Mặc dù hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đang chững lại và có nhiều dấu hiệu khó khăn ngắn hạn nhưng theo các chuyên gia trong ngành, năm 2023 triển vọng hoạt động M&A vẫn sáng với nhiều thương vụ tiềm năng.
M&A thời tiền khó
Trong báo cáo về xu hướng M&A toàn cầu mới đây, Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC nhận định, những doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh sẽ có nhiều cơ hội hơn trong bối cảnh thắt chặt tài chính. Trong khi đó tại Việt Nam, tỷ lệ tài trợ vốn cho mục đích M&A tại các ngân hàng thương mại đang được quy định chặt chẽ.
Trong giai đoạn này, những bên mua vào trong các thương vụ M&A lớn đều là những doanh nghiệp có sẵn nguồn tài chính hoặc có tỷ lệ nợ còn khá khiêm tốn.
Những thương vụ nổi bật trong nước phải kể đến Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã thông qua chủ trương mua cổ phần của 5 công ty trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Long An và Quảng Bình. Trong đó, 2/5 công ty mục tiêu thuộc sở hữu của DNP Water - công ty con của Nhựa Đồng Nai (mã DNP) và cũng là công ty ngành nước ráo riết M&A các năm gần đây.
Về hoạt động kinh doanh tại Biwase, năm 2022, lượng tiền mặt và các khoản tiền gửi riêng ở công ty mẹ vẫn xấp xỉ 1.110 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ của Biwase ở mức khá (55%), nhưng lợi nhuận tăng nhanh các năm qua giúp nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp này. Đến cuối năm 2022, Công ty có quy mô vốn 1.929,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 816 tỷ đồng, tương đương 42% vốn điều lệ.
Trong khi đó, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang trong năm 2022 đã kinh doanh thắng lợi lớn với mức lợi nhuận đạt được cao kỷ lục hơn 6.040 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2021. Khoản lợi nhuận tích lũy đến cuối năm 2022 đã tăng lên 5.084 tỷ đồng, gấp 1,34 lần quy mô vốn điều lệ. Cũng nhờ thu lãi lớn năm trước, Tập đoàn trả bớt nợ vay, giảm tỷ lệ nợ xuống còn chưa đến 19%. Lượng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm của Tập đoàn vượt 9.000 tỷ đồng, chiếm 68% tổng tài sản.
Vì thế, Hóa chất Đức Giang đã duyệt phương án mua hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB, tương đương 51% vốn điều lệ Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng. Với giá mua không quá 39.200 đồng/cổ phiếu, Hóa chất Đức Giang dự kiến chi ra xấp xỉ 135 tỷ đồng. Giá trị đầu tư để sở hữu chi phối Công ty Ắc quy Tia Sáng chỉ tương đương hơn 1% tổng tài sản của một trong những doanh nghiệp ngành hóa chất có quy mô lớn nhất trên sàn.
"Cú bắt tay" với các thương hiệu nước ngoài
Ngày 1/3/2023, Ngân hàng UOB thông báo việc hoàn tất thu mua mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bao gồm việc nhận chuyển giao khoảng 575 nhân viên thuộc Citigroup sang UOB Việt Nam.
UOB Việt Nam cho biết, thương vụ là sự tiếp nối của việc hoàn tất thu mua tại thị trường Thái Lan và Malaysia vào tháng 11 năm 2022. UOB cũng dự kiến sẽ hoàn tất việc mua lại vào cuối năm 2023 tại Indonesia. Qua đó, việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại bốn thị trường sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng mạng lưới của UOB tại khu vực ASEAN.
Sau khi hoàn tất, việc sáp nhập dự kiến sẽ tăng gấp đôi cơ sở khách hàng bán lẻ hiện có của UOB tại bốn thị trường và bổ sung thêm 5.000 nhân sự vào đội ngũ nhân lực của ngân hàng.
Bổ sung mảng kinh doanh bán lẻ thu mua từ Citigroup tại Malaysia và Thái Lan vào lượng khách hàng đang tăng trưởng hiện có, cơ sở khách hàng bán lẻ của UOB đã đạt gần 7 triệu người trên toàn khu vực ASEAN. Cùng với mạng lưới rộng khắp trong khu vực sẵn có của UOB, việc sáp nhập sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển vươn lên trở thành một ngân hàng hàng đầu được người tiêu dùng và doanh nghiệp tại ASEAN lựa chọn.
