Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có công văn yêu cầu các Sở GDĐT phối hợp với NXB và các đơn vị liên quan cung ứng SGK đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đến tay phụ huynh, học sinh trước 15/8.
Việc cung ứng SGK phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8. Ảnh: Phạm Quanh Vinh.
Ngày 10/6, Bộ GDĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các Sở GDĐT; các nhà xuất bản (NXB) có SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT).
Bồi dưỡng theo môn học/hoạt động giáo dục
Công văn yêu cầu Sở GDĐT các tỉnh chủ động phối hợp với các NXB xây dựng kế hoạch tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên dạy học lớp 1 năm học 2020-2021và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Theo đó, giáo viên được sắp xếp vào các lớp học theo môn học/hoạt động giáo dục, theo bộ SGK, đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 1và cán bộ quản lý được tập huấn phù hợp với lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục.
“Do đặc trưng của cấp tiểu học khi tổ chức có thể chia thành 2 nhóm giáo viên, gồm nhóm giáo viên dạy các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên- Xã hội, Đạo Đức và nhóm giáo viên dạy các môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Tiếng Anh nhằm tối ưu hóa hình thức tổ chức trên cơ sở đảm bảo chất lượng bồi dưỡng”, văn bản hướng dẫn nêu.
Việc bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 1 năm học 2020-2021 được lồng ghép trong chương trình Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Hình thức tổ chức có thể là trực tiếp hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, Sở GDĐT có trách nhiệm điều động giáo viên, cán bộ quản lý (GV/CBQLGD) tham gia, chuẩn bị các điều kiện thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho GV/CBQLGD tham dự.
NXB có trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để triển khai bồi dưỡng. Các đơn vị này đồng thời biên soạn bộ học liệu điện tử gồm: sách giáo khoa được lựa chọn, tài liệu hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, các bài dạy mẫu, học liệu bổ trợ liên quan khi sử dụng sách giáo khoa… Tài liệu bồi dưỡng được số hóa, hoàn thành trước 30/6. Sở GDĐT, các giáo viên sẽ nhận được học liệu điện tử ít nhất 05 ngày trước khi bồi dưỡng trực tiếp để chủ động tìm hiểu và thảo luận. Tài liệu này đồng thời được Sở GDĐT sử dụng lâu dài trong tổ chức bồi dưỡng thường xuyên qua mạng internet cho giáo viên.
Thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1 phải được hoàn thành trước 30/7. Bộ GDĐT sẽ giám sát việc thực hiện kế hoạch này của địa phương, NXB.
Cung ứng kịp thời, đầy đủ SGK
Về công tác cung ứng SGK năm học 2020-2021, công văn của Bộ GDĐT yêu cầu các NXB chịu trách nhiệm về chất lượng SGK đúng với bản mẫu đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt và đã được các nhà trường lựa chọn.
NXB chủ trì phối hợp với các Sở GDĐT cam kết về số lượng SGK, đảm bảo cung cấp đầy đủ sách với số lượng dự phòng không dưới 2%. Việc cung ứng SGK đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng SGK tại địa phương (đơn vị có chức năng và đủ năng lực được các Sở GDĐT thống nhất với các NXB lựa chọn) trước ngày 30/7.
NXB đồng thời có trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo, tham góp, phát động phong trào xây dựng tủ sách tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đối với các Sở GDĐT, đơn vị này có trách nhiệm cung cấp đúng, kịp thời số lượng đăng ký SGK cho các NXB; phối hợp với NXB thống nhất chọn đơn vị có chức năng và đủ năng lực cung ứng sách giáo khoa.
Sở GDĐT đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn phối hợp với đơn vị cung ứng SGK để đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng SGK cho các cơ sở giáo dục.
“Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020-2021 trên địa bàn”, văn bản của Bộ nhấn mạnh. Việc cung ứng SGK phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8. Sở GDĐT chịu trách nhiệm giám sát về chất lượng SGK đảm bảo đúng bản mẫu sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt; chịu trách nhiệm giải trình và báo cáo các các nội dung liên quan theo đúng chức năng và thẩm quyền về Bộ GDĐT, UBND cấp tỉnh”, văn bản nêu.