sẽ thuận lợi. Nguyễn Cao Cường - học viên hệ 9+, Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết, sau một thời gian chia sẻ, tâm sự, em đã thuyết phục được bố mẹ về sự lựa chọn của mình. “Tuy nhiên, bố mẹ cũng phân tích với em về cơ hội việc làm sau này, chẳng hạn muốn thi tuyển làm công chức hay đi xuất khẩu lao động vẫn cần đến bằng tốt nghiệp THPT nên khi chọn trường để đăng ký, em cũng rất để ý đến vấn đề này. Thầy cô vừa thông báo về việc học chương trình 7 môn nên em cũng yên tâm với sự lựa chọn của mình về lâu dài không bị tụt hậu so với các bạn đang học trường phổ thông” - Cường chia sẻ.
Chương trình 9+ đang thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên, để tránh sự chồng chéo trong vấn đề quản lý, học sinh mất công mất sức với các chương trình văn hóa chưa thực sự phù hợp, rất cần sự chuẩn hóa khối lượng kiến thức THPT cho học sinh theo học hệ thống GDNN, giúp học sinh sớm đủ điều kiện tham gia thị trường lao động hoặc học tiếp lên các trình độ cao hơn.