Hiện nay, tại Việt Nam, có khoảng hơn 20.000 người đang sống mòn mỏi chờ được ghép tạng do suy gan, tim, thận, giác mạc...
Trong khi đó, mỗi năm, Việt Nam có 1.200-1.400 người ra đi do chấn thương sọ não nhưng những nguồn tạng quý này không được hiến tặng giúp hồi sinh sự sống cho những người đang chết mòn chỉ bởi những rào cản tâm lý.
Ảnh minh họa.
Nguồn tạng khan hiếm
Tại một hội nghị vừa diễn ra rại Vĩnh Phúc, GS.TS Trịnh Hồng Sơn- Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết: Trong những năm gần đây, lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ.
Sau hơn 20 năm, đến nay số ca ghép tạng tại Việt Nam lên tới 2.425 ca, trong đó, 2.327 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận + tụy, một ca ghép tim + phổi và một ca ghép phổi.
Trên toàn quốc đã có 16 đơn vị có thể lấy và ghép tạng. Bên cạnh đó, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia đang thành lập một danh sách của người cần ghép tạng trên toàn quốc sau đó đưa danh sách này vào hệ thống máy tính nối mạng Quốc gia.
Trong quá trình đi vận động, tuyên truyền về cho, hiến tạng, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cũng thực hiện khám sức khỏe cho người dân tại các địa phương, sàng lọc, phát hiện những người bệnh cần phải ghép tạng.
Việc khám sức khỏe sàng lọc bệnh nhân cần ghép tạng này cũng đồng thời thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phát hiện bệnh cho người dân.
Mặc dù vậy, GS Trịnh Hồng Sơn cũng nhấn mạnh: Điều khó khăn lớn nhất khiến số ca ghép tạng từ trước tới nay còn quá ít bởi không có nguồn tạng hiến.
Hiện đang có khoảng hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam một nghịch lý đang diễn ra là 90% nguồn tạng ghép lấy từ người cho sống, chỉ có 10% lấy từ người cho chết não. Điều này trái ngược hoàn toàn với thế giới.
GS. Đồng Văn Hệ- Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh (BV Hữu nghị Việt Đức) cho biết, một trong những lý do khiến 25 năm nay, Việt Nam chỉ có 50 người hiến tạng khi chết não là bởi vì mọi người chưa hiểu rõ về khái niệm chết não.
Nói về quy trình đánh giá chết não tại Việt Nam, GS. Hệ cho biết, quy trình này rất chặt chẽ và qua nhiều khâu hơn so với nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, ngoài các dấu hiệu lâm sàng chứng tỏ bệnh nhân đã chết não như kể trên, cần dựa vào 5 dấu hiệu cận lâm sàng nữa (tức là đánh giá chết não bằng máy móc y tế) như cắt lớp, siêu âm sọ não để thấy hình ảnh máu không lên não, không nuôi được não… cộng thêm có sự đánh giá của hội đồng y khoa.
Nếu chỉ một thành viên trong hội đồng y khoa nghi ngờ hoặc cho rằng bệnh nhân chưa chết não thì người nhà và bệnh nhân dù có ý nguyện hiến tạng nhưng cũng không được hiến tạng.
Cần tôn vinh những gia đình đã hiến tạng cứu người
Ths.Bs Nguyễn Hoàng Phúc- Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia xúc động kể về trường hợp bà Cấn Thị Ngần (Tuyết Nghĩa - Quốc Oai - Hà Nội)- người mẹ nhân hậu đã hiến gan, tim, thận, giác mạc của con trai mình là anh Trịnh Đình Vàng để hồi sinh sự sống cho 6 người không quen biết.
Tuy nhiên, sau khi hiến tạng của con trai để cứu nhiều người, bên cạnh sự nể phục của nhiều người dân trong vùng nhưng tim bà Ngần vẫn nhói đau bởi không ít những dè bỉu, bàn tán của một số người họ hàng, làng xóm.
Họ xì xầm rằng bà hiến tạng của con trai là để nhận nhiều thứ… Sự thực, bà Ngần và gia đình không được biết những người nhận và gia đình người nhận tạng bởi BV Quân Y 103 thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không cung cấp địa chỉ của người cho và người nhận.
Tháng 6 vừa qua, trường hợp cô gái bị tai nạn giao thông, được người nhà hiến quả tim, gan và 2 quả thận để ghép cho 4 người tại BV Chợ Rẫy (TP HCM) khiến nhiều người không khỏi xúc động về nghĩa cử cao đẹp ấy.
Biết con gái không thể qua khỏi, người mẹ đã đồng thuận hiến tim, gan và hai quả thận của con để cứu người. Trong lúc nguy cấp ấy, 4 phòng mổ được bố trí tại BV Chợ Rẫy để các kíp ghép tạng tiến hành song song việc nhận và ghép tạng cho 4 bệnh nhân.
Ở phòng mổ thứ 5, thiếu nữ đã chết não được chuẩn bị sẵn sàng cho việc hiến tạng. Đội ngũ y bác sĩ trước khi bắt đầu thao tác kỹ thuật đã cùng đứng cúi đầu cám ơn cô gái trẻ.
Họ cúi đầu trước việc làm vốn cực kỳ hiếm thấy trong xã hội Việt Nam hiện tại, khi mà tư tưởng người chết cần được toàn vẹn về thân thể vẵn còn ăn sâu trong tâm trí mọi người.