Làm gì để thu hút người dân đi xe buýt đồng thời giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng có chiều hướng gia tăng là chủ đề được nhiều chuyên gia mổ xẻ trong hội thảo về trợ giá xe buýt tại Sở GTVT TP HCM ngày 8/4.
Ảnh minh họa.
Theo ý kiến của GS.TS Nguyễn Thị Cành trường ĐH Kinh tế-Luật, ưu tiên hiện nay là thay đổi phương thức trợ giá xe buýt. Cụ thể, thay vì trợ giá cho doanh nghiệp bằng hình thức ký hợp đồng vận tải thì cần phân loại đối tượng người dân để trợ giá.
Theo đó, chính quyền cần chia ra các đối tượng được hưởng trợ giá. Ví dụ, người khuyết tật hưởng trợ giá 80% (giá vé), sinh viên học sinh hưởng trợ giá 60%, công nhân hưởng trợ giá 50%... hay các đối tượng ít đi xe buýt, khách du lịch thì không được trợ giá. Làm như thế có ưu điểm sẽ khuyến khích được người dân, giúp mọi đối tượng quan tâm tới xe buýt hơn.
Vẫn theo TS.Cành, trợ giá trực tiếp cho người dân sẽ giúp người dân cảm thấy mình là đối tượng được hưởng lợi chứ không chung chung như hiện nay. Hơn nữa, từng đối tượng khác nhau sẽ có trợ giá khác nhau cũng cho thấy rõ sự ưu ái của xã hội dành cho các đối tượng vì thực tế, phần lớn người đi xe buýt là có thu nhập thấp.
Đặc biệt, trợ giá sẽ không “bình quân” theo các tuyến như hiện nay mà phải chi tiết theo công thức “số lượng khách cộng với quãng đường”. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vận tải có động lực để phục vụ hành khách, thay vì tìm cách “ký hợp đồng trợ giá” xong rồi nhưng nhiều năm không thay đổi thái độ, thay đổi phương tiện phục vụ như hiện nay.
Giá cả chỉ là một trong 3 yếu tố chính quyết định đến lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở thành phố, TS Nguyễn Phương Hằng, ĐH GTVT TP HCM cho rằng, ngoài trợ giá, để các doanh nghiệp vận tải không “ỷ lại” thì cần có hình thức cạnh tranh phải chấp nhận cho quảng cáo trên xe buýt để các doanh nghiệp có thêm nguồn thu.
Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng - phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra giải pháp, việc thu hút người dân tìm tới xe buýt cần có một không gian đi bộ tương xứng. Nghĩa là quãng đường từ nhà chờ tới địa điểm cần đến phải có không gian để người dân đi bộ được.
“Mạnh tay xóa bỏ tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán, dựng xe chắn vỉa hè. Tạo một không gian đi bộ như các đô thị lớn trên thế giới là bước đệm quan trọng để thu hút người dân tìm tới bến xe buýt. Giá cả cũng quan trọng nhưng nếu có một môi trường đi bộ và đi xe buýt văn minh, lịch sự thì rất nhiều người sẽ ủng hộ và lựa chọn phương tiện này, thay vì xe cá nhân. Đây là điều mà các đô thị lớn trên thế giới đang áp dụng và khá thành công” - ông Hùng cho biết.