Trục lợi từ dịch bệnh là tội ác

Lê Anh Đức 15/05/2020 09:00

Những ngày qua, dư luận xã hội hết sức bất bình với việc lộ ra hàng loạt tỉnh, thành phố nâng giá mua máy xét nghiệm Covid-19 (Realtime PCR) lên gấp 3-4 lần giá trị thực. Hành vi tham nhũng, rút ruột ngân sách vốn đã không thể chấp nhận được, việc trục lợi từ dịch bệnh, nhất là đại dịch toàn cầu Covid-19 thì phải nói là tội ác không thể dung thứ, cần phải bị nghiêm trị thích đáng.

Trục lợi từ dịch bệnh là tội ác

Ung nhọt đầu tiên bị vỡ

Ngày 22/4, cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST). Với việc tham ô hàng tỷ đồng ngân sách, cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can: Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng Phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (nhân viên Phòng Tài chính kế toán), Đào Thế Vinh (Giám đốc MST), Nguyễn Trần Duy (Tổng Giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành), Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech), Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông).

Mặc dù phải tập trung phòng chống đại dịch Covid-19, nhưng Bộ Công an cũng không quên “để mắt” tới những dấu hiệu bất thường từ việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các địa phương. Do vậy, việc CDC Hà Nội mua máy xét nghiệm Covid-19 tới 7 tỷ đồng, trong khi giá trị thực lúc nhập khẩu chỉ 2,3 tỷ đồng khiến cơ quan CSĐT Bộ Công an phải vào cuộc xác minh, xử lý. Rất nhanh chóng, chỉ sau một thời gian ngắn điều tra, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các bị can có liên quan đến việc nâng khống giá máy xét nghiệm Realtime PCR để trục lợi. Và cũng rất nhanh sau khi bị bắt, các bị can đã phải thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời tự nguyện nộp lại tiền đã tham ô để khắc phục hậu quả.

Trước khi hàng loạt cán bộ CDC Hà Nội bị bắt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng khẳng định: Ban Chỉ đạo Phòng chống đại dịch Covid-19 của thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an và ngành công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế có biểu hiện tăng giá, song có nhiều dấu hiệu tình trạng tăng giá vẫn diễn ra. Công an TP Hà Nội mặc dù đã nhận được lệnh của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giám sát việc mua sắm trang thiết bị y tế của các đơn vị, nhưng đã không thể phát hiện việc các cán bộ CDC Hà Nội nâng khống giá máy xét nghiệm Realtime PCR lên gấp hơn 3 lần. Chỉ đến khi Bộ Công an vào cuộc gọi hỏi một số người, Chủ tịch Nguyễn Đức Chúng mới biết có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong hoàn cảnh dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng...”, ông Chung nêu quan điểm.

Khóc đòi trả lại máy xét nghiệm

Ngay sau khi hàng loạt cán bộ CDC Hà Nội bị “xộ khám”, không ít CDC và sở y tế các tỉnh, thành phố khác đã cuống cuồng “xem lại” việc mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt là máy xét nghiệm Realtime PCR tại địa phương mình. Làm sao có thể không sợ, khi mà máy xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá 2-3 tỷ đồng, trong khi hầu hết các địa phương đều mua đắt gấp 3-4 lần giá trị thực? Làm sao có thể ngồi yên khi mà CDC Hà Nội có hành vi tương tự như đơn vị mình mà những người có liên quan đã vướng vòng lao lý? Vậy nên “tiên hạ thủ vi cường”, tốt nhất là “tự xử” trước, còn hơn để đến lúc cơ quan CSĐT Bộ Công an sờ tới thì có mà tù mọt gông. Đó là lý do mà hàng loạt địa phương ra sức giải thích việc mua máy xét nghiệm Covid-19 với giá trên trời.

Buồn cười ở chỗ, có địa phương đã thực hiện việc “mặc cả” lại giá máy xét nghiệm Realtime PCR với doanh nghiệp cung cấp thiết bị sau khi đã dùng tới nửa tháng, tức là việc mua bán đã hoàn thành. Nực cười hơn nữa là đơn vị bán máy xét nghiệm Covid-19 chấp nhận giảm giá cho địa phương tới vài tỷ đồng so với giá trúng thầu ban đầu, với lý do “chung tay với địa phương phòng chống dịch”. Nếu ai đã từng tiếp cận lĩnh vực kinh doanh, hay có chút ít hiểu biết về lý thuyết kinh tế đều cảm thấy câu chuyện mặc cả giá sau khi đã mua bán xong là hết sức phi lý, khó có thể tồn tại trên thực tế. Thường có câu “tiền trao, cháo múc”, sau khi tôi đã giao hàng, anh đã trả tiền coi như việc mua bán đã thành công, chẳng có lý do gì để đàm phán nữa cả. Có ai dại gì trả lại tới 1/3, thậm chí là nửa số tiền sau khi bán sản phẩm không?

