Rau sạch mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì thế, nhiều bà con nông dân dần chuyển hướng đầu tư sang trồng rau sạch. Trong đó, mô hình trồng rau trong nhà lưới đang được nông dân ở nhiều địa phương thực hiện và đạt được kết quả khả quan.
Dựng nhà lưới để trồng rau sạch.
Trồng rau trong nhà lưới có nhiều ưu điểm: Hạn chế ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết hoặc sự gây hại của sâu bệnh… nên năng suất cao hơn so với trồng theo phương thức truyền thống. Có thể nêu lên như một điển hình: Tại ấp Mỹ Hòa (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), bà con có truyền thống trồng nhiều loại hoa màu. Nhưng, canh tác theo lối truyền thống lợi nhuận không cao, cho dù đã rất vất vả thì cũng chỉ đủ ăn và trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã chủ trương cùng bà con nông dân chuyển đổi giống cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi phương thức sản xuất. Từ những luống rau ngoài vườn, ngoài cánh đồng chuyển vào trồng trong nhà lưới. Đó chính là rau an toàn, chi phí thấp, tuy rằng phải có kỹ thuật khác với cách trồng truyền thống. Những lứa rau từ nhà lưới bao giờ cũng bán được giá hơn, đầu ra lại ổn định. Bà con ở đây trồng khá nhiều loại rau trong nhà lưới, nư xà lách, rau thơm, cải ngọt… Trung bình, mỗi năm, trừ chi phí một hộ nông dân trồng rau trong nhà lưới có lời khoảng 100 triệu đồng.
Tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, nông dân cũng đã chuyển sangđầu tư trồng rau sạch trong nhà lưới. Cái khó của bà con chính là vốn đầu tư ban đầu để dựng nhà cho rau, sau đó là tiền để thanh toán công cho những người phụ giúp. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch thì tiền thu được cũng dần đủ để trang trải. Từ năm thứ hai là có thể có thêm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Điều đặc biệt là thời gian sinh trưởng của rau trồng trong nhà lưới được rút ngắn nên mỗi năm số vụ rau sản xuất tăng gấp đôi so với sản xuất ngoài trời.
Trồng rau trong nhà lưới vì thế chính là hướng đi mới cho nông dân, hướng đến việc sản xuất và cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Hiện tỉnh An Giang có 13 vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn được ngành chức năng chứng nhận, với tổng diện tích 2.687ha tại các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, An Phú và thành phố Long Xuyên. Chắc rằng thời gian tới việc trồng rau trong nhà lưới ở đây sẽ phát triển mạnh hơn, thu nhập của bà con nông dân cũng từ đó mà cao hơn.
Về kỹ thuật trồng rau sạch trong nhà lưới, theo các nhà kỹ thuật nông nghiệp, cũng không thật khó. Trước hết cần chuẩn bị vật tư làm nhà lưới. Vật tư làm nhà lưới cũng rất đơn giản, chỉ cần có độ bền tốt là sẽ duy trì được lâu cho dù mưa nắng thất thường. Vật tư làm nhà lưới bao gồm: Trụ bê tông, dây chì, lưới bao quanh và ống nước phun sương tự động. Một nhà lưới có thời gian sử dụng khoảng 10 năm. Tuy nhiên với lưới cước bao bọc bên ngoài thì từ 2 - 3 năm phải thay mới một lần. Trong quá trình ứng dụng kỹ thuật trồng rau sạch trong nhà lưới, nông dần cần chú ý việc chằng níu thật chắc để tránh bị gió quật ngã.
Tiếp đến là chuẩn bị đất trồng/hệ thống thủy canh. Đất trồng phải chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là ở khâu làm đất, phải xới kỹ, dùng thuốc diệt nấm và bọc lưới chặt. Đối với hệ thống thủy canh thì cần đấu nối thùng thủy canh với khung giàn có ống thủy canh trồng rau. Lựa chọn dung dịch dinh dưỡng đạt yêu cầu về trồng rau sạch thủy canh.
Khi gieo trồng rau lưu ý không để bất kỳ sâu bệnh nào có cơ hội xâm nhập vào trong nhà lưới vì chỉ cần 100 con sâu tơ lọt vào trong nhà lưới, mỗi con đẻ 200 trứng thì vườn rau sẽ bị phá hỏng.