Trung tâm thương mại: Hiện đại và... đìu hiu

Minh Phương 12/12/2015 09:45

Cùng với xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều trung tâm thương mại lớn đã liên tục được “khai sinh”. Tính đến thời điểm này, cả nước đã có khoảng hơn 130 trung tâm thương mại. Tuy nhiên, không phải trung tâm thương mại nào cũng sống được. Nhiều trung tâm mua sắm trên cả nước hiện nay đã và đang rơi vào tình cảnh dở sống dở chết.

Trung tâm thương mại: Hiện đại và... đìu hiu

Vắng khách

Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị TP Hà Nội cho rằng, giá cả hàng hóa tại các trung tâm thương mại quá cao so với mức thu nhập chung của người dân Việt Nam. Với mức thu nhập chung của người dân hiện nay (4-5 triệu đồng/ tháng, bình quân đầu người khoảng 2.000 USD/năm) thì chắc chắn họ không thể tìm đến các trung tâm thương mại lớn để mua hàng. Có chăng chỉ là đến tham quan các trung tâm mới khai trương mà thôi. Thực trạng này đã và đang đẩy nhiều trung tâm mua sắm lớn đến tình thế phải ngưng hoạt động do làm ăn không hiệu quả, thua lỗ.

Khảo sát tại một số trung tâm mua sắm lớn tại Hà Nội, dễ dàng nhận thấy cảnh tượng đìu hiu của các trung tâm này. Tại trung tâm thương mại Hàng Da, ngày thường cũng như ngày cuối tuần, hiếm có khi nào thấy tấp nập kẻ ra người vào tham quan mua sắm tại đây. Mặc dù xung quanh trung tâm này, số lượng xe máy, xe đạp gửi rất đông, song theo quan sát của phóng viên, số người lên trung tâm thương mại Hàng Da mua sắm rất hãn hữu. Chủ yếu người tiêu dùng tìm xuống tầng hầm để mua hàng tại chợ truyền thống và hàng “sida”.

Chị Nguyễn Minh Thư, ở Kim Mã, Hà Nội cho biết, trước đây chị rất hay đến chợ Hàng Da để mua đồ nhưng từ hồi khánh thành Trung tâm thương mại Hàng Da đến nay, chưa lần nào chị đặt chân lên trung tâm này, chủ yếu xuống tầng hầm để mua sắm. Lý do rất đơn giản, là bởi hàng hóa ở tầng hầm giá cả bình dân hơn rất nhiều.

Tình cảnh đìu hiu thưa thớt khách cũng diễn ra tương tự tại các trung tâm thương mại lớn như Parkson, Grand Plaza, Tràng Tiền Plaza... Tại trung tâm mua sắm “hoành tráng” Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng, nhân viên bán hàng nội thất tại đây cho biết, cả ngày ngồi “ngáp vặt” cũng không có lấy một khách hỏi mua. Cuối tuần may ra chỉ có vài khách hàng đến tham quan nhưng chỉ vào ngó rồi đi.

Trên thực tế, không phải bây giờ, cảnh “chợ chiều” mới diễn ở các trung tâm thương mại lớn mà nó đã tồn tại ngay từ khi các trung tâm này mới “khai sinh”. Nguyên nhân của thực trạng này được ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị TP. Hà Nội chỉ ra rằng, giá cả hàng hóa tại các trung tâm thương mại quá cao so với mức thu nhập chung của người dân Việt Nam.

Trong khi hàng hóa được bày bán tại các trung tâm này phần lớn là hàng cao cấp, thì với mức thu nhập chung của người dân hiện nay (4-5 triệu đồng/ tháng, bình quân đầu người khoảng 2.000 USD/năm) thì chắc chắn họ không thể tìm đến các trung tâm thương mại lớn để mua hàng. Có chăng chỉ là đến tham quan các trung tâm mới khai trương mà thôi.

Thực trạng này đã và đang đẩy nhiều trung tâm mua sắm lớn đến tình thế phải ngưng hoạt động do làm ăn không hiệu quả, thua lỗ.

Hứa hẹn?

Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, việc các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm của Việt Nam bị lâm vào tình cảnh “dở sống dở chết” nguyên nhân chính là do tâm lý của người Việt Nam vẫn ưa chuộng loại hình bán lẻ truyền thống. Bà Loan nêu một thực tế: Trong quy hoạch của Bộ Công thương đến năm 2020, tỷ lệ bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 40%, song điều này khó có thể đạt được khi khi tỷ lệ này đến nay mới chỉ đạt 27 – 28%.

Tuy nhiên, theo TS Loan, cảnh “chợ chiều” ở các trung tâm thương mại ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, vì ở thế giới hiện nay, do suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thế giới cũng thắt chặt chi tiêu nên thực trạng này trên thế giới cũng diễn ra tương tự ở Việt Nam. Nhiều trung tâm thương mại lớn tại nhiều nước gần như đóng cửa vì khách đến tham quan, mua sắm quá èo uột.

Trung tâm thương mại: Hiện đại và... đìu hiu - 1

Nhiều trung tâm thương mại lâm cảnh chợ chiều.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn bày tỏ những kỳ vọng về một tương lai của các trung tâm thương mại ở Việt Nam khi cánh cửa hội nhập kinh tế đang rộng mở. Theo ông Dương Duy Hưng- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thị trường phân phối nói chung và bán lẻ nói riêng ở Việt Nam được thế giới đánh giá là thị trường tiềm năng. Mặc dù hiện nay các trung tâm mua sắm, bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% nhưng ông Hưng cho rằng, với một thị trường dân số trên 90 triệu dân, trong đó 30% dân số có độ tuổi dưới 30 tuổi và cũng có khoảng 30% dân số ở thành thị có nhu cầu mua sắm cao, nên hệ thống bán lẻ hiện đại vẫn sẽ hứa hẹn những tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Giới chuyên gia kinh tế cũng lưu ý rằng, xu hướng chung vẫn cần những trung tâm mua sắm hiện đại, tuy nhiên do tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam vẫn thích mua sắm theo phong cách “cũ”, tức là mua sắm ở chợ truyền thống. Do đó, các trung tâm thương mại cần điều chỉnh, thay đổi phương hướng kinh doanh, co hẹp diện tích và quan trọng nhất là phải cung ứng những mặt hàng phù hợp với mức thu nhập của phần lớn người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm thương mại: Hiện đại và... đìu hiu