Một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hôm 6/5 đã nói rằng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế nhằm vào nước này liên quan đến Biển Đông sẽ bị bật lại giống như ấn vào lò xo. Phát ngôn được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới trong chính sách Biển Đông của mình.
Ông Ouyang trong cuộc phỏng vấn với báo giới
về quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hôm 6/5. (Nguồn: Reuters).
Ông Ouyang Yujing, lãnh đạo cơ quan Ranh giới và Các vấn đề Đại dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết ông nhận thấy có sự chỉ trích Trung Quốc đến từ ngoài khu vực trong thời gian gần đây.
“Tất nhiên, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những bình luận có tính xây dựng và chỉ trích từ các quốc gia liên quan” - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Ouyang cho biết trong một cuộc họp báo - “Nếu họ muốn gây áp lực lên Trung Quốc hoặc làm tổn hại thanh danh Trung Quốc, vậy thì hãy coi đó là một lò xo, có cả lực tác dụng và phản lực. Càng ép mạnh thì lò xo bật lại càng mạnh”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng. Trong thời gian gần đây Trung Quốc còn hành động ngày càng quyết liệt trong việc xây phi pháp các đảo nhân tạo, sân bay trong khu vực này khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Các hành động trên đã gây quan ngại cho nhóm Các nước Công nghiệp phát triển (G7), khiến họ phải đưa ra cảnh báo hồi tháng trước, trong đó lên án các hành động khiêu khích ở Biển Đông.
Trung Quốc gần đây cũng tăng cường đưa ra cảnh báo, trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết liên quan đến vụ kiện của Manila với “đường 9 đoạn” phi lý mà Bắc Kinh vẽ ra để đòi chủ quyền ở Biển Đông, dự kiến trong vài tuần tới.
Ông Ouyang nói rằng Trung Quốc đã nghiên cứu vụ kiện của Philippines và xác định nó có liên quan để chủ quyền và phân định trên biển. Trung Quốc có quyền không tham gia vụ kiện. Ba hiệp ước quốc tế trước đó, ký các năm 1898, 1900 và 1930, đã cố định các đường ranh giới của Philippines, ông Ouyang cho biết.
Trong khi đó, giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại phán quyết từ PCA sẽ khiến Trung Quốc đơn phương thiết lập một vùng nhận dạng phòng không như họ từng làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013. Đến nay phía Trung Quốc không bác bỏ hay xác nhận điều này.
Phán quyết được nhận định là sẽ có lợi cho Philippines và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực do Trung Quốc cho rằng PCA không có thẩm quyền xét xử, dù Bắc Kinh cũng là bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trung Quốc cũng đặc biệt tỏ ra tức giận về cái mà họ xem là sự can thiệp của Mỹ, bên có lực lượng quân sự đang thực hiện nhiệm vụ bảo đảm “tự do hàng hải” trong vùng biển này. Hồm thứ Sáu tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Trung Quốc đã từ chối yêu cầu nhóm tác chiến của hàng không mẫu hạm thuộc hạm đội 7 của họ đến thăm Hong Kong. Thế nhưng, Trung Quốc sau đó lại cho phép tàu chỉ huy của hạm đội 7, tàu USS Blue Ridge, tới thăm Thượng Hải.
Thời gian gần đây, khi phán xét của PCA ngày càng đến gần, Trung Quốc nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, mà chiến thắng lớn nhất của họ có lẽ giành được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng trước, người cho rằng các nước bên ngoài khu vực không nên tham gia vào vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, hành động này của họ vấp phải một số chỉ trích từ giới ngoại giao, như nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore Ong Keng Yong, người cho rằng Bắc Kinh có thể đang cố gắng làm chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN.
Bất chấp điều này, Trung Quốc vẫn đưa ra một tuyên bố mà trong đó “cho thấy rằng cộng đồng quốc tế đã hiểu và ủng hộ quan điểm của chính phủ Trung Quốc trong việc xử lý vấn đề Biển Đông và vụ kiện mà phía Philippines khởi xướng”, ông Ouyang nói trước báo giới hôm 6-5.
Hướng tiếp cận vấn đề hiện nay của Bắc Kinh cho thấy sự khát khao của họ trong việc đạt được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế và muốn tránh bị cô lập về vấn đề Biển Đông, Yu Maochun, chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc thuộc Học viện Hải quân Mỹ, nhận định.