Trường tồn 'Phên dậu phía đông'

Khúc Hà Linh 07/10/2021 14:00

Từng được mệnh danh là “Phên dậu phía đông” che chắn thành Thăng Long, mảnh đất này tồn tại đến nay đã trên hai thế kỷ. Trải 5 lần đổi thay danh xưng, tên gọi, và sau hàng chục lần biến dạng địa giới hành chính, mảnh đất đó là Thành Đông xưa, thành phố Hải Dương hôm nay.

Thành Đông xưa. Ảnh tư liệu.

Lai lịch một vùng đất

Sử chép rằng, tên gọi Hải Dương xuất hiện từ thời Lê (năm 1469) với hàm ý “ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”. Ba thế kỷ sau, tức năm 1804 triều đình nhà Nguyễn phân chia lại địa giới hành chính trong cả nước. Lỵ sở Hải Dương khi ấy đang ở Mao Điền đã được dời về tổng Hàn Giang, đặt trên vùng đất cao thuộc ngã ba sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt (địa phận của 3 xã là Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao).

Tổng đốc Hải Dương thời ấy là Trần Công Hiến cho khởi công xây dựng tòa thành, làm trụ sở hành chính và đồn trú quân sự, gọi là Thành Đông - một trong 4 thành trong “Thăng Long tứ trấn”.

Thành Đông ban đầu không có dân, chỉ có giới chức quan lại và quân lính. Mãi đến năm 1866, Đông Kiều phố cùng nhiều phố nghề khác như hàng Giày, hàng Đồng, hàng Bạc, hàng Lọng… mới ra đời. Trong đó, phải kể đến phố Hàng Lọng là biểu tượng cho nền giáo dục của xứ Đông, nơi vinh danh những sĩ tử đỗ đạt cao, được triều đình nhà Nguyễn cho ân huệ “vinh quy bái tổ”.

Năm 1889, Thành Đông bị thực dân Pháp phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy rượu và vài tòa dinh thự của người Pháp nay đã thành phế tích. Năm 1923 Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Hải Dương, mà không gian được chia thành hai khu vực rõ rệt: Khu hành chính - nằm ven sông Sặt và Khu kinh tế - từ nhà máy rượu đến nhà ga xe lửa. Một số tòa công sở và dinh thự mang kiến trúc Pháp xây dựng từ năm ấy, hiện nay vẫn còn được chính quyền cách mạng tôn tạo sử dụng, như dinh Công sứ, dinh Phó sứ, Sở Lục bộ, nhà Séc-tây, Kho bạc… dấu vết của một thời lịch sử.

Với vị trí thuận lợi về giao thông và phát triển kinh tế, văn hóa…, từ thời ấy Hải Dương đã trở thành một trong bốn thành phố quan trọng nhất của Bắc Kỳ, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam độc lập ra đời, nhưng năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược và Hải Dương thành vùng tạm chiếm. Tháng 3/1947, nhà cầm quyền Pháp chia thành phố ra 2 quận, và cuối cùng chuyển thành “thị xã”.

Người dân thị xã Hải Dương vẫn kiên cường bám đất, phố phường, làng quê, rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng… Sau 8 năm kháng chiến, đất trời thị xã bỗng vỡ òa trong khúc hát khải hoàn, chào mừng Đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng.

Đó là ngày 30/10/1954, cách đây 67 năm. Hơn 8 giờ sáng, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Phú Lương, cũng là lúc một hồi còi vang lên trên nóc rạp chiếu bóng Hòa Bình trên phố Trần Hưng Đạo. Và 14 giờ cùng ngày, cuộc mít tinh được tổ chức tại vườn hoa Bảo Đại, chào mừng thị xã sạch bóng quân viễn chinh Pháp.

Đất thiêng

Đất thiêng liêng nhưng lắm thăng trầm. Trải 5 lần đổi thay tên gọi, và sau hàng chục lần mở rộng địa giới hành chính, mảnh đất có vóc dáng như bây giờ. Còn nhớ, sau ngày thống nhất đất nước 1975, thị xã mới có 5 phường, 7 xã, mà khách trên quốc lộ số 5 vẫn mỉm cười gọi là “thị xã đi qua”, chẳng mấy ai để ý.

Phải đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thị xã đi qua ấy, đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Năm 1997 thị xã lên thành phố, tức đô thị loại III. Giống như tấm áo khoác lên một cơ thể cường tráng đang độ trưởng thành, đã quá chật chội cần phải thay áo mới. Địa giới được mở rộng, dân cư phát triển rất nhanh. Cơ cấu kinh tế thay đổi, bộ mặt xã hội khởi sắc. Tất cả từ chật hẹp thành rộng lớn, từ manh mún khó nghèo thành hoành tráng và sung túc… Từ một thị xã nông nghiệp là chủ yếu, nay đã chuyển mình trong nhịp sống mới đô thị hóa.

