Nhóm tình báo “Ngũ nhãn”, do Mỹ dẫn đầu, có vẻ sẽ mở rộng thành một liên minh kinh tế, chính trị trong khuôn khổ chiến dịch của Washington nhằm đối phó Bắc Kinh, các nhà quan sát Trung Quốc cảnh báo.
Các nhà quan sát - một nhóm các thành viên thuộc khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh - cho rằng liên minh tình báo "Ngũ nhãn" (5 con mắt - gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand) chỉ là sự khởi đầu và Mỹ có thể khuyến khích các quốc gia và các khối khác tham gia.
“Liên minh Ngũ nhãn, từng hoạt động theo hình thức bí mật và kín đáo, đã gây chú ý và trở thành một liên minh chính trị lớn khác để Mỹ đối phó Trung Quốc”, nhóm trên viết trong bài báo đăng trên tạp chí trực tuyến Theo dõi ngoại giao kinh tế Trung Quốc ngày 7/8.
Cảnh báo trên diễn ra sau khi New Zealand hồi tuần trước đã tuyên bố ngừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, sau các động thái tương tự của Mỹ, Anh, Canada và Australia, nhằm phản đối Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới với đặc khu hành chính Hong Kong.
New Zealand cũng nâng cảnh báo đi lại với Hong Kong để khuyến cáo công dân về các nguy cơ gây ra do luật an ninh mới.
Bắc Kinh hồi đầu tuần này đã đáp trả bằng cách yêu cầu Hong Kong ngừng hiệp ước dẫn độ và hợp tác tư pháp hình sự với New Zealand.
Với các thành viên là Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand, nhóm chia sẻ thông tin tình báo lâu đời nhất thế giới, được thành lập vào năm 1941, đang tham gia vào một cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, từ công nghệ đến Hong Kong.
Hồi tuần trước, Anh đã đảo ngược một chính sách trước đó và cấm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G, trở thành nền kinh tế lớn mới nhất thế giới sau Mỹ, Nhật Bản, Canada và Australia hành động tương tự vì “các lý do an ninh”.
Trong một dấu hiệu khác có thể khiến Trung Quốc lo lắng, Nhật Bản hồi tuần này đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập liên minh tình báo. Tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono hôm thứ Ba cho biết 5 thành viên “chia sẻ các giá trị cơ bản với Nhật Bản” và Nhật Bản muốn “tiếp tục hợp tác chặt chẽ với 5 quốc gia”.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc Nhật Bản quan tâm tới khả năng trở thành thành viên thứ 6 của nhóm “Ngũ nhãn” đã làm gia tăng khả năng mở rộng đáng kể của nhóm này, và điều đó có thể gây ra sức ép lớn đối với Trung Quốc khi nước này đối phó với sự kiểm soát toàn diện của Mỹ”.
Họ cho rằng, trọng tâm của sự cạnh tranh chiến lược tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ dự kiến là sự cần thiết nhằm giành sự ủng hộ của các quốc gia đứng giữa, trong đó có Liên minh châu Âu.
“Nếu nhóm Ngũ nhãn là loạt tấn công đầu tiên nhằm vào Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Mỹ giờ đây tham gia cùng các cường quốc thế giới khác để xây dựng một liên minh chính trị và kinh tế rộng hơn để đối trọng với Trung Quốc, và việc kêu gọi các đồng minh do dự tại châu Âu có thể trở thành loạt thứ 2 trong cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc”, các nhà quan sát viết.
Wu Xinbo, một chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho rằng mặc dù việc Tokyo hứng thú tham gia nhóm "Ngũ nhãn" có thể được xem là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm đối phó Trung Quốc, Bắc Kinh không nên gia tăng căng thẳng.
Thay vào đó, ông Xu cho rằng Bắc Kinh thể ưu tiên tìm kiếm sự ủng hộ từ các láng giềng như Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Khác với Nhật Bản, Hàn Quốc - một đồng minh khác của Mỹ - vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Trung Quốc trong đại dịch Covid-19.
Cả Bắc Kinh và Washington đều gia tăng quyền lực mềm trong khu vực những tuần gần đây. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã có các cuộc gặp với những người đồng cấp tại Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Malaysia và Indonesia.
Và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây cũng có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Brunei II Erywan, cam kết mở rộng quan hệ an ninh.
“Với Trung Quốc, việc mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á là rất quan trọng. Mọi người cùng đang hành động, nhưng hành động có hiệu quả không lại là chuyện khác”, ông Wu nói.