Có lãnh đạo sở y tế địa phương còn thề thốt rằng, mọi việc trong quá trình mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR đều minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không hề có việc trục lợi cá nhân. Lý giải cho việc mua máy xét nghiệm Covid-19 với giá đắt gấp 3-4 lần giá trị thực, có địa phương nói do căn cứ theo giá mua máy của một số tỉnh, thành phố đã mua trước đó. Còn lãnh đạo Sở Y tế và Sở Tài chính Quảng Nam thì khẳng định việc chỉ định thầu máy xét nghiệm Realtime PCR là đúng quy định, tức là chọn đơn vị có báo giá thấp nhất trong số 3 đơn vị cung cấp, chứ không hề có tư lợi riêng. Thậm chí khi giải trình với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về việc mua máy xét nghiệm Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai đã bật khóc, đồng thời đòi trả bằng được thiết bị này cho đơn vị cung cấp, dù đã dùng một thời gian.

Mất bò mới lo làm chuồng

Lúc đang cao điểm của đại dịch Covid-19, việc trang bị máy xét nghiệm Realtime PCR là nhu cầu tất yếu của một số địa phương, để đảm bảo kịp thời sàng lọc đối tượng nghi nhiễm SASR-CoV-2, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Song, liệu có cần thiết khi các địa phương đua nhau mua máy xét nghiệm Covid-19 mà không cần quan tâm giá cả, không cần biết đến điều kiện kinh tế của tỉnh nhà có phù hợp hay không. Đáng nói, dù là cơ quan thường trực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhưng Bộ Y tế lại không có sự định hướng cho các địa phương về việc nơi nào nhất thiết phải mua máy xét nghiệm Realtime PCR, nơi nào không và nếu mua thì mua ở đâu, giá cả như thế nào là hợp lý. Chỉ đến khi cơ quan CSĐT Bộ Công an phá vỡ ung nhọt đầu tiên tại CDC Hà Nội, Bộ Y tế mới gửi công văn tới các địa phương yêu cầu rà soát. Thôi thì muộn còn hơn không.

Cũng không thể không nhắc tới trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh, thành phố có “lình xình” về việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Tất nhiên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố không thể nắm hết mọi việc, mà cần có cơ quan tham mưu, đồng thời phải tin tưởng vào cấp dưới. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc “khoán trắng” cho các đơn vị cấp dưới muốn sử dụng tiền ngân sách thế nào cũng được. Dù sở y tế hay CDC là những đơn vị chủ động đề xuất về giá cả, đơn vị được chỉ định thầu máy xét nghiệm Realtime PCR, nhưng nơi duyệt chi ngân sách cuối cùng vẫn là UBND các tỉnh, thành phố. Nếu chịu “để tâm” một chút, có trách nhiệm một chút, lãnh đạo các địa phương sẽ kịp thời phát hiện được sự bất thường trong mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống đại dịch Covid-19, nhất là máy xét nghiệm Realtime PCR.

Một câu hỏi mà dư luận đặt ra đến nay chưa có địa phương nào trả lời được, đó là vì sao lực lượng công an các tỉnh, thành phố khá hùng hậu nhưng không thể phát hiện được sai phạm dù hàng ngày giám sát trực tiếp, mà phải “chờ” sự vào cuộc của Bộ Công an? Liệu có hay không việc “mắt nhắm, mắt mở” cho qua những biểu hiện vi phạm pháp luật? Giả sử cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc “có vấn đề” trong việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống đại dịch Covid-19, nhất là máy xét nghiệm Realtime PCR (chưa nói đến các lĩnh vực khác), thì liệu Bộ Công an có đủ người để “căng” ra điều tra tra, xử lý không? Giả sử Bộ Công an làm không xuể, lẽ nào để một số người trục lợi cá nhân, vinh thân phì gia từ nỗi đau của người dân và toàn xã hội lại được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Vậy thì đâu còn công bằng xã hội nữa?

Đáng tiếc là chỉ đến khi sự việc nâng khống giá máy xét nghiệm Realtime PCR để tham ô của các cán bộ CDC Hà Nội bị phanh phui, các địa phương mới tá hỏa chỉ đạo rà soát, thanh tra... Giả sử đã có sự nâng khống giá máy, rút ruột ngân sách, liệu việc thanh tra có là quá muộn, khi mà không chỉ mất hàng loạt cán bộ mà còn khó có thể thu hồi triệt để tiền ngân sách đã bị đút túi riêng?! Đó chỉ là giả sử, rất hy vọng là những điều giả sử đó không trở thành hiện thực. Bởi, nếu thực sự hàng loạt cán bộ các địa phương phải đối mặt với pháp luật sẽ giảm sút niềm tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền sở tại. Vậy nên, đừng mất bò rồi mới lo làm chuồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trục lợi từ dịch bệnh là tội ác