Đáng chú ý, thương vụ mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam nằm trong chiến lược M&A chung ở cả 4 thị trường, nhưng theo giới chuyên môn, cũng có ý nghĩa đánh dấu sự trở lại mở rộng các mảng kinh doanh đặc biệt của các ngân hàng toàn cầu tại thị trường 100 triệu dân này.
Trong đó, ghi nhận từ 2018 đến nay, nhiều ngân hàng nước ngoài đầu tư hoạt động tại Việt Nam bằng việc mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch. Các ngân hàng này thường đặt kỳ vọng về lợi nhuận tại thị trường Việt Nam, nhất là mảng ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, làn sóng M&A ngân hàng của các nhà đầu tư ngoại và các tập đoàn, định chế tài chính đa quốc gia mới chỉ thực sự trở lại mạnh từ 2021, với thương vụ trong chuỗi mở rộng thị trường tại ASEAN của UOB, trên cơ sở mua lại mảng của Citigroup; và dấu ấn của SMBC khi mua vốn cổ phần FeCredit.
Có nhiều cơ sở để thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn trong mắt các định chế quốc tế, trong đó, ngoài nhu cầu tài chính tiêu dùng của gần 100 triệu dân, cơ hội mở rộng và nhộn nhịp hơn khi kinh tế Việt Nam ngày càng mở, hội nhập sâu toàn cầu mang đến các dòng vốn đa chiều từ các bên.
M&A năm 2023 - ngôi sao hy vọng cho những cơ hội hợp tác quốc tế
Đối với triển vọng của thị trường M&A Việt Nam trong năm 2023, ông Ong Tiong Hooi, lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch PwC Việt Nam, cho rằng năm nay được kỳ vọng sẽ là một năm hứa hẹn với thị trường M&A khi các giám đốc điều hành (CEO) tập trung tạo ra giá trị thông qua việc đổi mới doanh nghiệp và các hoạt động giao dịch.
Lãnh đạo PwC Việt Nam nhìn nhận, tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bắt đầu tích hợp yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào kế hoạch kinh doanh khi các nhà đầu tư bắt đầu ưu tiên các yếu tố này trong kế hoạch đầu tư của họ.
Những tháng gần đây, Việt Nam cũng đang chứng kiến nhiều thương vụ thoái vốn chiến lược khỏi một số doanh nghiệp Việt Nam để cân đối dòng tiền nhằm đối phó với áp lực đáo hạn trái phiếu.
Cùng với đó, một xu hướng nổi lên gần đây đó là việc chia tách công ty gia đình có quy mô lớn trong chuyển giao tài sản, hay tiến hành thương vụ để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hoặc bán một phần doanh nghiệp hoặc cổ phần để có vốn cho hoạt động mở rộng chiến lược, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á nhằm ứng phó với những căng thẳng chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng trong khu vực.
Cùng quan điểm về thị trường, TS Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận Tư vấn thương vụ, Công ty kiểm toán và tư vấn KPMG Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều lo ngại về sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, song thị trường M&A trong năm 2023 vẫn chứa đựng nhiều cơ hội toả sáng.
Theo Phó Tổng Giám đốc KPMG dự báo, trong năm tới đây, ngành tài chính – ngân hàng sẽ trở thành lĩnh vực nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư lớn và có cơ hội chốt “deal” trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Một số lĩnh vực khác cũng được ông Nguyễn Công Ái nhắc tới như bất động sản, logistics, bán lẻ, sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nhanh,… sẽ tiếp tục mang lại nhiều tiềm năng thu hút nguồn vốn ưu tiên từ các quốc gia đến từ Châu Á, trong đó có các nước ASEAN như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia.
Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc KPMG cũng cho rằng, trong năm 2023, dự kiến sẽ có nhiều tập đoàn trên toàn cầu sẽ đến Việt Nam, nguyên do vì Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng để bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế, với các khoản đầu tư lớn từ cả khu vực công và tư nhân. Cùng với đó, các công ty Việt Nam đã làm quen nhiều hơn với các mô hình M&A và sẵn sàng xem xét quan hệ đối tác chiến lược với các nhà đầu tư nước ngoài.