Ít ngày nữa, học sinh ở các cấp học sẽ chính thức bắt đầu năm học 2022-2023. Thời điểm này, các trường đã sẵn sàng các điều kiện tốt nhất, đặc biệt là phương án giải bài toán thiếu trường lớp trong năm học mới.
Tách trường, đầu tư cơ sở vật chất
Sau 3 tháng hè, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ) đã được “khoác chiếc áo mới" với các lớp học được trang trí đầy màu sắc bắt mắt. Sân trường những ngày này tíu tít tiếng cười nói của học sinh trong tuần đầu tựu trường.
Đặc biệt, trong năm học 2022-2023, để giảm quy mô số lớp/trường, giảm sĩ số học sinh trong 1 lớp, Trường Tiểu học Chu Văn An được UBND quận Tây Hồ tổ chức thành hai trường: Trường Tiểu học Chu Văn An và Trường Tiểu học Chu Văn An A.
Trường Tiểu học Chu Văn An A được xây dựng trên cơ sở cũ tại địa điểm 130 Thụy Khuê. Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, bà Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc giảm quy mô lớp/trường, giảm sĩ số học sinh/lớp là điều kiện tốt nhất để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Năm học này, trường có tất cả 950 học sinh với 33 giáo viên giàu kinh nghiệm. Đón học sinh trong ngôi trường được đầu tư cơ sở vật chất hoàn toàn mới, bà Huệ cho hay, mỗi phòng học được trang bị đầy đủ bàn ghế, bảng trượt tiêu chuẩn tiểu học, điều hòa nhiệt độ, ti vi, máy chiếu vật thể… Đây là những thiết bị cần và đủ cho việc đổi mới phương pháp dạy học.
“Chúng tôi đồng cảm và chia sẻ với băn khoăn của các bậc phụ huynh khi tổ chức tách trường. Tuy nhiên, tập thể giáo viên nhà trường sẽ nỗ lực không ngừng để tạo môi trường học tập chất lượng, thân thiện và hạnh phúc với học sinh”, bà Huệ nói.
Là ngôi trường có gần 1.700 học sinh theo học với 33 phòng học, Trường Tiểu học Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học.
Bà Phạm Thị Lợi, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, năm học mới, trường tuyển hơn 300 chỉ tiêu vào lớp 1. Để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, lớp 2 và lớp 3, nhà trường chú trọng hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân sự có chất lượng chuyên môn.
Xây dựng thêm trường học mới
Có thể thấy, năm học 2022-2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn ở Hà Nội, rõ nhất là một số quận huyện với nhiều chung cư cao tầng như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông...
Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), trong nhiều năm nay, dân số trên 80.000 người, hằng năm khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Trong khi hiện phường này chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS nên các trường luôn quá tải.
Do quá tải sĩ số, số lượng hồ sơ đăng ký vượt quá chỉ tiêu tuyển gần 400 học sinh, phụ huynh Trường Mầm non Hoàng Liệt phải bốc thăm để giành suất vào trường công cho con. Tại buổi bốc thăm, hàng trăm phụ huynh có mặt tại nơi bốc thăm đều chung tâm trạng lo lắng, bức xúc khi việc học cho con lại được quyết định bằng việc bốc thăm may rủi. Sự việc cũng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Về vấn đề quá tải trường lớp, ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, năm nay toàn bộ quận tăng 3.700 học sinh khối công lập, chưa kể số học sinh đăng ký vào các nhóm trường ngoài công lập cũng quá tải. Đồng thời, toàn quận cũng thiếu khoảng 470 giáo viên. Tính sơ bộ một trường khoảng 1.700 học sinh và quận cần ít nhất khoảng 3 trường mầm non nữa mới "đủ tải".
Bước vào năm học mới 2022-2023, 100% học sinh trên địa bàn quận Hà Đông đều được đi học theo đúng tuổi. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông nhìn nhận tình trạng quá tải sĩ số vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Sĩ số học sinh trung bình là 49,7, bậc THCS trung bình là 42,7 em/lớp. Số lượng học sinh đông, sĩ số học sinh/lớp cao, quận Hà Đông khó nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Tiểu học là bậc có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất, chỉ 55%.
Theo bà Hằng, hiện địa bàn quận có tổng số 138 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT, trong đó 41 trường tư thục. So với năm ngoái, quận xây dựng thêm một trường mầm non mới và 23 phòng học tại các trường còn diện tích sử dụng. Đặc biệt, phường Dương Nội là nơi học sinh đông nhất toàn quận nên trong những năm qua phải mở tới 15 trường công lập và 4 trường tư thục mới tuyển sinh hết số lượng học sinh, trẻ mầm non trên địa bàn.
Năm học 2022 - 2023 toàn quận Nam Từ Liêm có 99 trường/4 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT), trong đó 41 cơ sở giáo dục công lập. Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp và quá tải sĩ số, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GDĐT quận cho biết, quận thực hiện song song hai kế hoạch: ngắn hạn và dài hạn.
Về kế hoạch ngắn hạn, quận phân tuyến nghiêm ngặt từ khâu tuyển sinh đầu cấp với mầm non, lớp 1, lớp 6. Với những khu vực đông dân cư, tập trung nhiều khu đô thị, toà chung cư mới, quận sẽ phân tuyến và dàn đều học sinh sang các phường lân cận, tránh tình trạng bốc thăm chia lớp hay để lớp học quá đông, giới hạn khoảng 40 em/lớp.
Về kế hoạch dài hạn, dự kiến trong vài năm tới, quận sẽ xây dựng thêm 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS, đáp ứng đủ nhu cầu học sinh tới trường.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 6/2022, thành phố có 2.835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học. Năm 2022 có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1.464 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 64,3%, trong đó trường công lập đạt 79%. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 héc ta.
Tuy nhiên thực tế, trên địa bàn thành phố và một số quận nội thành học sinh có nhu cầu học tập rất lớn, từ đó dẫn tới tình trạng một số trường, địa bàn quá tải. Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, Sở đang đề xuất giải pháp cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng. Bên cạnh đó tận dụng các tầng hầm đảm bảo an toàn cho học sinh để tăng diện tích cho các trường học đang bị quá tải. Các trường có thể bố trí học sinh học ở các tầng thấp, các phòng chức năng, phòng dành cho cán bộ, giáo viên ở tầng cao.