Tu bổ, trùng tu di tích là việc làm cần thiết để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Việc làm này cũng đã được pháp luật quy định. Thế nhưng, trong thực tế, khi trùng tu di tích, nhiều yếu tố nguyên gốc đã bị xâm hại không ở tỷ lệ, chất liệu mà ở tính thẩm mỹ.
Đình Trùng Hạ bị sơn đỏ sơn vàng sau khi trùng tu.
Dư luận đang xôn xao về việc đình Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) sau khi được trùng tu đã “bớt đẹp”. Điều đó thấy rõ qua các bức ảnh KTS Trần Hiếu còn lưu giữ. Ảnh chụp một số mảng chạm khắc của đình năm 2015 và sau khi được trùng tu đầu năm 2020. Đình Đồng Kỵ được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1990. Do đình xuống cấp nên giữa năm 2019, Bộ VHTTDL chấp thuận cho phép trùng tu di tích. Sau khi trùng tu, các cấu kiện gỗ hầu như bị thay mới. Có điều, các mảng chạm mới không đẹp bằng cũ do tay nghề của người trùng tu không đảm bảo. Ngày 27/2, cán bộ của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có buổi làm việc tại hiện trường đình Đồng Kỵ. Tuy nhiên, các cán bộ chưa đưa ra ý kiến gì.
Khi kinh tế của một địa phương, của một cộng đồng dân cư phát triển, nhiều người nghĩ ngay đến việc “báo ơn” với các di tích lịch sử văn hóa, các địa chỉ tín ngưỡng mang tính tâm linh. Với các di sản chưa được kiểm kê di tích, chưa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, người ta “láo nháo” đập đi xây mới cho hoành tráng ít khi bị ngăn cản. Còn với di tích đã xếp hạng thì phải xin phép cấp có thẩm quyền. Mới đây, ngày 15/2/2020, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 chính thức có hiệu lực pháp luật. Nghị định này quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiều nội dung đã được cụ thể hóa để thực hiện Luật Di sản văn hóa nhưng về khía cạnh giữ “yếu tố cấu thành di tích” về tính “thẩm mỹ” trong quy định của Luật Di sản văn hóa chưa được thể hiện chi tiết.
Chính tính thẩm mỹ của di tích sau khi trùng tu gần đây lại khiến dư luận quan tâm. Bởi lẽ, qua thời gian, những người gìn giữ, phê duyệt hay trùng tu di sản đã quá hiểu rằng khi tiến hành tu bổ hoặc trùng tu thì điều quan trọng đầu tiên là gìn giữ tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích. Điều quan trọng thứ hai là tu bổ đúng kỹ thuật truyền thống. Thứ ba là đúng vật liệu hiện trạng. Thứ tư là đảm bảo chất lượng. Khi thẩm định hồ sơ để tu bổ, trùng tu, nhiều lãnh đạo có thẩm quyền thường chỉ chú ý đến số liệu vật liệu, tài chính mà ít chú ý đến kỹ thuật truyền thống.
Chính vì vậy, trong những ngày này, dư luận yêu di sản, nhất là nhóm cộng đồng mạng xã hội “Đình làng Việt” lại nhức nhối khi đình Trùng Hạ (thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình) bị sơn đỏ choét. Hiện tượng này không phải đến nay mới phát sinh. Năm 2019, đình Văn Xá (Lý Nhân, Hà Nam) cũng đã bị sơn đỏ lòe loẹt. Cùng với màu sơn đỏ, người ta còn sơn vàng chóe. TS. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nói: “Việc sơn lại di tích màu đỏ, vàng, những hòa sắc rực rỡ như thế này không hề có trong truyền thống, thể hiện một lối tư duy và cách làm rất ẩu, không tôn trọng di sản”.
Sơn đỏ, sơn vàng lòe loẹt di tích- có lẽ những người trùng tu nghĩ đó là làm cho giống kiểu “sơn son, thiếp vàng” truyền thống? Nhưng sơn son thiếp vàng truyền thống là sơn ta chứ không phải sơn công nghiệp. Theo giá thị trường thì sơn ta cao gấp hàng chục lần sơn công nghiệp nhưng khi sử dụng sẽ giữ được “màu thời gian” của di tích. Với nhiều địa phương và nhà thiện nguyện công đức trùng tu di sản, chi phí tăng thêm này có thể “lo” được. Nhưng cái chính là họ không hiểu giá trị di sản, không hiểu kỹ thuật để trùng tu di tích…
PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Việc sơn son thếp vàng ngày xưa ngoài việc làm cho sang trọng thì đó cũng chính là một biện pháp bảo quản vật liệu gỗ. Vấn đề là làm các màu, các kỹ thuật có chuẩn, có phải là sơn son thếp vàng thật không. Theo quy trình thực hiện màu sơn lên di tích ở đền vua Đinh – Lê ở Hoa Lư đã được thực hiện, PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết: “Các nhà khoa học và cơ quan chuyên nghiệp phải làm thử một mẫu trên giấy, sau đó quét thử vào cột, rồi chỉnh màu trầm hay thế nào cho hợp lý. Sau đó mới lấy cột đó làm đối chứng sơn sang các cột khác. Rồi phải làm bao nhiêu lớp vải màn bó hom. Nhiều quy trình lắm. Phải làm có quy trình, chứ làm không đúng thì chỉ có hại di tích thôi”.