Những ngày qua do triều cường nên diễn biến của tình hình hạn mặn ở ĐBSCL khá phức tạp, xâm nhập mặn theo đó tiếp tục dâng cao. Dự báo mặn còn xâm nhập sâu vào nội đồng cho đến hết tháng 4, sinh hoạt và sản xuất trong vùng sẽ tiếp tục khó khăn, đặc biệt là tại tỉnh Hậu Giang.
Tại thời điểm này, trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn đã lên tới gần 100km, tương đương cùng kỳ năm 2016. Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn trên 50km. Sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 71km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 10km. Sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 65km...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 2 và tháng 3 sẽ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, thậm chí có thể nặng hơn năm 2016.
Ở tỉnh Hậu Giang, theo ông Trần Thanh Toàn- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, những ngày qua triều cường nước biển dâng cao qua các con sông nối với biển Tây, như sông Cái Lớn chảy qua huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh độ mặn không ngừng tăng mạnh.
Qua kết quả đo nồng độ mặn từ triều biển Tây trong những ngày gần đây trên địa bàn TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ cho thấy, độ mặn luôn duy trì ở mức cao. Cụ thể, trên địa bàn TP Vị Thanh, độ mặn đo vào ngày 14/2 ở Kênh Lầu đạt mức 5,6‰, Kênh Năm là 2‰; còn tại huyện Long Mỹ, độ mặn ở cống Ba Cô là 3,1‰, cống Hóc Pó là 2,7‰ và kênh Mười Thước là 4,2‰. Hiện độ mặn tiếp tục tăng nhanh, nhiều nơi độ mặn tăng rất cao. Cụ thể, trên địa bàn huyện Long Mỹ, độ mặn ở cống Ba Cô đạt mức 18,4‰, cống Hóc Pó là 17,8‰, kênh Mười Thước là 13,8‰; còn trên địa bàn thành phố Vị Thanh, độ mặn tại Kênh Lầu là 7,4‰, kênh Năm là 5%.Đối các địa phương đầu nguồn của tỉnh như huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, độ mặn vào sáng ngày 11/ 2 cũng đang ở mức rất cao.
Độ mặn đo được ở các cửa sông của Hậu Giang những ngày qua cho thấy đã gần đạt mức lịch sử của mùa khô năm 2016 là 19‰. Ngành chức năng Hậu Giang lo lắng, độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới…
Tuy nhiên do nhận định được tình hình từ rất sớm nên một số địa phương thường xuyên bị mặn xâm nhập của Hậu Giang như huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, TP Vị Thanh đã chủ động các biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo người dân cần sớm có phương án nhằm ngăn chặn mặn lấn sâu vào nội đồng. Anh Đinh Văn Học, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ cho biết: “Sau khi nghe địa phương thông báo sẽ đóng cống ngăn mặn vì độ mặn tăng cao, bà con trồng lúa ở đây cũng đồng loạt đắp các cống đưa nước vào ruộng từ thời điểm trước Tết. Lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch lại là vụ chính trong năm, nếu bị cắt nước sớm sẽ thiệt hại, nhưng thà thiệt hại ít còn hơn mất trắng”.
Trên địa bàn tỉnh có 3 hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng gồm đê bao Ô Môn - Xà No; hệ thống cống Nam Xà No; đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh với tổng số 100 cống hở, 11 cống tròn. Trong đó, đê bao Ô Môn - Xà No gồm 55 cống hở và 1 cống tròn, hệ thống cống Nam Xà No 16 cống hở, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh 29 cống hở, 10 cống tròn. Tỉnh cũng đã thành lập được 5 tổ công nhân quản lý cống với 39 công nhân trực tiếp quản lý vận hành trực 24/24. Hiện nay, đang tiếp nhận thêm 20 công nhân nữa để tiếp tục quản lý, vận hành những cống mới thuộc Nam Xà No và đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh…
Ông Trần Chí Hùng- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, căn cứ tình hình hiện tại thì khả năng mùa khô năm nay tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn sẽ diễn ra gay gắt vì tại thời điểm này, cả hai hướng là biển Đông và biển Tây trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều bị nước mặn tấn công với nồng độ khá cao.