Tại Trung tâm Điều trị tích cực (ICU) Bắc Giang, các y bác sĩ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình mà tất cả đã trở thành người thân của các bệnh nhân, cùng chăm sóc họ từ những điều nhỏ nhất.
Bền bỉ điều trị bệnh nhân nặng
Trung tâm ICU Bắc Giang với quy mô 4 tầng điều trị và 101 giường bệnh đa năng. Trong đó, tầng 1 có 23 giường hồi sức với đầy đủ oxy, khí nén và hệ thống hút trung tâm; tầng 2-3 với 52 giường có hệ thống oxy và khí nén; tầng 4 có 26 giường có oxy không có khí nén. Hạ tầng trung tâm có thể mở rộng, bổ sung thêm giường bệnh trong trường hợp cần thiết.
Trung tâm hiện được đầu tư 60 máy thở, máy siêu âm mới, máy chụp X-quang... có thể thực hiện hồi sức mức độ cao nhất như ECMO (tim, phổi nhân tạo), lọc máu, thở máy... Giường thở máy lên đến 70 bệnh nhân thở máy liên tục.
Bác sĩ Thân Sơn Tùng, Trưởng Trung tâm ICU Bắc Giang cho biết, Trung tâm đang điều trị 35 bệnh nhân. Đây đều những bệnh nhân nặng, đặc biệt là bị tổn thương phổi nhiều cần phải can thiệp những kỹ thuật cao như thở máy, lọc máu liên tục, thậm chí có những bệnh nhân cần phải thực hiện kỹ thuật tim, phổi nhân tạo. Đối với điều trị các bệnh nhân nặng thì cần phải tốn rất nhiều công sức, máy móc, đặc biệt là cần nhân lực trình độ cao.
Để điều trị cho các bệnh nhân này, y bác sĩ phải theo dõi và liên tục đưa ra các phác đồ phù hợp, “giữ” cho tình trạng của bệnh nhân không tiến triển nặng hơn và không để dẫn đến tử vong. Đây là một trong những áp lực lớn nhất khi điều trị bệnh nhân ở Trung tâm ICU Bắc Giang đối với các bác sĩ.
Chia sẻ về quá trình điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, bác sĩ Thân Sơn Tùng kể về trường hợp bệnh nhân nữ 33 tuổi, diễn biến nhanh và tổn thương phổi rất nặng. Bệnh nhân phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy liên tục trong hơn 1 tuần. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã có những tiến triển tốt hơn.
Đây là trường hợp được các y bác sĩ tại trung tâm đặc biệt lưu tâm bởi là một bệnh nhân trẻ nhưng diễn biến bệnh khá phức tạp và nhanh, mỗi biến chuyển của bệnh nhân được theo dõi sát sao để kịp thời đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Tính đến thời điểm này, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, có những tiến triển tốt hơn rất nhiều. Các y, bác sĩ cũng rất mừng khi thấy bệnh nhân được điều trị thành công, hồi phục từng ngày.
Điều dưỡng Thân Thị Hồng Vân, điều dưỡng tại Trung tâm ICU Bắc Giang cho biết, đặc thù của các bệnh nhân ở đây là không có người nhà nên điều dưỡng cũng thực hiện công việc chăm sóc bệnh nhân từ những việc nhỏ đến động viên tinh thần. Có những bệnh nhân nặng, điều dưỡng bón từng thìa cơm, đút từng thìa sữa, hỗ trợ vệ sinh cá nhân, “gắn bó” với bệnh nhân như người thân. Đặc biệt là luôn động viên tinh thần của bệnh nhân vì phần nhiều họ đều hoang mang, lo lắng khi mắc bệnh.
“Những khó khăn, vất vả, những nỗi nhớ nhà được anh chị em y bác sĩ “giấu” trong lòng. Có những người đã xa nhà gần 2 tháng, chỉ nói chuyện với gia đình qua điện thoại, nhìn con qua video call. Nhưng tất cả không ai nản lỏng, luôn đầy nhiệt huyết, bền bỉ chiến đấu cùng bệnh nhân từng ngày”- chị Hồng Vân xúc động nói.
Vượt qua những áp lực “không tên”
Bác sĩ Thân Sơn Tùng cho biết, hiện nay, Trung tâm ICU Bắc Giang còn 25 bác sĩ, 60 điều dưỡng và hơn 20 người phục vụ vòng ngoài các công tác hậu cần, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Hầu hết đây là những y, bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, là những người sẽ “bám trụ” lại Trung tâm ICU Bắc Giang đến khi hoàn thành nhiệm vụ, điều trị thành công cho toàn bộ các bệnh nhân nặng.
Để đến được “cột mốc” này, các y bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm đã trải qua một thời gian đầy áp lực. Và áp lực lớn nhất, khó khăn nhất là vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, số lượng F0 tăng lên từng ngày, kéo theo số lượng bệnh nhân tăng cao.
Tất cả đều phải tập trung cao độ từng ngày, từng giờ, ghi chép cẩn thận diễn biến từng bệnh nhân để có được sự theo dõi sát sao nhất. Đối với từng bệnh nhân, mục tiêu đặt ra phải giữ cho tình trạng của bệnh nhân không tăng nặng, không tử vong.
Theo bác sĩ Thân Sơn Tùng, bên cạnh những áp lực lớn, việc điều trị bệnh nhân có nhiều thuận lợi nhất định. Trong đó, các trang thiết bị máy móc được lắp đặt đầy đủ, đặc biệt là các máy thở, máy lọc máu, các trang thiết bị để tạo tim, phổi nhân tạo. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang được sự hỗ trợ lớn, nhiều y, bác sĩ tuyến trung ương, trình độ chuyên môn cao đã có mặt cùng “chiến đấu”.
Từng ngày, từng giờ, điều trị thành công từng bệnh nhân nặng. Song song với đó là công tác “dập dịch”, chống dịch của Bắc Giang đã từng bước thành công, số lượng F0 đã giảm dần và chỉ còn ghi nhận số ít các ca F0 trong khu vực đã cách ly.
“Dường như, thời gian khó khăn nhất đã qua đi, chúng tôi đã vượt qua những áp lực lớn nhất. Chúng tôi sẽ cùng nhau chiến đấu đến ngày cuối cùng, chiến đấu đến ngày các tất cả bệnh nhân được điều trị thành công. Ngày hết dịch sẽ đến sớm thôi, hết dịch chúng tôi sẽ trở về nhà”- bác sĩ Sơn chia sẻ.