Mới đây, một bé gái 13 tuổi ở Long An đã uống thuốc sâu tự tử do bị bạn bè tẩy chay, bắt nạt ở trường và trên Facebook. Tuy đã được đưa đi cấp cứu kịp thời và hiện không còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng hành động dại dột của bé gái khiến người lớn phải suy ngẫm về trách nhiệm trong việc dạy dỗ, định hướng, bảo vệ con trẻ.
Bé gái đang học lớp 7, sống với bố và bà nội. Trong lớp, cháu có mâu thuẫn với một số bạn bè, dần bị tẩy chay và bắt nạt hội đồng cả ở trường và trên Facebook. Chán nản vì bị bạn bè xa lánh, nghĩ quẩn nên cháu đã uống thuốc sâu tự tử. May mắn người nhà kịp thời phát hiện và đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nên đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Hiện, bé gái đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh và sức khỏe có tiến triển tốt. Song, chắc chắn một điều, kể cả khi thể trạng đã hồi phục hoàn toàn và có thể xuất viện, thì sang chấn tâm lý đối với bé gái là rất khó hồi phục. Phải trong một thời gian dài nữa bé gái mới có thể hòa nhập trở lại cuộc sống bình thường.
Đáng tiếc, đây không phải là trường hợp đầu tiên con trẻ tìm tới cái chết để giải thoát khỏi sự cô đơn, nỗi thống khổ khi bị bạn bè ghẻ lạnh, bắt nạt. Mới chỉ cách đây chỉ vài tháng thôi, một bé gái 13 tuổi ở tỉnh Đồng Nai cũng đã phải nhập viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh trong trạng thái sức khỏe rất xấu do uống thuốc diệt cỏ.
Nguyên nhân được xác định là cháu có cuộc sống không hạnh phúc, tâm lý u ám bởi nhiều áp lực khi đang ở độ tuổi mới lớn. Ở trường, cháu thường bị các bạn bắt nạt hội đồng, dè bỉu chê bai làn da ngăm đen. Ở nhà, do gia cảnh khó khăn, cháu phải phụ giúp gia đình nhiều việc nặng quá sức, thậm chí kéo máy cày và thường bị cha mẹ la mắng.
Luôn cảm thấy lẻ loi một mình, bạn bè không chơi cùng, cha mẹ thay vì quan tâm, chia sẻ, động viên, an ủi lại thường xuyên quát tháo khiến bé gái cảm thấy chán đời, sợ cuộc sống nên muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Cũng rất may là đã có người phát hiện, kịp thời đưa cháu đi viện cấp cứu, nếu không thì hậu quả sẽ khôn lường.
Theo các bác sĩ, việc trẻ nhỏ dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu để tự tử, nếu phát hiện muộn thì dù có được cứu sống cũng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe, tổn hại các cơ quan như: Tim, gan, thận, ảnh hưởng thần kinh... Ngoài tổn hại sức khỏe, hậu quả lớn nhất đối với các cháu chính là chấn thương tâm lý không hề nhỏ, nó sẽ theo các cháu suốt đời.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sở dĩ các bậc cha mẹ chủ quan, không “để mắt” tới trẻ nhỏ vì nghĩ các cháu “ăn chưa no, lo chưa tới”, làm gì có ý thức để mà nghĩ đến chuyện tự tử. Song, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trẻ từ 6 tuổi trở lên đã bắt đầu có ý thức về cái chết, lớn hơn một chút các cháu có thể nghĩ đến tự tử khi buồn chán, cô đơn.
Song, vấn đề ở chỗ, để đến lúc trẻ nhỏ cảm thấy chán sống các bậc phụ huynh mới biết và giám sát e rằng là khá muộn và khó có thể tránh khỏi những tình huống xấu. Vậy nên, việc thường xuyên quan tâm, tâm sự, chia sẻ để nắm bắt tâm tư của con cái là rất quan trọng, giúp các bậc phụ huynh kịp thời định hướng, điều chỉnh suy nghĩ của con trẻ.
Khi những đứa trẻ được cha mẹ thường xuyên dành sự yêu tương, chăm chút, chúng sẽ có cách nghĩ tích cực, không chán nản dẫn đến những điều tồi tệ. Khi thường xuyên trò chuyện với con cái, các bậc phụ huynh sẽ biết được đứa trẻ đang phải chịu áp lực gì để giúp chúng giải tỏa, giải quyết triệt để vấn đề sẽ không phát sinh tình huống xấu.
Đơn cử như việc một số đứa trẻ thường xuyên bị các bạn ở trường tẩy chay, chê bai đủ điều, thậm chí là bắt nạt tập thể. Khi cha mẹ nắm bắt được điều đó cần có ngay các biện pháp thích hợp giúp con trẻ giải quyết vấn đề. Bên cạnh việc động viên con cái phấn chấn tinh thần, tập trung vào việc học hành, còn cần thiết đến gặp thày cô, nhà trường, gia đình một số bạn thường xuyên bắt nạt trẻ để cùng bàn biện pháp tháo gỡ.
Cùng với đó, các thày cô giáo cũng cần có trách nhiệm sâu sát hơn nữa với các học trò, tránh để xảy ra việc một nhóm cậy đông hiếp yếu, bắt nạt bạn. Khi thường xuyên nắm bắt được tâm lý của học trò, thày cô mới có thể đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp, không để đứa trẻ bị bắt nạt nghĩ quẩn dẫn đến tự tử.
Trong trường hợp những biện pháp giáo dục thông thường không đưa lại kết quả, nhà trường cần có biện pháp tách đứa trẻ ra khỏi nhóm bạn hay bắt nạt, thậm chí có các biện pháp mạnh tay để răn đe. Chỉ có sự “đồng tâm hiệp lực” của cả gia đình, nhà trường và các thày cô mới có thể triệt tiêu được thói bắt nạt, tránh hậu quả xấu không đáng có.