Ngày giải phóng, thị xã chỉ có 5 khu phố, mỗi khu có vài con đường và vài xóm nhỏ len lỏi ao bèo. Sau 67 năm, thị xã đã đi những bước dài, vững chắc: Năm 2009 từ đô thị loại III lên loại II. Rồi 10 năm sau, tức 2019 trở thành đô thị loại I có 25 đơn vị xã, phường, với diện tích trên 11 nghìn hecta và dân số hơn một nửa triệu người.

Người Hải Dương đã kiên trì đi qua từ một Ngã Ba Hàng chật chội, qua chiếc cầu sắt Phú Lương cũ kỹ, hẹp lòng, để mở ra những cửa ô rộng lớn, chứa đựng bao điều mới lạ tân kỳ: Khách đi qua cửa ô phía tây, thấy choáng ngợp bởi quảng trường thẩm mỹ, xanh mát hàng cây và tòa nhà chất ngất vươn cao. Cửa ô phía nam, phóng khoáng những khu đô thị mới xây, những công trình bệnh viện khang trang, những ngôi trường đại học. Cửa ô phía bắc, sừng sững cây cầu Hàn, đã xóa đi nỗi ám ảnh của một con đò rách nát trăm năm trước. Từ cửa ô phía đông, vạm vỡ quốc lộ 5 và chiếc cầu Phú Lương mở rộng ưỡn ngực cõng hàng nghìn lượt chuyến xe qua, từ cảng biển Hải Phòng về thủ đô Hà Nội.

Có người ví von, thành phố giống như một chiếc quạt xòe nan. Những nan quạt là những con đường giao thông từ đây ra đi khắp nước. Ngoài tuyến đường sắt đi Hà Nội - Hải Phòng, còn có các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, các tuyến xe buýt về các miền duyên hải, hay ngược lên phía bắc...
Người thành phố đang khát vọng hướng về phía trước, với tầm nhìn, sẽ phát triển không gian theo 8 phân khu: Khu trung tâm đô thị hiện hữu; Không gian sông Thái Bình và sông Sặt; Khu công nghiệp - dịch vụ đô thị phía Tây; Khu đô thị dịch vụ nông nghiệp phía Đông; Khu phát triển đô thị dịch vụ phía Bắc; Khu phát triển đô thị mới phía Nam… Bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, địa hình, không gian xanh tự nhiên, phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng của thành phố.

Ngàn đời nay, cũng là nhờ phong thổ, thiên nhiên ưu đãi, đồng điền bờ xôi ruộng mật, môi sinh nước ngọt khí lành. Hai dòng sông Thái Bình, và Kẻ Sặt đắp bồi làm nên làng mạc, ruộng đồng, dân cư trú phú, tiềm tàng mạch nguồn văn hóa dân gian…, kết tinh phẩm giá con người nhân nghĩa, anh hùng, hiếu học và khoa bảng. Thành phố có nhiều đền miếu, tôn thờ các danh nhân, danh tướng có công lao ra đi mở đất. Nhiều chùa lớn tọa lạc giữa làng, trong lòng phố cổ. Và đây đó hơn 800 di sản văn hóa, đa dạng các lễ hội dân gian, nghệ thuật trình diễn dân tộc độc đáo, nghề truyền thống... được phân bố khắp các làng quê, khu phố.

Cũng ít thấy một lỵ sở nào được thiên nhiên ban tặng 2 dòng sông chảy qua lòng thành phố, đó là sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt. Một quần thể: Nhà thi đấu, Thư viện tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình, Trường THPT Hồng Quang nằm soi bóng dòng sông là những nốt nhấn, gợi nét thanh bình.

Khát vọng

Ngày trước, về Hải Dương, người ta chỉ nhớ bánh đậu xanh Rồng vàng, bát sứ… còn bây giờ Hải Dương trở thành một địa chỉ hấp dẫn với một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiếng là thành phố, những trên vùng đất phì nhiêu màu mỡ ấy, đã hình thành nhiều vùng lúa tập trung, vùng rau an toàn, vùng trồng hoa, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt xuất hiện những khu chung cư hiện đại, các khu công nghiệp liên doanh lớn: Đại An, An Phát; các cụm công nghiệp Việt Hòa, Thạch Khôi, Cẩm Thượng... và nhiều siêu thị sầm uất… Hệ thống các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; các bệnh viện đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần, an sinh của nhân dân…

Sống giữa thời đại công nghiệp, người Hải Dương vẫn đầy ắp ký ức làng quê. Khách đến Hải Dương, khi trở về không quên mua vài gói bánh làm quà. Ngoài bánh đậu xanh, bánh khảo còn bánh cốm thơm thảo. Bánh gai bọc lá chuối khô, mở ra có đủ hương đất, hương trời. Và những món quà bún cá, bánh đa cua, bánh cuốn, bánh đúc, miến ngan, gà tần thuốc bắc, bên trong ngõ phố…

Không sôi động như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hải Dương - đô thị loại I đang lắng đọng suy tư trước thời cuộc. Người thành phố đang bước đi mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ vẹn nguyên nét truyền thống xứ Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường tồn 'Phên dậu phía đông'