36 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, nhiếp ảnh gia Maxim Dondyuk bắt đầu thu thập câu chuyện của những gia đình phía Bắc Ukraine trong quá khứ, trước khi điều tồi tệ xảy đến.
Ngày 26/4/1986, một vụ nổ đã xảy ta tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Liên Xô), phá hủy hoàn toàn lò phản ứng của tổ máy điện thứ tư, kéo theo một lượng lớn chất phóng xạ tràn ra không khí.
Thảm họa Chernobyl được xem là vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân cả về số người thiệt mạng, thiệt hại nền kinh tế và hậu quả về sau. Trước khi vụ tai nạn xảy ra, lò phản ứng của tổ máy thứ tư chứa khoảng 180 đến 190 tấn nhiên liệu hạt nhân (uranium dioxide).
Theo các ước tính hiện được coi là đáng tin cậy nhất, từ 5-30% khối lượng uranium dioxide đã bị thất thoát vào không khí.
‘Dự án không có tiêu đề từ Chernobyl’
Theo chân nhiếp ảnh gia tài liệu người Ukraine Maxim Dondyuk đến ngôi làng bị ‘bỏ rơi’ trong vùng loại trừ Chernobyl, khoảng 15.000 hiện vật trong quá khứ đã được hồi sinh từ những ngôi nhà hoang. Có những bức thư tay, những bức ảnh mục nát và cả những tấm phim âm bản.
Dondyuk đã tự tay khôi phục và rửa những bức ảnh phim âm bản cho loạt tài liệu ‘Dự án không có tiêu đề từ Chernobyl’, một dự án tiết lộ cuộc sống của những cư dân từng sinh sống ở Chernobyl trước khi thảm họa kinh hoàng năm 1986 xảy ra.
Anh đã tìm thấy vô số những ký ức tuyệt đẹp, hình ảnh các cặp đôi hạnh phúc chụp ảnh cưới, các thành viên trong gia đình cùng mỉm cười rạng rỡ dưới một mái ấm, những cư dân chơi đàn guitar và nhảy múa trong rừng.
Mặc dù phần lớn các cuốn phim đã bị hư hỏng do ảnh hưởng từ bức xạ, thời tiết hoặc bụi bẩn, để lại những vết lốm đốm trên bề mặt, nhưng chính chúng lại biến những bức hình trở nên đẹp đến ám ảnh.
Trước góc nhìn của nhiếp ảnh gia Dondyuk, vùng loại trừ Chernobyl đã bị “thời gian đóng băng” từ những năm 1980, ngay sau thời điểm người dân ‘thu gom cuộc sống’ để sơ tán khỏi lượng bức xạ khổng lồ đang xâm nhập vào từng ngóc ngách trong thị trấn.
“Tôi rất ngạc nhiên về cách chính phủ lúc bấy giờ sơ tán người dân khỏi thảm họa Chernobyl, hứa rằng họ sẽ được trở lại trong vài ngày tới, và đã không cho phép người dân mang theo những thứ vô giá như thư từ, hoặc bức hình của người thân hay bạn bè”, anh nhấn mạnh.
“Những cư dân nơi đây đã không kịp nhận ra rằng ... đây sẽ có thể là lần cuối họ được ngắm nhìn quê hương, ngắm nhìn ngôi nhà của họ, nơi họ đã sinh ra, hoặc đã sống cả một đời”.
Thời điểm đó, hơn 100.000 cư dân đã phải sơ tán khỏi ngôi nhà của họ ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lò phản ứng hạt nhân phát nổ, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng ngay lập tức.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có hàng nghìn trường hợp ung thư tuyến giáp xuất hiện ở trẻ em Ukraine, Belarus và Nga trong những năm sau đó, và đương nhiên mọi thứ đều liên quan đến thảm họa hạt nhân.
Em trai của nhiếp ảnh gia Dondyuk, anh Mykola, sinh ra ở thành phố Nova Kakhovka (Ukraine) năm 1987, đúng một năm sau thảm họa, đã từng phải trải qua thời thơ ấu ốm yếu trong bệnh viện.
“Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói về vụ tai nạn ở Chernobyl, có lẽ theo bố mẹ và các bác sĩ, đó chính là nguyên nhân khiến em trai tôi bị bệnh”, anh kể lại. “Ký ức ấy đã để lại dấu ấn khó phai trong cuộc đời của cả gia đình tôi”.
Hành tình tìm về quá khứ
Trong suốt 5 năm, Dondyuk cùng vợ và Giám đốc studio Irina đã trở lại Vùng loại trừ Chernobyl để khám phá ngọn nguồn về khu vực này. Họ đã cùng nhau thực hiện một chuyến thám hiểm kéo dài ba tháng vào mùa hè năm 2021, khi đó cả ba người họ đã đi bộ hàng trăm dặm qua 20 ngôi làng tái định cư.
Anh vui mừng: “Tôi không ngờ bản thân lại tìm được một kho lưu trữ khổng lồ tới như vậy. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ rằng sẽ có một vài bức ảnh và có thể là một vài tấm bưu thiếp nhỏ”.
Nhiếp ảnh gia Dondyuk đã trưng bày dự án ‘từ ký ức’ này tại các lễ hội nhiếp ảnh ở thành phố Kiev, Hamburg và Bogotá. Anh Mykola, em trai của Dondyuk, hiện là một nhà làm phim, cũng đã bắt đầu quay những thước phim tài liệu về quá trình thực hiện dự án.
Trong chặng đường khôi phục quá khứ, bản thân Dondyuk cũng đã thêm một số hình ảnh của chính mình vào tài liệu lưu trữ, tô điểm thêm những góc nhìn mới về các vị trí tìm thấy những bức hình, sau khi thiên nhiên đã có hơn 30 năm tự do khai hoang các ngôi làng.
“Tưởng như Chernobyl chỉ gắn liền với những bi kịch ... Nhưng qua những bức ảnh, thước phim và những bức thư tay, tôi đã dần quen với hình ảnh những người dân vui vẻ, cùng nhau tận hưởng những ngày tháng tươi đẹp phía trong thị trấn trước khi nơi đây bị đám mây phóng xạ nuốt chửng”, Dondyuk nói.
Phần lớn công việc nghiên cứu của Dondyuk tập trung vào cách mà thời gian để lại dấu ấn, thông qua những đốm trắng nằm trên những dải phim cũ, hoặc sự chậm chạp của những mảng rêu leo bám trên các mái nhà bằng gỗ. Đó hẳn là bằng chứng chân thực nhất về sự xoay chuyển của cuộc sống con người theo thời gian.
Chính vì vậy, khi thực sự thấu cảm và bắt đầu thực hiện dự án, Dondyuk đã không còn gắn liền Chernobyl với cái chết và bi kịch, mà thay vào đó là cuộc sống.
“Giai đoạn yêu thích của tôi khi làm việc với dự án này chính là rửa phim, một bước mà cuối cùng tôi có thể nhìn thấy những câu chuyện đã từng ở đó, cảm xúc của con người, cuộc sống quá khứ, những bộ trang phục và văn hóa truyền thống”, anh cười.
“Đối với hầu hết mọi người, Chernobyl chỉ gắn liền với thảm kịch tại nhà máy điện hạt nhân và những hậu quả kéo dài mãi về sau. Nhưng với những bức hình, những thước phim và những bức thư tay này, cuộc sống lại hiện lên theo một góc nhìn tươi sáng hơn”.
Dondyuk luôn khao khát được trở lại những ngôi làng xung quanh Chernobyl mà anh vẫn chưa khám phá hết, để trục vớt thêm những ký ức cũ trước khi chúng không thể cứu được hoặc bị phá hủy bởi thiên nhiên. Vào năm 2020, một trận cháy rừng bùng phát khiến mức phóng xạ ở đó tăng vọt.
Dondyuk khẳng định: “Điều quan trọng nhất đối với tôi lúc này chính là tìm kiếm và bảo tồn những tàn tích còn sót lại trong lịch sử của Chernobyl, khi những ký ức từ quá khứ vẫn chưa hoàn toàn biến mất”.