Trung Quốc-Philippines thỏa thuận hợp tác kinh tế và cơ chế giải quyết tranh chấp Biển Đông

Khánh Duy 21/10/2016 20:32

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhận được khoản cho vay cam kết lên tới 24 tỷ USD từ phía Trung Quốc sau chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Bắc Kinh, trong đó cả hai quốc gia đã thỏa thuận nối lại đàm phán và lập cơ chế đàm phán song phương giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Lãnh đạo hai nước trong một cuộc gặp tổ chức tại Bắc Kinh hôm 20-10. (Nguồn: BusinessInsider).

Trung Quốc sẽ cung cấp 9 tỷ USD dưới dạng các khoản cho vay mềm, trong đó gồm 3 tỷ USD thông qua Ngân hàng Trung Quốc, ngoài ra là các thỏa thuận hợp tác kinh tế, các khoản đầu tư trị giá 15 tỷ USD, theo Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez. Thỏa thuận ở các lĩnh vực như đường sắt, cảng, năng lượng và khai khoáng trị giá 11,2 tỷ USD cũng được ký kết giữa các công ty của hai nước.

Các thỏa thuận đầu tư này đã kết thúc một tuần làm việc của Tổng thống Duterte, trong đó gồm cả một buổi hội thảo với các doanh nghiệp Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh trong hôm 20/10, một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hai vị quan chức trong Nội các Philippines, gồm Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez và Bộ trưởng Hoạch định Kinh tế Ernesto Pernia, cho hay chính phủ nước này sẽ nhanh chóng hướng tới hội nhập kinh tế khu vực trong tương lai gần dù vẫn duy trì các mối quan hệ thương mại với phương Tây.

Đáng chú ý trong số các thỏa thuận hợp tác kinh tế là việc Tập đoàn Baiyin Nonferrous của Trung Quốc đã nhất trí đầu tư 700 triệu USD để xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất thép không rỉ tại Philippines, trong một thỏa thuận ban đầu ký kết cùng với tập đoàn Global Ferronickel Holdings của Philippines.

Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt của Trung Quốc cũng ký kết một biên bản ghi nhớ về một dự án có tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD với tập đoàn MVP Global Infrastructure của Philippines. Tập đoàn Harbour Enginering của Trung Quốc ký kết một dự án xây dựng cảng và đường bờ biển trị giá 780 triệu USD tại thành phố Davao, quê hương của ông Duterte.

Philippines dự kiến sẽ tận dụng hết mức các khoản vốn đầu tư từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc góp phần lớn cổ phần, ông Lopez nói. Philippines sẽ không ngừng các hoạt động thương mại, mà sẽ hạn chế “sự phụ thuộc” vào đồng minh Mỹ, đồng thời khẳng định rằng vẫn sẽ thực hiện các giao dịch với Washington.

Ngoài ra, Trung Quốc và Philippines cũng thỏa thuận sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin, nhằm tăng sự tin tưởng lẫn nhau và sẽ tổ chức các cuộc gặp thường xuyên hơn để bàn về các vấn đề quan tâm chung trong khu vực - như vấn đề tranh chấp Biển Đông - theo một cơ chế tham vấn song phương; theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra ngày 21/10.

“Các tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua “các cuộc tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp tới tranh chấp” - Một thông cáo chính thức được đưa ra sau cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước nêu rõ.

Cũng theo thông cáo này, cơ chế song phương mới nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sẽ được bổ sung thêm vào các cơ chế hiện hành. Các cơ chế này bao gồm việc hai nước thường xuyên trao đổi về các mối quan ngại của từng bên liên quan đến vấn đề Biển Đông, cùng với đó là các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin và thực thi cơ chế tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động trên Biển Đông.

Trong thông cáo, Bắc Kinh và Manila nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định, cũng như tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Hai nước cũng cam kết sẽ tuân thủ theo Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002, đồng thời cố gắng đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, lực lượng tuần duyên hai nước cũng sẽ hợp tác cùng nhau trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, môi trường và các tình huống khẩn cấp trên Biển Đông.

Trước đó, trong cuộc gặp giữa hai lãnh đạo tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh hôm 20/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi mối quan hệ Trung Quốc - Philippines như “anh em một nhà” và có thể cùng nhau giải quyết các tranh chấp “một cách phù hợp”.

Rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh hiện nay là tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng đã được hai bên xem là thứ yếu, chứ không phải là tất cả trong quan hệ song phương.

Bên cạnh đó, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Bắc Kinh cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch chống tội phạm ma túy mà Tổng thống Duterte đang thực hiện trong nước và hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho chiến dịch này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc-Philippines thỏa thuận hợp tác kinh tế và cơ chế giải quyết tranh chấp Biển Đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO