Suốt hơn 15 năm qua, người dân xã Sơn Lai, huyện Nho Quan (Ninh Bình) phải sống khổ trước tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần Nông sản Elmaco (DN Elmaco) gây ra. Người dân cũng như chính quyền địa phương trường kỳ đấu tranh, nhưng tới nay nhà máy này vẫn đang tồn tại giữa khu dân cư.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Elmaco đóng trên địa bàn xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đi vào hoạt động từ những năm 2005. Theo phản ánh của người dân xã Sơn Lai, hơn chục năm qua, họ đã phải chịu cảnh tra tấn từ mùi, nước thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn gây ra.
Có mặt trực tiếp tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận những “núi” bã sắn màu đen được chất cao trong khuôn viên nhà máy này. Khi trời đổ mưa, nguồn nước thải màu vàng từ phía bên trong nhà máy chảy ra ngoài. Bên trong khuôn viên nhà máy có 2 bể chứa chất thải lớn được phủ bạt kín mít và 2 ao sinh học chứa nước thải. Dù được che đậy khá kỹ nhưng đứng từ xa, chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi hôi thối tại các khu vực nêu trên.
Theo quan sát, bao quanh nhà máy sắn là khu vực dân cư với hàng trăm hộ dân sinh sống. Tìm hiểu từ phía người dân được biết, trong quá trình hoạt động, bã sắn sẽ được chất thành nhiều đống trong khuôn viên nhà máy, khi có người mua thì công nhân sẽ đóng vào bì và mang đi. Từ đầu năm 2021 đến nay, do không xuất được nhiều bã ra khỏi nhà máy, nên một lượng lớn bã sắn bị tồn lại, đã chuyển sang màu đen và thường xuyên rỉ nước ra khu vực giáp ranh khu dân cư.
“Suốt nhiều năm qua, người dân ở thôn Sát, thôn Đồi Thờ và các thôn ở các xã lân cận phải sống chung với ô nhiễm từ việc chế biến tinh bột của nhà máy sắn. Trong quá trình hoạt động, đã có vài lần ống xả của nhà máy bị vỡ, dẫn đến tình trạng khói bụi bay khắp khu dân cư, khiến người dân không chịu nổi. Bây giờ, dù nhà máy chỉ hoạt động 3 tháng nhưng nguồn nước thải và chất thải vẫn gây ảnh hưởng, nhất là vào mùa hè như hiện tại”, ông Lê Văn Minh, trưởng thôn Sát, sống ngay phía sau nhà máy sắn chia sẻ.
Tại nhiều hộ gia đình nằm ngay phía sau nhà máy sắn, chúng tôi ghi nhận thực trạng nguồn nước giếng của các hộ này bị nhuốm vàng. “Bởi vì nước thải của nhà máy thường xuyên chảy ra ngoài, ngấm xuống đất nên nước giếng của nhiều hộ dân ở đây giờ đã chuyển thành màu vàng, không dùng nổi. Ở đây không chỉ nhà tôi mà còn nhiều nhà bị ảnh hưởng tới nguồn nước.
Không chỉ vậy, việc bãi thải bã sắn cách khu dân cư chỉ vài chục mét cũng khiến các gia đình ở đây phải sống trong cảnh “sống dở, chết dở”, ngày nào cũng phải hít mùi thối”, anh Trần Văn Chính, 53 tuổi, người dân thôn Sát bức xúc.
Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Sơn Lai xác nhận: Việc nhà máy chế biến tinh bột sắn gây ô nhiễm môi trường trong suốt nhiều năm qua là đúng sự thật. “Trong suốt nhiều năm qua, người dân và UBND xã đã đấu tranh trường kỳ với nhà máy sắn này. Trong các văn bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy thì nêu mức độ ảnh hưởng rất nhẹ, nhưng thực tế lại không phải vậy. Từ khi có chủ trương đưa nhà máy chế biến tinh bột sắn về khu dân cư xã Sơn Lai, chúng tôi cũng đã không đồng ý, đã ý kiến lên trên, nhưng không thay đổi được”, ông Chương giãi bày.