Ngày 1/10, thông tin từ UBND TP Cần Thơ cho biết, đợt triều cường lần này vẫn chưa đạt đỉnh. Trước đó, vào lúc 5 giờ 30 ngày 30/9, tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu nước ở mức 2,03m, vượt báo động 3. Cho tới 5 giờ sáng 1/10, mực nước ở mức 2,06m. Dự báo, đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đợt này có khả năng lên mức 2,1-2,15m, vượt mức báo động 3 từ 0,10 - 0,15m. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc 5 - 6 và 16 - 18 giờ.
Triều cường gây ngập lội nhiều tuyến đường trong nội thành Cần Thơ. Nhưng nơi bị ngập nặng bao gồm các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Kiệt, Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng Tám, Đề Thám… ảnh hưởng đến việc đi lại và buôn bán của người dân.
Nhân viên đơn vị cấp thoát nước thay phiên trực 24/24 tại các hố ga thoát nước trên các tuyến đường bị ngập; kiểm tra, kịp thời xử lý tình trạng rác thải che miệng hố ga và cảnh báo nguy hiểm cho người dân. Lực lượng công an cũng trực bảo đảm quân số điều tiết giao thông tránh để ùn tắc.
Đây là đợt triều cường thứ 2 tính từ đầu năm “tấn công” TP Cần Thơ. Đợt trước bắt đầu từ ngày 1/7, kéo dài 3 ngày khiến nhiều tuyến đường ngập sâu hơn 50cm. Trong các con hẻm, nước tràn vào nhà làm cho người dân không kịp trở tay.
Tuy nhiên, mức triều cường cao nhất tại Cần Thơ trong vòng 5 năm qua diễn ra vào ngày 12/10/2022, khi nước trên sông Hậu lên tới 2,27m, khiến nhiều tuyến đường“thất thủ”. Nước ngập sâu ở nhiều quận, trong đó có Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn.
Theo Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, đỉnh triều dự báo tháng 10 tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và có thể cao hơn đỉnh triều năm 2022. Đặc trưng thủy triều dự báo trong tháng 10 là đỉnh triều chủ yếu đạt vào các ngày cuối tháng. Các địa phương trong vùng thường bị ảnh hưởng khi triều cường xuất hiện là Gành Hào (Bạc Liêu), TP Cần Thơ, Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Tân Châu (An Giang) và Châu Đốc (An Giang).