Tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Bến Tre đang ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ đầu tháng 3 đến nay, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các nhánh sông thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre. Trước thực tế trên, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đã vào cuộc giúp bà con khắc phục tình trạng phải mua nước ngọt với giá cao phục vụ sinh hoạt.
Người dân đào hố, lót bao nilon trữ nước ngọt.
Chủ động ứng phó
Với người dân tỉnh Bến Tre, đợt hạn mặn năm 2016 có thể được coi là khốc liệt nhất bởi nước mặn xâm nhập sớm và lấn sâu vào đất liền gay gắt khiến ngành chức năng và người dân trở tay không kịp. Nước mặn 1 phần ngàn bao trùm 155/164 xã, phường trong tỉnh; 100% diện tích lúa đông xuân của tỉnh bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn.
Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền cùng với nắng nóng kéo dài, không chỉ gây thiệt hại đối với cây lúa, cây dừa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước sinh hoạt của người dân, hơn 80 ngàn hộ đã thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều hộ phải mua nước ngọt để sinh hoạt với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/m3. Cùng với đó, nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng, phát triển của các loại sâu bệnh và dịch bệnh. Quỹ đất canh tác nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng bị thu hẹp đáng kể.
Trong khi hệ lụy của hạn mặn năm 2016 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề thì những tháng đầu năm 2017 do nước biển dâng, độ mặn càng cao, ăn sâu hơn vào trong thượng nguồn (thấp hơn so với cùng kỳ năm trước). Tính đến giữa tháng 4, trên các vùng cửa sông Bến Tre (Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên) độ mặn đã đạt từ 23-26‰, độ mặn 4‰ xâm nhập lên sâu vào thượng nguồn từ 34-40 km, độ mặn 1‰ cách cửa sông khoảng 46-50 km (vượt qua khỏi trung tâm TP Bến Tre).
Nhằm khắc phục tình trạng mặn xâm nhập và hạn chế tối đa thiệt hại, cứu diện tích bị hạn, ngăn mặn, lo nước ngọt cho dân, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương xác định khu vực có nhu cầu cấp bách, đảm bảo điện cho tưới tiêu, chống hạn, phục vụ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn để lập phương án cấp điện ưu tiên 24/24 trong mùa khô tại các nhà máy nước liên xã trực thuộc trung tâm bao gồm: Tân Mỹ, Phú Lễ, An Phú Trung, Thạnh Phú, Thới Lai, Long Định và Nhà máy nước ngọt Ba Lai để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.
Ở các địa phương ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn thuộc huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri... chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt để chủ động ứng phó tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra phức tạp, trầm trọng trên địa bàn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi người dân cũng rất chủ động trong việc tích trữ nước ngọt để để phục vụ sinh hoạt, cho gia súc, gia cầm uống trong suốt mùa khô. Những gia đình không có khả năng xây dựng hồ chứa lớn thì sử dụng bao ni lông trải lên mặt đất rồi đắp bờ xung quanh tạo thành bồn chứa tạm, đủ sử dụng suốt mùa khô, chi phí rất thấp. Ngoài ra, những hộ thuộc diện nghèo, đã được chính quyền địa phương vận động doanh nghiệp tặng bồn nhựa dung tích 2.000 lít để chứa nước.
Mặt trận cùng vào cuộc
Theo ông Trần Dương Tuấn – Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bến Tre, trước tình hình hạn mặn gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân, tỉnh Bến Tre đã tiến hành khảo sát và thống kê trong toàn tỉnh có 41.000/371.004 tổng số hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt do không có dụng cụ chứa nước, hộ nằm trong khu vực không có xe đổi nước, hộ không có nguồn nước khác để thay thế và hộ có ao mương vườn bị khô kiệt hoặc nhiễm mặn, trong đó có 31.776 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn thiếu dụng cụ chứa nước cần được hỗ trợ. Tỉnh đã có thư ngỏ kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh hãy chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất để mùa hạn, mặn năm 2017 không còn phải chịu cảnh khó khăn như năm 2016.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Uỷ ban MTTQ tỉnh xây dựng và phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt gắn với thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Việc này được triển khai quyết liệt đến Uỷ ban MTTQ các cấp cũng như các tổ chức thành viên. Sau 6 tháng triển khai, toàn tỉnh đã có 231.873 hộ tự trang bị thêm và được hỗ trợ dụng cụ trữ nước với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng.
Ngoài việc hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho dân, các tổ chức, doanh nghiệp còn hỗ trợ máy lọc nước sạch, lọc nước mặn, giếng khoan tập thể, làm hồ chứa quy mô xã, nhà máy lọc nước mặn mini…trên 19,62 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng thực hiện, hơn 98% số hộ đã cơ bản có đủ dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. Còn lại 5.440 hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn thiếu dụng cụ trữ nước thì trong quý I năm 2017 hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động kinh phí hỗ trợ và vận động những hộ có điều kiện tiếp tục tự trang bị.
Tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, hưởng ứng cuộc vận động người dân đã xây hồ, giếng hộc để thích ứng với hạn mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô năm 2017. Theo lời ông Trần Tuấn Phong - Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Lương Phú, cả xã có 1.878 hộ dân thì tất cả đều đã xây dựng hoặc lắp đặt các dụng cụ trữ nước bằng nhiều hình thức như: xây hồ, bồn xi-măng, giếng khoan, giếng hộc, dùng bao ni-lông, bồn nhựa trữ nước…Ước tính, với lượng nước trung bình mỗi hộ dự trữ từ 7 đến 10 m3, đặc biệt có hộ dự trữ 70 m3 nước ngọt và nước mưa.
Còn tại các xã trong huyện Ba Tri, cùng với MTTQ, các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu Chiến binh, Phụ nữ đã triển khai vận động hỗ trợ hội viên đào hồ trữ nước ngọt. Điển hình ở xã Bảo Thạnh, Hội Phụ nữ đã vận động doanh nghiệp cung ứng vật liệu cho hội viên trả góp, để xây hồ trữ nước ngọt phổ biến trong khắp các gia đình, giúp hầu hết mỗi gia đình hội viên đều có thêm từ 1 đến 2 hồ trữ nước ngọt phụ vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô năm nay.
Theo ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phong trào “Đồng khởi trữ nước” đến nay đã vận động được khoảng 500 tỷ đồng của các mạnh thường quân để tặng dụng cụ trữ nước ngọt giúp người dân và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt từ mùa mưa để sử dụng cho mùa khô.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền, MTTQ và sự chủ động của người dân, hy vọng trong mùa khô năm nay mỗi gia đình, mỗi người dân không còn phải cảnh bỏ cả trăm ngàn đồng để mua từng mét khối nước ngọt về sử dụng.
Như vậy sau 6 tháng thực hiện, hơn 98% số hộ đã cơ bản có đủ dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. Còn lại 5.440 hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn thiếu dụng cụ trữ nước thì trong quý I năm 2017 hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động kinh phí hỗ trợ và vận động những hộ có điều kiện tiếp tục tự trang bị.