Trông giỏ bỏ thóc

Hoàng Mai 11/11/2015 08:45

Có một thực tế là ngân sách tuy eo hẹp là thế nhưng không ngành nào, địa phương nào lại không trông mong vào việc phân chia ngân sách từ Trung ương xuống địa phương để mà “trông giỏ bỏ thóc” những dự định lớn cho ngành mình, địa phương mình.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã đi qua tới nửa nghị trình. Hôm nay (11/11) các ĐBQH sẽ nhấn nút thông qua dự toán về chi ngân sách năm 2016. Một vấn đề tưởng dễ mà không hề dễ trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang có khó khăn và chính sách “thắt lưng buộc bụng” cũng đã được nhiều ĐBQH đặt ra dưới lăng kính của kỷ luật ngân sách. Nhưng, có một thực tế là ngân sách tuy eo hẹp là thế nhưng không ngành nào, địa phương nào lại không trông mong vào việc phân chia ngân sách từ Trung ương xuống địa phương để mà “trông giỏ bỏ thóc” những dự định lớn cho ngành mình, địa phương mình.

Có một thực tế rõ ràng cử tri cả nước đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2015 và cả chặng đường 2011-2015 như: lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, văn hóa-xã hội có bước phát triển, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được tăng cường, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh.

Tuy nhiên, nhiều cử tri cũng không khỏi lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công chạm trần, cơ cấu chi ngân sách không hợp lý, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn trên 70% trong khi sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn…

Theo như Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách năm 2016 thì, năm 2015 thu NSNN từ dầu khí hụt so với dự toán 63.000 tỷ đồng, nhưng nhờ tăng thu từ các nguồn khác, trong đó ngân sách địa phương tăng thu 47.000 tỷ đồng nên tổng thu NSNN năm 2015 vẫn vượt dự toán 16.400 tỷ đồng.

Đó là nói về dự toán thu; còn dự toán chi NSNN năm 2015 trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và áp lực từ việc thu ngân sách, Chính phủ đã có những giải pháp nhằm siết chặt chi tiêu ngân sách. Nhưng, đánh giá một cách công bằng thì “chi ngân sách vẫn còn nhiều bất cập, ngân sách còn được chi khá nhiều trong việc tổ chức lễ hội, sự kiện và ngân sách chi cho đi công tác nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng cao. Trong khi đó chi cho đầu tư phát triển nhất là chi xây dựng cơ bản và chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả không cao, thậm chí còn lãng phí. Kỷ luật, kỷ cương tài chính chi tiêu ngân sách nhà nước vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh” - ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thẳng thắn nêu lên những bất cập trong chi ngân sách năm 2015.

Cũng tại QH, khi trao đổi với báo giới, ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) đã khẩn thiết nói: “Giờ trong chi tiêu công, chúng ta vẫn đi theo những con đường chúng ta đang đi; lâu nay vẫn như thế. Những “cỗ xe” tiêu pha ngân sách vẫn chạy theo những con đường ấy. Chúng ta vẫn chưa có điều chỉnh để xem cái “phanh” thì như thế nào? Cần ai đạp phanh? Phanh thế nào để không gây tai nạn, phanh thế nào là hợp lý để đạt được mục tiêu chúng ta đặt ra về việc phải quản lý ngân sách chặt chẽ hơn, về việc chi tiêu công”.

Đứng trên lập trường của người làm tài chính ngân sách, ĐB Bùi Đức Thu (Lai Châu) chia sẻ thêm với báo chí rằng, tình hình cân đối ngân sách nhà nước trong những năm gần đây và kể cả một vài năm tới rất căng thẳng, áp lực tăng chi rất lớn, chi trả nợ nhiều, chi đầu tư cũng lớn, chi thường xuyên cho thực hiện các chế độ chính sách đã ban hành cũng rất lớn.

Trong khi đó khả năng thu của chúng ta có hạn. Vì vậy dẫn đến việc duy trì cân đối ngân sách nhà nước theo hướng giảm bội chi, giảm nợ công là một trong những nhiệm vụ cấp bách và hết sức căng thẳng.

Trên tinh thần đó, Nghị quyết về dự toán ngân sách được đưa ra trình QH thông qua, trong năm 2016 này “vẫn kiên quyết phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết, cấp bách. Những khoản chi lãng phí, kém hiệu quả như xây dựng trụ sở, tượng đài, hay như chi khánh tiết, lễ hội, quản lý sử dụng xe công, mua sắm ô tô... tất cả những khoản nào chưa cần thiết đều phải giãn”.

Rõ ràng thắt chặt chi tiêu công là cần thiết và là việc buộc phải thực thi mà ai cũng biết nhưng điều đó đồng nghĩa với việc, nhiều nơi phải cắt giảm ngân sách và sẽ có nhiều cơ quan, đơn vị cảm thấy kém thoải mái khi ngân sách dành cho đơn vi hay ngành mình, địa phương mình bỗng dưng teo lại. Nhưng, liệu có thể làm được gì khi chính ĐBQH cũng còn cảm thấy phải sẻ chia với Bộ trưởng Bộ Tài chính vì vị Bộ trưởng này “rất khổ ở chỗ giật gấu vá vai thế này, liệu sau năm 2016 tính thế nào đây?”.

Chia sẻ với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng phải thốt lên: Thực sự tôi cầm tập phân bố (NSNN-PV) này tôi cũng không biết cắt của ai cho thêm ai? Giờ muốn tăng lương thì lấy đâu ra? Và, ĐB này nhận xét, qua việc phân bổ NSNN tôi thấy dường như chúng ta có một cái gì đó tôi tạm gọi là không ổn về vấn đề nguyên tắc ngân sách.

Để rồi, chính ông Trần Du Lịch đặt ra ba vấn đề cũng là ba mục tiêu của mấy nhóm chi mà dự toán chi ngân sách cần đạt tới. Đó là, đối với bộ máy hành chính công không thể chấp nhận chi ngân sách cao hơn năm 2015 từ nay trở đi. Điều đó có nghĩa muốn tăng lương, tăng thu nhập thì phải giảm biên chế. Đó cũng là cắt giảm những gì cần giảm bởi “chúng ta chưa phú quý nên không nên sinh lễ nghĩa”. Đó cũng là quản lý chi tiêu dùng còn lỏng lẻo mà xây trụ sở chính là một biểu hiện của việc phóng tay.

Từ những khó khăn trong việc thu ngân sách có thể nhìn thấy trước của năm 2016, nhiều ĐBQH đã đề nghị: “Thực hiện tiết kiệm triệt để, tức là cố gắng thực hiện những nhiệm vụ chi nhưng với mức ngân sách thấp hơn để chúng ta có điều kiện bố trí ngân sách cho hợp lý” - như đề nghị của ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên).

“Cần ưu tiên chi ngân sách trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, như hiện nay, cho các khoản chi thật sự cần thiết về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội, tăng chi đầu tư cho phát triển nhưng cần chọn lọc, kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết chưa thực sự cấp bách” - như ĐB Phùng Đức Tiến nêu lên.

Hay như ĐB Bùi Đức Thụ nói: “Trong bối cảnh nguồn lực tài chính hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh nợ công cao, bội chi ngân sách lớn thì cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên. Tôi cho rằng hơn lúc nào ưu tiên số 1 tất cả đầu tư của Nhà nước phải như nguồn “vốn mồi” thu hút nguồn vốn trong xã hội, đầu tư của Nhà nước phải thực sự đóng vài trò thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống cải thiện, ngân sách cải thiện. Trong bối cảnh hiện tại, kinh tế thị trường đã có sự phân hóa, một bộ phận người dân thu nhập thấp, cuộc sống không ổn định, nhiệm vụ của Nhà nước phải chú trọng ổn định đời sống nhân dân, an sinh xã hội. Đó là điều phải quan tâm thích đáng, những cái khác cần phải chú ý đến thứ tự ưu tiên đầu tư”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trông giỏ bỏ thóc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO