“Thực tế cho thấy có tới 73% số thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng. Điều này chứng tỏ sự lệch lạc về nhân cách đã đến mức báo động” - Nhà văn/ Chuyên gia tội phạm học - Trung tá Đào Trung Hiếu khẳng định.
Theo anh, từ thống kê của Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an, mỗi năm nước ta có từ 1600 đến 1800 vụ xâm hại tình dục trẻ em đã được phát hiện. Trên thực tế, sẽ xảy ra nhiều hơn thế vì tội phạm ẩn, không bị tố giác. Cứ 1000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, thì nạn nhân nữ chiếm 65% nằm trong độ tuổi 12 đến 15 là 57,46%, trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. Từ các vụ án cho thấy, có tới 73% số thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người quen, trong đó là 10% hoặc cha dượng hoặc chính bố đẻ. Là nạn nhân của chính người lớn quen biết, hoặc là người sống ngay trong cùng nhà, trẻ em phải chịu những dằn vặt tổn thương lớn về thể xác và tâm lý.
“Rất nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra sau khi đối tượng xem phim ‘sex’. Ngoài ra, khi lối sống thực dụng “lên ngôi”, con người ta chạy theo đồng tiền để thỏa mãn nhu cầu vật chất, xem nhẹ những giá trị đạo đức vốn có của dân tộc thì hậu quả là nhiều gia đình, nhiều bậc cha mẹ đã coi nhẹ việc quan tâm, chăm sóc trẻ em…”, nhà văn Đào Trung Hiếu phân tích.
Còn phía mặt chủ quan, anh nói: “việc phòng ngừa đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn hình thức, chưa tiếp cận đời sống người dân đủ tạo ra những chuyển biến, thay đổi nhận thức về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hệ thống chính trị ở cơ sở tại một số địa phương chưa phát huy đầy đủ vai trò và làm hết trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động người dân thực hiện tốt pháp luật. Tại các nhà trường, việc giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em lứa tuổi học đường còn bị xem nhẹ, hoặc chưa được triển khai, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số”.
Anh khẳng định: các chế tài xử lý loại tội phạm này trong pháp luật hiện hành đã rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc phát hiện, điều tra xử lý các vụ án XHTD trẻ em thường bị chậm trễ do nguyên nhân: trước hết, án xâm hại tình dục chỉ có thủ phạm và nạn nhân. Khi gây án, thường không có mặt người thứ ba. Khi không có nhân chứng, việc điều tra trở nên khó khăn.
“Án hiếp dâm, cưỡng dâm còn có tổn thương sản khoa, lông tóc tinh dịch tại hiện trường hay dính trên người nạn nhân và thủ phạm, nhưng loại án này thường bị phát hiện muộn (do trẻ em không kể vì xấu hổ hay bị đe doạ, hoặc không biết là mình bị xâm hại...). Vì thế khi phát hiện, dấu vết giúp truy nguyên thủ phạm không còn nữa. Thêm vào đó là khó khăn trong việc lấy lời khai. Bị hại lại non nớt, khả năng tri giác hạn chế...nên khai báo không chính xác và thống nhất, mỗi lúc khai một kiểu. Thậm chí, có những bé gái dưới 6 tuổi (người dân tộc thiểu số) còn không thể mô tả được chi tiết sự việc mình bị xâm hại ra sao với cơ quan Công an. Trong khi đó, nghi phạm đủ khôn để cãi bay mọi cáo buộc...”. Nhà văn Đào Trung Hiếu nói.
Theo anh, trong điều tra án, vấn đề quan trọng hàng đầu là chứng cứ, nếu không đủ căn cứ, thì phải theo nguyên tắc suy đoán vô tội... cơ quan pháp luật dẫu muốn, cũng không thể kết tội một người chỉ vì nghi thực hiện tội phạm mà không có chứng cứ rõ ràng. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ công tác giám định hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, nhiều gia đình nạn nhân không am hiểu pháp luật nên không kịp thời trình báo sự việc với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi phát hiện con em mình bị xâm hại. Nhà văn Đào Trung Hiếu kể, ở một số địa phương vùng cao vẫn còn hình thức “phạt vạ”. Tức là, nếu đối tượng xâm hại là người nhà của nạn nhân, dòng họ đó thường chọn cách “giải quyết trong nhà” bằng hình thức cống nộp tiền mặt, sản vật rồi sẵn sàng “cho qua” chuyện này. Những yếu tố này khiến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em bị “ẩn”. Khi hành vi phạm tội không bị trừng trị kịp thời, sẽ mất tác dụng răn đe giáo dục và tội phạm lại có điều kiện phát sinh.
Để phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, theo nhà văn Đào Trung Hiếu: Trong mỗi gia đình, vai trò giám sát và bảo vệ con cái của bố mẹ phải được đặt lên hàng đầu. Quan sát các biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của trẻ để có hướng xử lý phù hợp. Phụ huynh phải dạy cho con mình ngay từ bé biết ai là người được phép tiếp cận và có thể chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Ngoài bố mẹ, bác sỹ chữa bệnh có bố mẹ giám sát, thầy cô giáo giúp đỡ khi bệnh tật…thì không có ai khác được đụng chạm vào các bộ phận kín trên cơ thể mình. Nếu xảy ra, phải biết la hét, bỏ đi và báo ngay cho bố mẹ biết.
Để góp phần giúp cho quá trình điều tra của lực lượng chức năng đạt hiệu quả, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý:
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên cơ thể của trẻ, bố mẹ không được cho đi tắm, giặt, mà phải cần giữ nguyên bộ quần áo trẻ đang mặc, rồi khẩn trương đưa trẻ đi khám thương, giám định tổn thương sản khoa, ghi nhận dấu vết thương tích trên cơ thể. Đồng thời trình báo ngay với chính quyền, cơ quan Công an gần nhất. Làm vậy thì những dấu vết của tội phạm mới được kịp thời thu thập để chứng minh tội phạm.