Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 18 đến 24/10/2017) không chỉ là sự kiện trọng đại của Trung Quốc, trên thực tế đã thu hút sự chú ý của khắp nơi trên thế giới. Cùng với việc bầu ra ban lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ 5 năm (2017-2022), Đại hội đã thông qua Điều lệ đảng sửa đổi với việc chính thức hóa “Tư tưởng Tập Cận Bình” về Chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.
Sân vận động quốc gia Bắc Kinh, thường được biết đến với tên gọi sân vận động “tổ chim”- công trình kiến trúc hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc, được xây dựng phục vụ Thế vận hội mùa hè 2008
1. Nhận định của giới quan sát, kể từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông - người sáng lập Trung Quốc thời hiện đại, chưa có vị lãnh đạo nào khác của Trung Quốc khi đang còn tại nhiệm mà tư tưởng của họ được gắn kèm với tên tuổi trong Điều lệ đảng Cộng sản nước này. Trường hợp của ông Đặng Tiểu Bình chỉ được bổ sung sau khi ông qua đời năm 1997. Như vậy, cho tới nay trong Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc có 3 nhà lãnh đạo được xác lập tư tưởng riêng là các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình.
Theo AFP, với việc Điều lệ đảng xác lập tên tuổi ông Tập Cận Bình gắn liền với tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, vị thế của ông Tập đã được tôn vinh lên mức sánh ngang với các vị tiền bối từng gây dựng nền tảng đất nước Trung Quốc hiện đại. Điều này cũng được ông Willy Lam- GS chính trị tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) khẳng định.
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm theo dõi của giới nghiên cứu, truyền thông rất rộng rãi, ngoài Trung Quốc. Nói như Robert Lawrence Kuhn- một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Mỹ (ngày 22-10) thì “đây là bước ngoặt mới của Trung Quốc”. Ông Kuhn cho biết, không chỉ riêng ông mà rất nhiều học giả nước ngoài khác đã đặc biệt chú ý vào tầm nhìn 30 năm được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong Báo cáo chính trị khai mạc Đại hội 19 ngày 18-10. Theo đó, đến năm 2035 Trung Quốc về cơ bản sẽ hoàn tất mục tiêu trở thành một nước chủ nghĩa xã hội hiện đại; năm 2050 sẽ trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại. Ông Kuhn cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận xét rằng như vậy Trung Quốc đã chính thức từ bỏ chính sách “thao quang dưỡng hối” (ẩn mình chờ thời) áp dụng từ thời ông Đặng Tiểu Bình. “Ông Tập, trong khi đánh giá rất sát sao và thực tế những vấn đề của Trung Quốc, từ ô nhiễm môi trường đến công bằng xã hội và cấu trúc kinh tế, đã không quên liệt kê những thành tựu đạt được, những việc phải làm để biến Trung Quốc trở thành một quốc gia vĩ đại”- ông Kuhn nói với Tân Hoa xã.
Theo dõi diễn biến Đại hội 19, Sarah Wendt- phóng viên người Mỹ đã tỏ ra bất ngờ trước độ mở chưa từng có tại đây. “Vì nó khác với thông lệ “khép kín”, “nội bộ” từng áp dụng trước đó. Không chỉ tôi mà hơn 1.800 phóng viên nước ngoài được tác nghiệp bên trong Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, nơi diễn ra các hoạt động chính thức của Đại hội 19 đều nhận thấy điều đó”- Wendt nói với Nhân Dân nhật báo. Vẫn theo Wedt, đa số phóng viên nước ngoài theo dõi đưa tin Đại hội 19 đều cho rằng tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới có thể gọi vắn tắt là “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
Về điều này, theo The New York Times, nếu như ông Mao Trạch Đông là người mang lại độc lập, giúp Trung Quốc “đứng dậy”, ông Đặng Tiểu Bình mang lại sự phát triển, để Trung Quốc “giàu lên” thì ông Tập Cận Bình sẽ là người đưa Trung Quốc “mạnh mẽ trở lại” trong thời đại mới.
