Trước mùa tuyển sinh: Nóng chuyện chọn ngành

Văn Minh 26/03/2017 10:00

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có điều đó là do người học đã chọn sai ngành học. Để khắc phục, vấn đề được nêu lên là cần thông tin dự báo thị trường lao động một cách chính xác, không chỉ học sinh, sinh viên mà cả gia đình họ từ đó có được sự lựa chọn đúng đắn.

Phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT đều đăng ký thi vào đại học, trong khi các trường nghề lại thiếu người học.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong đó, nhiều người đang phải cất đi tấm bằng đại học để chuyển sang học nghề... Một trong những nguyên nhân chính là do việc hướng nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học. Thực tế cũng cho thấy hiện nay, công tác hướng nghiệp, kết nối thông tin dự báo ngành nghề, thị trường lao động còn nhiều bất cập.

Kỳ vọng của cha mẹ hay sở thích của con?

Đợt đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học sắp đến, thời điểm này, đa phần học sinh lớp 12 đã có quyết định chọn trường, ngành học nhưng bên cạnh đó, còn nhiều em vẫn lơ mơ, dao động, không hiểu mình nên chọn ngành nào, trường nào phù hợp để học. Nhiều hiệu trưởng trường THPT tỏ ra khá lo ngại về việc này.

Theo cô Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Du thì trừ những học sinh có năng lực, nuôi dưỡng đam mê sở trường từ những năm học THCS hoặc THPT thì chọn lựa ngành nghề theo học chắc chắn, còn lại, số học sinh có sức học vừa phải, chưa hiểu rõ bản thân thì còn lưỡng lự, sở thích và mong muốn còn thay đổi đến phút chót.

Cũng theo cô Hương, hiểu rõ vấn đề này nên Trường THPT Nguyễn Du tổ chức 5 lần mời chuyên gia tư vấn, tuyển sinh ĐH-CĐ về tư vấn hướng nghiệp, chọn trường, chọn ngành học cho học sinh khối 12. Tuy nhiên, đến giờ này, vẫn còn những em chưa hiểu rõ mình thích học ngành gì, làm nghề gì phù hợp. Về chọn ngành học tương lai, đa số các em chọn theo định hướng, kỳ vọng của cha mẹ, sau đó mới tự quyết định theo sở thích, đam mê riêng.

Một trong những cái khó mà các trường THPT đều gặp phải là công tác hướng nghiệp, chọn ngành nghề học cho thí sinh còn chung chung, chưa sâu sát. Nguyên nhân là do nhà trường thiếu đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, hiểu biết sâu rộng về các ngành nghề mới trong xã hội có nhu cầu tuyển dụng cao, thu nhập ổn định. Vì thế, khi học sinh hỏi về xu hướng ngành nghề mới và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, giáo viên cũng bí, không thể trả lời.

Song khi mời tư vấn tuyển sinh về thì các trường ĐH-CĐ cũng chỉ nghiêng về giới thiệu, giải đáp những ngành nghề do trường đào tạo để lôi kéo học sinh, chứ không thể tư vấn rộng về các ngành nghề đa dạng khác mà học sinh cần quan tâm. Gần như trường nào cũng cung cấp thông tin tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 3 năm gần đây của nhiều ngành đều ở mức 90 - 100%.

Thời gian vừa qua, để giúp học sinh có trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về ngành nghề, công việc trong xã hội, một số trường THPT đã có sáng kiến đưa học sinh khối lớp 10, 11 đi lao động, làm việc ở siêu thị, tham quan doanh nghiệp, nhà máy, nông trại để có cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc để hiểu rõ về nhiều lĩnh vực, ngành nghề từ đó có thể chọn ngành nghề yêu thích và phù hợp. Tuy nhiên những mô hình như vậy vẫn còn hạn chế.

Một buổi tư vấn tuyển sinh.

Cần thông tin dự báo thị trường lao động

Trao đổi về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhiều giáo viên cho rằng giáo dục hiện nay mới chỉ đào tạo cái mình có, trong khi đó xã hội đòi hỏi trường phải linh hoạt hơn trong việc đáp ứng các ngành nghề xã hội đang cần.

