Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của những chất lạ vào đường hô hấp trên, đặc biệt hay gặp vào lúc trời chuyển lạnh, mưa rét.
Các triệu chứng chính của viêm mũi dị ứng gồm: Chảy mũi từng cơn, nhất là khi tiếp xúc với chất có thể gây dị ứng. Ngứa mũi và mắt có thể kèm theo ngứa tai. Nghẹt mũi 2 bên hay đổi bên. Chảy nước mũi trong hay vàng đục nếu bội nhiễm.
Các triệu chứng phụ bao gồm: Bệnh nhân nghẹt mũi, phải thở bằng miệng gây viêm họng, khô họng, viêm thanh quản. Chóp mũi viêm đỏ và trầy da do chà xát thường xuyên vì ngứa. Mí mắt thường bị sưng nề, quầng thâm. Ở trẻ em, ít có những triệu chứng điển hình trước 2 tuổi. Các triệu chứng có thể xuất hiện theo mùa hay quanh năm.
Viêm mũi dị ứng theo mùa liên quan tới phấn hoa hoặc nấm mốc có đặc điểm là các triệu chứng hay xảy ra theo mùa hoa. Hết mùa, các triệu chứng này có thể giảm nhẹ hoặc hết. Viêm mũi dị ứng quanh năm là do mạt bụi nhà, nấm mốc, lông súc vật...
Nếu viêm mũi dị ứng không được điều trị kịp thời, sẽ gây nên một số biến chứng:
- Tắc hoặc chảy nước mũi có thể dẫn đến khó ngủ, buồn ngủ vào ban ngày, khó chịu và khó tập trung.
- Viêm mũi dị ứng có thể làm cho các triệu chứng của bệnh hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.
- Tình trạng viêm liên quan đến viêm mũi dị ứng đôi khi có thể dẫn đến các bệnh lý khác, như viêm xoang và viêm tai giữa.
Điều trị viêm mũi dị ứng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.
Trong hầu hết các trường hợp, điều trị nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng, như hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
Nếu viêm mũi dị ứng nhẹ, bệnh nhân thường có thể tự điều trị bằng các thuốc không kê đơn với sự tư vấn của dược sĩ. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến cuộc sống cần tới bác sĩ để được khám bệnh trực tiếp và điều trị.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm mũi dị ứng là tránh tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, các chất gây dị ứng không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện và có thể sinh sản ngay cả trong ngôi nhà sạch sẽ nhất.
Do đó cần thường xuyên làm sạch đệm, đồ chơi mềm, rèm cửa và vỏ bọc đồ nội thất bằng cách giặt hoặc hút bụi; sử dụng chăn, gối làm bằng sợi tổng hợp hoặc acrylic thay vì chăn len hoặc chăn lông vũ; sử dụng khăn ẩm sạch để lau bề mặt.
Không để vật nuôi vào phòng ngủ; tắm rửa cho vật nuôi ít nhất 2 tuần/lần; thường xuyên vệ sinh vật dụng mà vật nuôi đã tiếp xúc.
Tránh phơi quần áo và chăn ga gối đệm vào mùa cây cối thụ phấn; đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi phấn hoa; đóng cửa và cửa sổ vào giữa buổi sáng và đầu buổi tối, khi có nhiều phấn hoa nhất trong không khí.
Giữ cho ngôi nhà khô ráo và thông thoáng; khi tắm hoặc nấu ăn, mở cửa sổ nhưng đóng cửa ra vào để tránh không khí ẩm lan vào nhà và sử dụng quạt thông gió,…
Bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần tránh hút thuốc và ngồi gần người hút thuốc lá, vì khói thuốc làm cho viêm mũi dị ứng và hen suyễn nặng hơn.