Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, báo cáo của Kiểm toán nhà nước có nêu Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý và tự đánh giá. Hiện Kiểm toán nhà nước chỉ mới phát huy vai trò, hiệu quả, chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ hạn chế này có nguyên nhân do đâu và định hướng giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?
Theo ĐB Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai), qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện rất nhiều những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư. Đề nghị Tổng kiểm toán nhà nước cho biết, trong trường hợp khi Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong trường hợp này sẽ như thế nào? Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay xử lý trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp này?
Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm qua từ 2019-2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra. Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án.
Về phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án, ông Tuấn cho rằng, không có nghĩa là vai trò về phòng, chống tham nhũng của cơ quan Kiểm toán hạn chế đi vì trong một trong những nhiệm vụ mà Tổng Kiểm toán Nhà nước hết sức coi trọng là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.
Về trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán nếu như mà các đơn vị được kiểm toán không bị phát hiện ra sai phạm cho đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện ra các sai phạm, thất thoát, tham nhũng tài sản của Nhà nước, ông Tuấn cho rằng tại Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra. Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm mà đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm thì tại Điều 68 đã quy định rất là cụ thể. Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà sát phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm.
“Nếu có lỗi thì phải xử là tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. Đây là quy định rất là rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm thì theo quy định của Luật thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể”-ông Tuấn cho hay.