Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về giải pháp để giảm bạo lực học đường trước mùa tựu trường 2023-2024.
PV: Thưa ông, còn khoảng một tháng nữa năm học mới 2023- 2024 chính thức bắt đầu. Một trong những vấn đề luôn nhận được nhiều quan tâm của dư luận đó là làm sao để ngăn chặn và hạn chế tình trạng bạo lực học đường nhức nhối thời gian qua?
Ông Nguyễn Ngọc Ân: Thực tế thời gian qua ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, trong đó có giải pháp trường học hạnh phúc (THHP). Tại sao THHP lại có thể giúp giảm bạo lực học đường?
Bản chất của THHP là làm cho giáo viên (GV) được có cảm xúc hạnh phúc. Điều này quyết định những hành vi của GV, khi GV hạnh phúc thì những hành vi, giải pháp của GV sáng suốt hơn, hành vi tích cực hơn, nghĩ ra nhiều cách để có thể hóa giải hoặc xử lý những vấn đề GV phải đối mặt trong quá trình giáo dục học sinh.
Trong bối cảnh chung GV chịu nhiều áp lực, mệt mỏi, căng thẳng với nhiều tác động tới GV làm thầy cô mất cảm xúc tích cực, thay vào đó là những cảm xúc tiêu cực. Nếu cảm xúc tiêu cực bị ngự trị thì GV sẽ dễ mất kiểm soát, không sáng suốt để ứng xử những tình huống sư phạm.
Chính vì vậy, giải pháp THHP là hướng dẫn cho người học, người dạy, đặc biệt là GV biết cách điều tiết, quản trị những cảm xúc không tích cực bằng cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực, nhân nó lên và truyền cảm hứng, tạo động lực cho chính mình và lan tỏa tới những đồng nghiệp, hoc sinh.
Khi chọn trường cho con, nhiều người quan tâm tới các yếu tố như trường học đẹp, khang trang, GV giỏi, nhiệt tình… Khái niệm THHP dường như vẫn chưa được nhiều người quan tâm, thưa ông?
- Đúng vậy. Nhiều người chưa chú trọng đến yếu tố này. Thậm chí, nhiều GV cũng chưa quan tâm đến nội dung này, cảm thấy THHP là cái gì đó xa vời. Nhưng tôi khẳng định, giáo viên không vui vẻ, không thỏa mãn, không thoải mái thì đó không phải là THHP, không phải là GV hạnh phúc. GV hạnh phúc là phải có cảm xúc tích cực. Những cảm xúc đó là điều kiện quan trọng để có thể minh mẫn xử lý các tình huống sư phạm gặp phải hàng ngày.
Bên cạnh kỹ năng sư phạm được đào tạo bài bản, GV cũng cần có những cảm xúc tốt để trên nền những kỹ năng cơ bản đó ứng phó ngay lập tức với những tình huống xảy ra. Lý thuyết chỉ là nền tảng, không có tình huống sư phạm nào giống hệt như trong sách vở.
Vậy làm thế nào để mỗi GV có được cảm xúc tích cực khi hàng ngày phải đối mặt với vô vàn áp lực, thưa ông?
- Cũng giống như bất kỳ ngành nghề nào khác, nghề GV cũng phải đối mặt với áp lực mà xã hội, phụ huynh kỳ vọng. Tôi muốn nhấn mạnh đừng tìm kiếm hạnh phúc từ người khác. Mỗi người phải tự biết làm cho mình hạnh phúc. Từ đó lan tỏa hạnh phúc đến người khác, tạo ra môi trường hạnh phúc thực sự còn nếu chờ đợi người khác mang hạnh phúc đến thì rất khó.
Để xây dựng THHP, chúng tôi đang triển khai 3 nội dung cốt lõi. Đó là GV biết quản trị cảm xúc để có được cảm xúc tích cực cho mình và chuyển hóa được những cảm xúc tiêu cực để luôn vui vẻ, thỏa mãn, hạnh phúc với những điều mình có. Thứ hai là tạo được môi trường, không khí hạnh phúc trong nhà trường. Muốn vậy, từng GV phải có kỹ năng làm vệc với nhau, kỹ năng làm việc với học sinh.
Thứ ba là biết sử dụng các biện pháp khoa học để kỷ luật học sinh mang tính tích cực và không vi phạm các quy định về quyền con người. Đó là phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực mà GV phải biết khi ngày nay kỷ luật trừng phạt đã không còn phù hợp. Còn cụ thể, kỷ luật tích cực là gì, chúng tôi có tài liệu hướng dẫn cụ thể, công khai, GV có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng.
Trân trọng cảm ơn ông!