Còn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại phiên thảo luận nhóm, ngày 19/10 thì nói rằng: “Tư tưởng của Chủ tịch Tập là thành tựu trong việc kế thừa và áp dụng chủ nghĩa Mác theo khuôn khổ Trung Quốc, là thành tố quan trọng trong hệ thống tư tưởng tạo nên Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”.
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 18 đến 24-10-2017) không chỉ là sự kiện trọng đại của Trung Quốc, trên thực tế đã thu hút sự chú ý của khắp nơi trên thế giới. Cùng với việc bầu ra ban lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ 5 năm (2017-2022), Đại hội đã thông qua Điều lệ đảng sửa đổi với việc chính thức hóa “Tư tưởng Tập Cận Bình” về Chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
2.“Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” với tư cách là một học thuyết đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó, nói như giới quan sát, “sự kiện này đã chính thức định vị vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong lịch sử phát triển của Trung Quốc”. Cốt lõi của “Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” do ông Tập Cận Bình đưa ra chính là kiên trì và phát triển Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thực hiện nhiệm vụ chính là hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa và phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Theo đó, những mục tiêu, lộ trình được đặt ra rất cụ thể: Trên cơ sở hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, chia làm hai giai đoạn từ năm 2020-2035 và từ năm 2035-2049, đến giữa thế kỷ XXI hoàn thành xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Xác định rõ mâu thuẫn chủ yếu của Trung Quốc trong thời đại mới là mâu thuẫn về nhu cầu về cuộc sống tốt hơn ngày càng tăng với phát triển không cân đối, không đầy đủ. Kiên trì tư tưởng phát triển với nhân dân là trung tâm, không ngừng thúc đẩy người dân phát triển toàn diện, toàn thể người dân cùng có cuộc sống sung túc.
Tư tưởng này cũng xác định rõ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là bố cục tổng thể “5 trong 1”: xây dựng kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và sinh thái phát triển hài hòa. Còn bố cục chiến lược là “4 toàn diện”: xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện và quản lý đảng nghiêm khắc toàn diện.
Trong Báo cáo chính trị trình bày trước Đại hội 19, ông Tập Cận Bình khẳng định: “Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” là sự kế thừa và phát triển đối với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “3 đại diện” và quan điểm phát triển khoa học, là thành quả mới nhất Trung Quốc hoá Chủ nghĩa Mác, là kết tinh kinh nghiệm thực tiễn và trí tuệ tập thể của Đảng và nhân dân Trung Quốc, là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh: “Việc kiên trì giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại, theo đuổi chân lý làm việc thiết thực, kiên trì chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Kết hợp chặt chẽ giữa điều kiện thời đại mới và yêu cầu thực tiễn, nhận thức sâu sắc đối với quy luật cầm quyền của Đảng cộng sản, quy luật xây dựng Chủ nghĩa xã hội, quy luật phát triển xã hội nhân loại với tầm nhìn hoàn toàn mới”.
GS Hàn Khánh Tường (Trường Đảng trung ương Trung Quốc) bình luận trên tờ Nhân Dân nhật báo rằng, nội dung của tư tưởng này chính là mục tiêu chấn hưng Trung Quốc trên nhiều bình diện. Theo GS Hàn, ngay từ Đại hội 18 (năm 2012), Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết thực hiện giấc mơ Trung Quốc (Trung Hoa mộng) với 2 mục tiêu thế kỷ, ứng với 2 dấu mốc 100 năm. Dấu mốc 1: xây dựng xã hội khá giả vào năm 2020, tức là 1 năm trước khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dấu mốc 2: phát triển Trung Quốc thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện vào năm 2049, đúng dịp tròn 100 năm ngày khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vẫn theo GS Hàn, xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện là nền tảng chiến lược cho công cuộc hiện đại hóa và chấn hưng Trung Quốc. Còn cải cách sâu sắc toàn diện mang lại động lực mạnh mẽ, luật pháp giúp Trung Quốc có nền pháp trị hiện đại và kỷ luật nghiêm minh góp phần đảm bảo sự lãnh đạo bền vững của Đảng.
Nói như giới quan sát thì Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” được cho là “chuyển mình từ nước lớn thành cường quốc”, với tầm nhìn không dừng lại ở 5 năm hay 30 năm mà có thể tới 100 năm.