Hơn nữa, quá trình đào tạo vẫn nặng về lý thuyết chứ không rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp sâu cho sinh viên. Vì vậy dù khá nhiều em học ngành “hot”, nhưng lại không kiếm được việc làm do thiếu kỹ năng nghề nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình- Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, với việc lựa chọn nghề, các em cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng: Thứ nhất cần nắm bắt được nhu cầu xã hội, xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong những năm tới. Thứ hai là năng lực, sở trường của mình có đáp ứng ngành nghề đó không. Thứ ba là ngành nghề đó có đúng với những hoài bão, ước mơ của mình hay không? Nếu các em chọn đúng thì cơ hội phát triển nghề nghiệp cao, dễ thành công. Việc này các em cần sự hỗ trợ của các chuyên gia, thầy cô và cả gia đình.

Ông Bình cũng khuyên học sinh cần xác định được cá tính, đam mê của mình và chỉ nên chọn 2 - 3 ngành nghề để tập trung hướng nghiệp. Bởi chọn trường không phù hợp rất có thể sau một thời gian lại bỏ ngang rất lãng phí.

Ngoài ra, ông Bình cũng cho rằng thời gian tới cần điều chỉnh chương trình đào tạo cho sát nhu cầu thực tế của xã hội. Trong đó, Bộ LĐTB&XH và Bộ GD-ĐT cần liên kết với các doanh nghiệp để có thông tin mới nhất về nhu cầu lao động vì nó biến động liên tục.

Còn TS Trần Đình Lý- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, hướng nghiệp là vấn đề quan trọng và cần đi trước bước tuyển sinh.

Cụ thể hơn, ông Bùi Xuân Tiến - Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐTBXH Hà Nội) tư vấn: Khi chọn trường, các em cần tìm hiểu thông tin về xu hướng thị trường lao động trong vòng 10 năm tới, chứ không phải chỉ ở thời điểm 4-5 năm sau khi tốt nghiệp. Như vậy sẽ giúp sự lựa chọn chính xác hơn.

Thời gian gần đây rất nhiều chuyên gia về nhân lực đã khuyến cáo các thí sinh đừng đặt mục tiêu vào đại học là đích đến mà hãy quan tâm đến con đường nghề nghiệp - đi ngắn hơn, đầu tư ít hơn, dễ kiếm việc làm và thu nhập ổn định. Song tâm lý bằng mọi cách phải vào đại học bằng mọi giá dường như đã ăn sâu vào xã hội.

Phương Thảo - học sinh Trường THPT Thăng Long chia sẻ: Bố mẹ vẫn mong em thi vào ĐH Sư phạm trong khi em thích những công việc trong nghề thời trang hơn.

Theo ông Lê Quốc Bình- Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu tuyển kỹ thuật viên, kỹ sư thực hành số lượng lớn nhưng nhà trường không đủ đáp ứng. Đặc biệt, nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế (đào tạo bằng tiếng Anh) được các doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng đào tạo nhưng không tuyển đủ học viên có năng lực tiếng Anh.

Tương tự, bà Trần Ngọc Danh- Giám đốc Viện Thiết kế Việt Nam - ADS, cũng cho rằng nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp đa dạng, phong phú, nên thường chạy theo các nhóm ngành nghề thời thượng nhưng đã bảo hòa như kinh tế, tài chính, bảo hiểm…

Trong khi đó, nhiều ngành nghề sáng tạo có nhu cầu lớn như thiết kế thời trang, học xong đảm bảo 100% có việc làm, thu nhập cao ngay sau khi ra trường nhưng chưa được học sinh phổ thông chú ý. Chính vì thế, công tác dự báo về thông tin thị trường lao động, xu hướng và nhu cầu ngành nghề trong xã hội cần được kết nối kịp thời với trường học, người học thông qua cầu nối tư vấn, định hướng nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp, bài bản, khoa học.

Quá lâu rồi, năm nào chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh, nhiều học sinh vẫn dao động, mơ hồ về chọn ngành, chọn trường và nhiều khi chọn đại một ngành học mà mình không hiểu rõ. Bởi vậy mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh để cung cấp thông tin cho thí sinh.

Một trong các nội dung của đề án này là thông tin tỷ lệ việc làm của hai năm trước cho đến giờ là bao nhiêu. Đó sẽ là thông tin tham khảo hữu ích, để các em lựa chọn được trường phù hợp, sau này ra trường có cơ hội việc làm cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước mùa tuyển sinh: Nóng chuyện chọn ngành