Trong thênh thang của những điều tuyệt diệu

NGUYỄN VĂN HỌC 26/02/2023 14:00

Đầu năm nay, một số cuộc thi văn chương đã tổng kết và trao giải. Có một điểm khá chung là, những tác phẩm được giải đều gợi nhớ nếp sống và trân trọng nét đẹp truyền thống, ký ức; nêu cao những giá trị đích thực trong cuộc sống khi con người đi tìm cuộc sống an lành. Phải chăng, cả người sáng tác, ban giám khảo đều đang nghĩ tới một điều: khi thời gian trôi quá nhanh, lối sống thực dụng đang “lên ngôi”, thì cần lắm việc sống chậm lại, tìm ra những giá trị quý báu ngoài vật chất, giúp cuộc sống phát triển thật bền vững, con người an yên và giàu nhân ái?

Sẽ không có chuyến trở về ký ức, trở về tuổi thơ nào của con người mà máy móc hay các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể làm thay. Ảnh: Thư Hoàng.

Đầu năm này, một số cuộc thi văn chương đã tổng kết và trao giải. Có một điểm khá chung là, những tác phẩm được giải đều gợi nhớ nếp sống và trân trọng nét đẹp truyền thống, ký ức; nêu cao những giá trị đích thực trong cuộc sống khi con người đi tìm cuộc sống an lành. Phải chăng, cả người sáng tác, ban giám khảo đều đang nghĩ tới một điều: khi thời gian trôi quá nhanh, lối sống thực dụng đang “lên ngôi”, thì cần lắm việc sống chậm lại, tìm ra những giá trị quý báu ngoài vật chất, giúp cuộc sống phát triển thật bền vững, con người an yên và giàu nhân ái?

Truyện ngắn hoa “Hoa giấy thơm” của tôi đã đạt giải Nhì trong cuộc thi do tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang tổ chức, viết về một gia đình kinh doanh, tất nhiên họ “siêu giàu”. Vì giàu quá nên chủ gia đình thuê người giúp việc nuôi con, dạy con, đi du lịch cùng con, buồn cùng con, vui theo con. Tức là người cha người mẹ đã thuê tất tật cả những việc mà họ buộc phải làm, để bảo đảm cho sự phát triển tốt của trẻ nhỏ. Hệ quả là hai đứa con gái bị tự kỷ. Đi học, các học sinh lại lây nhau, mắc chứng “tự kỷ hộ”. Bi kịch xảy ra. Người chủ gia đình đã phải tìm về quê để làm hợp đồng với một gia đình nghèo, đang làm trang trại với muôn nỗi nhọc nhằn. Mục tiêu của chủ nhà giàu chỉ là để cho bản thân có cơ hội nghĩ lại về cuộc sống, con cái được tiếp xúc với thiên nhiên, động vật, được hưởng sự chăm sóc của cha mẹ. Nhưng rồi, họ có muốn nghèo đi một chút cũng đâu có được. Họ phải trở về cuộc sống giàu sang, và buộc phải có cách dạy, ứng xử khoa học hơn với con cái. Đó là dành tình yêu thương thật sự cho chúng. Đó là trước tiên cần phải vun đắp một cuộc sống bình an cho các con, thay vì chỉ cho chúng sự giàu có.

Truyện ngắn đó cũng làm tôi nhớ đến các dịch vụ. Như tại Nhật Bản có dịch vụ thuê người yêu, dịch vụ tâm sự cho người cô đơn. Tại Việt Nam cũng đã có dịch vụ thuê người yêu, thuê người làm cha mẹ, thuê người đi du lịch cùng… Rồi cũng có dịch vụ khấn thuê ở một số đình, đền; dịch vụ thuê người trông lúc cha mẹ ốm đau nằm viện… Rất nhiều dịch vụ tiện lợi, giúp con người bận bịu ngày nay có thể kham được rất nhiều việc cùng lúc, song cũng phần nào làm phai nhạt những giá trị đã được khẳng định nhiều năm, hoặc trơ lỳ cảm xúc của con người.

Một vấn đề đang được quan tâm, là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Một số người coi sự phát triển vũ bão của trí tuệ nhân tạo, mở ra một tương lai tốt đẹp hơn với vô số tiện ích, thì một số khác lại tin rằng loài người đang dần mất kiểm soát. Rồi trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Nhưng tôi tin, khoa học chỉ phần nào tác động, chứ không thể thay thế hoàn toàn những bộ óc sáng tạo, đầy xúc cảm và si mê của con người. Bởi dù máy móc có tiến bộ đến đâu, giải được những phép tính nhiều năm con người không giải được, nhưng chúng không thể có quả tim và triệu triệu tế bào biết rung cảm, biết thương yêu, chia sẻ, biết bảo vệ những giá trị trong quá khứ và hướng đến tương lai tươi đẹp.

Sẽ không có chuyến trở về ký ức, trở về tuổi thơ nào của con người mà máy móc hay các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể làm thay. Sẽ không có một cuộc sống trọn vẹn, nếu ta đi thuê người khác làm những phần việc mà ta cần phải thực hiện. Cứ nghĩ mà xem, ta không thể qua người khác để áp má lắng nghe dòng sông lặng thầm chảy trong tiết xuân non mơn mởn. Cũng chẳng ai có thể thay ta cảm nghiệm những vạt cây trổ xanh, hòa vào từng lũy tre cong cong nương mình theo con đê trầm tích. Biết bao con người vẫn chung tay với xóm làng, vun bồi mùa màng, những cội hoa cho nông thôn mới thêm tươi thắm và no đủ.

Và người tinh tế sẽ lại nghe thấy tiếng hoa trở mình, tiếng những hạt sương long lanh rơi từ cành lá này sang cành lá khác. Tôi nghĩ về làng mình. Một ngôi làng cũng có dòng sông chảy qua, vẫn giữ được những nét đẹp thuần phác mộc mạc. Bao cảnh sắc diệu vợi đậm chất thôn dã vẫn được bảo tồn trong từng nếp nghĩ, cách ứng xử của người dân. Để vẻ đẹp của xa xưa được đọng lại trong dòng thời gian lao vun vút này. Để tôi thấy sự tương đồng giữa ngôi làng bạn và làng tôi. Và thấy dù đi đâu, tôi biết rằng con người luôn hằng yêu những vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, biết tri ân quá khứ, biết làm cho cuộc sống đẹp thêm bằng lối sống gia phong, văn hóa. Rồi bằng cả tinh thần hiếu học, mỗi người đều biết kê cao quê hương mình. Bao điều mến thương đó, còn gì tuyệt bằng chính mỗi người có thể tự làm, rồi an vui nhận lại muôn đóa hoa nhân nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trong thênh thang của những điều tuyệt diệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO