Kinh tế

Triển khai sử dụng thí điểm ứng dụng AI trong kiểm toán các gói thầu số hóa

Duyên.Ng- Hoàng Long 03/04/2025 21:10

Sáng 3/4, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về công tác thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kiểm toán và một số hoạt động của Ngành. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu

444-202504032055331.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị. Ảnh: Hoàng Long.

Dự Hội nghị trực tiếp còn có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN... Tham gia tại các điểm cầu KTNN khu vực có thủ trưởng các đơn vị cùng một số công chức, kiểm toán viên...

Tại Hội nghị, ông Phạm Huy Thông - Phó Cục trưởng phụ trách Cục CNTT cho biết, hiện nay, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các cơ quan nhà nước đã và đang triển khai số hóa dữ liệu với các bước công việc chính bao gồm: chỉnh lý, số hóa, nhập liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu và các công đoạn liên quan khác. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành chính và lưu trữ thông tin.

444-202504032055332.jpg
Ông Phạm Huy Thông - Phó Cục trưởng phụ trách Cục CNTT báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Long.

Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2025, KTNN sẽ thực hiện chuyên đề kiểm toán việc đầu tư, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại các địa phương giai đoạn 2021-2024, tại các tỉnh: Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Điện Biên, Phú Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nam Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước. Hiện, Cục CNTT đã thí điểm thực hiện kiểm toán tự động áp dụng AI đối với các gói thầu số hóa tại các địa phương này.

Theo ông Phạm Huy Thông, hàng năm, số lượng lớn các gói thầu số hóa được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2025, có hơn 1.000 gói thầu số hóa được đăng tải. Riêng tại 13 tỉnh thuộc chuyên đề kiểm toán về chuyển đổi số, có 168 gói thầu số hóa được ghi nhận.

444-202504032055333.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Long.

Cục CNTT đã sử dụng hệ thống tự động (BOT) để thu thập dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Kết quả đã thu thập hơn 1.000 gói thầu số hóa từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2025. Tại 13 tỉnh được kiểm toán chuyển đổi số, đã thu thập được 168 gói thầu số hóa. Từ đó, hệ thống AI đã phân tích và phát hiện một số dữ liệu quan trọng như: Số gói thầu có nguy cơ vượt định mức: 30 gói thầu (chiếm 17,86%); Tổng số tiền vượt định mức 8 tỷ VND (theo đánh giá của AI); Số gói thầu chưa đủ thông tin để xác định: 62 gói thầu (chiếm 36,9%).

Ông Thông cũng cho biết, qua kiểm tra các gói thầu, một số vấn đề cụ thể AI đã phát hiện như: Vượt định mức so với quy định, ví dụ 01 gói thầu tại tỉnh Bình Phước có dấu hiệu vượt định mức. Đơn giá chỉnh lý tài liệu hành chính, xây dựng cơ bản cấp tỉnh (3.980.000 VND/mét) và cấp huyện (3.480.000 VND/mét) cao hơn đơn giá chứng từ kế toán (1.180.000 VND/mét). Sau khi kiểm tra, đơn vị đang áp dụng định mức theo văn bản chuyên ngành...

Nhiều ưu điểm trong áp dụng AI vào hoạt động kiểm toán

Cục CNTT phân tích, việc áp dụng AI trong hoạt động kiểm toán các hồ sơ số hóa được cho là có nhiều ưu điểm, cụ thể như: Tăng tốc độ kiểm tra hồ sơ, từ đó kiểm tra toàn bộ các gói thầu thay vì chọn mẫu. Theo nhận định, nếu được đầu tư hạ tầng đầy đủ, AI có thể kiểm tra hàng nghìn hồ sơ mỗi ngày. Việc áp dụng AI cũng giúp cập nhật đầy đủ các quy định về pháp luật đối với vấn đề kiểm tra, thống nhất trong việc tính toán định mức. Hồ sơ không chỉ được so sánh với tiêu chuẩn định mức pháp luật mà còn được so sánh với các hồ sơ khác trên toàn quốc để đưa ra các đánh giá.

Để đảm bảo việc tiếp tục huấn luyện AI và thử nghiệm việc áp dụng AI trong hoạt động kiểm toán, Cục CNTT đã có một số đề xuất áp dụng AI trong hoạt động kiểm toán các gói thầu số hóa.

Cụ thể, áp dụng AI trong việc kiểm toán tất cả các gói thầu số hóa theo đề cương kiểm toán chuyên đề: việc đầu tư, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại các địa phương giai đoạn 2021-2024.

Do thời gian ban đầu cần huấn luyện và kiểm tra kết quả báo cáo của AI, chính vì thế, Cục CNTT đề xuất thực hiện theo lộ trình. Từ tháng 03 đến tháng 05/2025: Kiểm toán viên thu thập hồ sơ gửi Cục CNTT, Cục CNTT cung cấp hồ sơ cho AI Agent để phân tích và huấn luyện. Bắt đầu từ tháng 06/2025, mỗi đoàn kiểm toán sẽ được cung cấp 01 tài khoản AI Agent. Kiểm toán viên giao tiếp trực tiếp với AI Agent.

Tuy nhiên, ông Phạm Huy Thông cũng nhận định, công tác ứng dụng AI trong kiểm toán các gói thầu số hóa còn nhiều khó khăn, thách thức, do vậy, kết quả báo cáo cần được xem xét trước khi trao đổi với đối tượng được kiểm toán.

Cần có sự phối hợp của các đoàn kiểm toán và kiểm toán viên để huấn luyện AI Agent “ngày càng thông minh” như: giải trình các nội dung AI Agent đã chỉ ra; cung cấp những thông tin kiểm toán viên phát hiện ra nhưng AI Agent không phát hiện ra; cung cấp thêm các quy định chuyên ngành hợp lệ...

Việc hoạt động của AI Agent tiêu tốn tài nguyên rất lớn, do đó, trong quá trình thí điểm khi chưa được đầu tư đầy đủ hạ tầng có thể không đủ tài nguyên cho việc phân tích số lượng lớn hồ sơ và số lượng người dùng lớn.

Còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Tại Hội nghị trực tuyến, lãnh đạo một số đơn vị của KTNN cũng tham gia ý kiến và nêu những khó khăn cần được tháo gỡ.

444-202504032055334.jpg
Ông Lê Quý Hưng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Khu vực III tham gia đóng góp ý kiến trực tuyến tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Long

Ông Lê Quý Hưng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực III bày tỏ băn khoăn về tính đồng nhất giữa kết quả kiểm toán truyền thống và kiểm toán bằng AI; tính bảo mật của việc ứng dụng AI vào kiểm toán ở mức độ nào?

Ông Đoàn Huy Vinh - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực X đề nghị Cục CNTT phối hợp, hỗ trợ đơn vị vì trong quá trình thực hiện thí điểm còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III nêu ý kiến: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kiểm toán là xu hướng tất yếu, nên tiếp cận ngay, không nên chờ đợi. Ông Tuấn cũng đề nghị KTNN có thể bố trí tổ chức ngay những lớp đạo tạo kiến thức cơ bản về AI, góp phần định hướng, hướng dẫn để mỗi kiểm toán viên có thể ứng dụng AI để phân tích các gói thầu có dữ liệu mở...

444-202504032055335.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đưa ra một số lưu ý đối với các đơn vị trong công tác ứng dụng AI vào hoạt động kiểm toán. Ảnh: Hoàng Long

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đưa ra một số lưu ý: Thứ nhất, đề nghị Cục CNTT phối hợp với 1 số đơn vị triển khai thí điểm trực tiếp công tác này. Trong quá trình triển khai thí điểm, sẽ nảy sinh những vướng mắc cần tháo gỡ. Thứ hai, đối với việc ứng dụng AI, hiện công nghệ kết nối, hạ tầng chưa được đảm bảo, nên sớm giải quyết bài toán này.

444-202504032055336.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng nhận định, việc áp dụng AI là xu thế tất yếu. Ảnh: Hoàng Long

Đồng tình với ý kiến của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng nhận định, việc áp dụng AI là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đây là giai đoạn thí điểm nên sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, do đó, việc tạo một forum (diễn đàn) để cùng nhau trao đổi, chia sẻ những vướng mắc hay kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện là hết sức cần thiết.

444-202504032055337.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cũng nhấn mạnh thêm đây là giai đoạn thí điểm, nên trong quá trình triển khai sẽ vừa làm vừa hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Long

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cũng nhấn mạnh thêm, đây là giai đoạn thí điểm nên trong quá trình triển khai sẽ vừa làm vừa hoàn thiện. Bên cạnh đó, Cục CNTT sẵn sàng cử nhân lực phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ, hướng dẫn. Cũng trả lời thắc mắc của một số đơn vị về việc kết quả kiểm tra, rà soát của AI và kiểm toán viên có thể có sự khác biệt, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng khẳng định lại: AI chỉ mang tính phát hiện ra vấn đề và đưa ra khuyến nghị, bản thân mỗi kiểm toán viên vẫn sẽ là người xem xét và kiểm tra lại toàn bộ kết quả.

Gấp rút triển khai chữ ký số, chuẩn hóa dữ liệu

444-202504032055338.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Hoàng Long

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Chính vì thế, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kiểm toán và trong một số hoạt động của Ngành là việc cần làm ngay.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng cho rằng, trong công tác triển khai cần hết sức thận trọng, phải đi từng bước. Trong giai đoạn thí điểm bước đầu, AI là công cụ hỗ trợ để phát hiện ra những sai phạm, giúp kiểm toán viên tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng kiểm toán. Nhưng hiện tại, kết luận của kiểm toán viên, tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán vẫn là kết luận cuối cùng.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Ngành soạn thảo ngay một quy trình về thí điểm AI trong hoạt động kiểm toán, làm rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình này. Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị các đơn vị ngay trong tháng 4 này phải hoàn thiện công tác chuẩn hóa chữ ký số, chuẩn hóa dữ liệu góp phần quan trọng vào thành công của công tác ứng dụng AI vào hoạt động kiểm toán.

“Chúng ta phải tính bài toán đầu tư cho AI làm sao phải thu được hiệu quả cao nhất. Các đơn vị cần rà soát lại tất cả các khó khăn vướng mắc, quy trình thủ tục, định mức... để triển khai ngay”, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai sử dụng thí điểm ứng dụng AI trong kiểm toán các gói thầu số hóa