Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có nguy cơ mạnh lên thành bão số 7. Mưa lớn diện rộng sẽ kéo dài ít nhất 3 ngày tại các tỉnh, TP khu vực miền Trung và trong ít ngày tới trên biển Đông sẽ tiếp tục xuất hiện cơn bão số 8.
Trung Bộ sẽ có mưa lớn, liên tiếp
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 13h ngày 6/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 8/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đế́n Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tiế́p theo (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km.
Nguy cơ bão chồng bão
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng dự báo, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão số 7, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 8/10 đến khoảng ngày 12/10.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã cho biết: “Chúng tôi nhận định cơn áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão số 7 vào ngày 8/10. Theo nhận định cơn bão này có thể mạnh ở cường độ cấp 8 nên nguy cơ gây ra gió mạnh tại các tỉnh miền Trung và kết hợp nhiều yếu tố sẽ gây mưa lớn tại khu vực này”.
Cùng với đó theo dự báo, khoảng ngày 10-11/10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới/bão nên trong những ngày tới diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão được dự báo cón có diễn biến rất phức tạp, khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ (mưa lớn do bão, do bão kết hợp với không khí lạnh). Đặc biệt, dự báo khoảng ngày 12-13/10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, cơn bão số 8.
Trước diễn biến của bão số 7, cơ quan khí tượng quốc gia cũng đưa ra cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển. Trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắ́c và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giậ̣t cấp 9; sóng biển cao từ 2,0-3,0 m, biển động mạnh; khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấ́p 6, giật cấp 7, sóng biể̉n cao từ 1,5-2,5 m, biển động.
Ngoài ra, ở phía Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo mưa lớn cũng đã được Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát đi từ ngày 6/10 đến ngày 8/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500 mm/đợt, có nơi trên 600 mm/đợt, ở khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt.
Từ ngày 9-12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Theo ông Hoàng Phúc Lâm, PGĐ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, đợt mưa đang và sẽ tiếp diễn tại các tỉnh Trung Bộ. Mưa to đến rất to xảy ra liên tiếp, có thể phân thành 2 đợt:
* Đợt 1: Từ 6-8/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và phía Bắc Tây Nguyên. Trọng tâm mưa là từ Quảng Bình tới Quảng Nam với lượng mưa phổ biến 300-500 mm, có nơi trên 600 mm.
* Đợt 2: Từ 9-12/10 vùng mưa dịch lên phía Bắc, mở rộng tới các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ do ảnh hưởng của ATNĐ/bão. Khu vực Bình Định, Phú Yên và phía Bắc Tây Nguyên giảm hẳn mưa trong giai đoạn này. Trọng tâm mưa là từ Nghệ An tới Quảng Trị. Như vậy tính cả 7 ngày, khu vực Quảng Bình và Quảng Trị sẽ là vùng trọng tâm mưa lớn nhất, mưa to đến rất to kéo dài liên tiếp 7 ngày.
Tổng lượng mưa 7 ngày có khả năng đạt cao nhất cả nước trong giai đoạn này. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng là rất lớn.
Nhận định về mưa lũ sắp tới, Miền trung đang chuẩn bị trải qua đợt thiên tai nguy hiểm. Với tình hình thiên tai mưa, bão, lũ cao điểm và phức tạp trong thời gian tới, khuyến cáo người dân tại các tỉnh từ Quảng Bình - Phú Yên, phía Bắc Tây Nguyên (sau đó là các tỉnh Bắc Trung Bộ); ngay từ bây giờ hãy lên các phương án ứng phó với ATNĐ/Bão, mưa to và lũ lớn.
Tại khu vực ven biển hãy liên tục cập nhật diễn biến về ATNĐ/Bão, sẵn sàng di dời tại các khu vực xung yếu, chằng chống nhà cửa và chuẩn bị mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Riêng khu vực đã từng ngập lụt sâu vào mùa mưa lũ năm 2020, các khu vực có nguy cơ rủi ro cao cần thực hiện kê cao đồ đạc, di dời người, tài sản, vật nuôi đến những nơi cao và an toàn. Những khu vực dưới các chân núi, sườn đèo, đồi, ven sông suối nhỏ rất dễ bị sạt lở, lũ quét... cần di tản ngay khi có dấu hiệu lạ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết diễn biến thiên tai trong 10 ngày tới và 3 tháng cuối năm rất phức tạp do có sự kết hợp của nhiều loại hình thiên tai. “Do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan đang ngày càng có diễn biến phức tạp, khó dự đoán.
Tổng cục KTTV đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các cơ quan, đơn vị phòng, chống thiên tai sử dụng bản tin dài hạn, từ xa để định hướng công tác ứng phó; sử dụng các bản tin ngắn hạn được cập nhật mới nhất, có độ tin cậy cao nhất để triển khai các phương án phòng, chống cụ thể theo quy định”, ông Thái kiến nghị.