Thời phong kiến, việc “cha truyền con nối” là hết sức bình thường, dù “dòng dõi danh gia vọng tộc” có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không không quan trọng. Song, trong thời đại ngày nay, việc “cha truyền con nối” là tối kỵ, trừ khi “người nối dõi” thực có tài. Điều đó khiến xã hội có cơ hội trọng dụng được nhiều “nhân tài chân đất”.
Dư luận xã hội thời gian qua khá bức xúc với việc một số “con quan” thăng tiến rất nhanh, dù thực chất tài cán chưa biết như thế nào. Một Lê Phước Hoài Bảo con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh cũng khiến dư luận “dậy sóng”. Người ta chẳng cần biết Hoài Bảo tài cán đến đâu, chỉ thấy bóng ông Thanh lù lù phía trước.
Hay như chuyện Nguyễn Nhân Chinh con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến được thăng tiến, giữ nhiều chức vụ quan trọng khiến dư luận xã hội một phen ồn ào. Người ta chẳng quan tâm ông Nguyễn Nhân Chinh có tài giỏi hay không, họ chỉ soi mói vào việc ông này được bổ nhiệm chức nọ chức kia là do có thân phận... con quan.
Hay như mới đây, báo chí cũng một phen tốn khá nhiều giấy mực với câu chuyện con gái Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có bước “đại nhảy vọt” lên chức Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh này khi mới ở độ tuổi 31. Nhiều người cho rằng, để có đủ các bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng yêu cầu của chức vụ đó, một người bình thường khó mà “theo kịp”.
Tất nhiên, trong xã hội vẫn có những người có khả năng xuất chúng và những người bình thường. Người xuất chúng thì không thể lấy lý lẽ và logic bình thường để suy xét được. Đơn cử như các nhà khoa học thiên tài của thế giới có những phát minh mang tính đột phá trong lịch sử nhân loại lại có thời thơ ấu hết sức nghịch ngợm, bướng bỉnh.
Nói một cách ngắn gọn, dễ hiểu là đừng “nhìn mặt mà bắt hình dong”, nghĩa là tưởng vậy mà chưa chắc đã phải vậy. Có những người là “con ông cháu cha” thăng tiến nhờ chức vụ và uy quyền của người thân, nhưng cũng có những người thực sự có tài, đủ năng lực và hoàn toàn xứng đáng ở vị trí mà họ được bổ nhiệm.
Có nhiều người so sánh, thời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... các vị lãnh tụ xuất chúng của Đảng không hề có chút vun vén cá nhân cho con cháu “nối nghiệp”. Còn ngày nay thì sao, ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các sở ngành đều có chung... nguồn gốc và đều cùng một họ.
Luồng ý kiến này không hoàn toàn vô căn cứ, bởi ở một số tỉnh có thực trạng là hầu hết lãnh đạo chủ chốt trong tỉnh đều là người trong một dòng họ, đều liên quan đến những lãnh đạo chủ chốt của địa phương. Tỉnh Bắc Ninh là một ví dụ điển hình, có rất nhiều vị trí lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh đều có họ với ông Nguyễn Nhân Chiến.
Ở đây, tôi không hề có ý định ám chỉ điều gì khi đưa ra các ví dụ cụ thể tại các tỉnh. Song, đó là thực tế khiến dư luận xã hội không khỏi “lăn tăn” nghi ngờ. Người ta làm sao có thể biết con cháu bí thư, chủ tịch tỉnh có tài thực không, nhưng lại được đề bạt, bổ nhiệm khi còn quá trẻ cũng là một điều có vẻ không bình thường gây nghi ngờ.
Nếu bộ, ngành, địa phương tìm được cán bộ trẻ, có thực tài, thì dù có là “con ông cháu cha” hay không cũng không phải là vấn đề quá quan trọng với dư luận xã hội. Đơn giản, mọi người chỉ quan tâm người lãnh đạo cao nhất của họ có thể thay đổi cuộc sống, có thể giúp họ no cơm ấm áo hơn hay không mà thôi.
Nếu là “người dòng dõi” được đề bạt, bổ nhiệm mà giúp dân an cư lạc nghiệp, cuộc sống đề huề thì không ai có lý do gì để phản đối. Nhưng nếu việc đề bạt, bổ nhiệm dựa trên tiêu chí “nhất thân, nhì quen”, hay “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì...” thực sự người dân không thể chịu được và buộc họ phải phản ứng, có ý kiến tới các cơ quan chức năng.
Từng có dịp tiếp xúc với con cái các lãnh tụ của Đảng như con của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi và nhiều người khác thực sự thấy họ có tư chất lãnh đạo. Song, vào cái thời ấy, các “cụ” không muốn danh tiếng bị vẩn đục bởi lo cho con cái (dù họ có thực tài), nên những nhân tài có “dòng dõi” đành bị bỏ qua một cách đáng tiếc.
Đưa ra những phân tích đó chỉ để chứng minh một điều, “con ông cháu cha” hay không không phải là vấn đề quá quan trọng. Kể cả là “con ông cháu cha” nhưng nếu có thực tài thì rất đáng trân trọng và sử dụng một cách đàng hoàng, chính đáng. Còn nếu có “dòng dõi” mà đức tài không tương xứng thì không nên vì lợi ích cá nhân gia đình, dòng họ mà “cố đấm ăn xôi”. Có như vậy mới trọng dụng được nhân tài.