Tại Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông - Nhìn nhận và định hướng” do Hội Nhà báo Việt Nam và Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 4/9, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cái nhìn đa chiều để có thể giải được bài toán về hạ tầng giao thông, đặc biệt là câu chuyện liên quan đến các dự án BOT hiện nay.
Dự án BOT Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thời gian qua, việc huy động vốn theo hình thức đối tác công-tư (PPP) được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến đều nêu lên nhận định, sau hơn 20 năm triển khai, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, BOT đã góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi bộ mặt giao thông trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, đánh giá cho thấy một số tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện: việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ; còn sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư; nhiều dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu (dẫn đến tình trạng hạn chế tính cạnh tranh, dư luận nghi ngờ về tính minh bạch); vị trí trạm thu phí, chính sách thu phí còn bất cập gây nên đến nhiều bức xúc trong dư luận xã hội
Nêu lên vai trò của báo chí đối với việc tuyên truyền, đưa ra nhiều góc nhìn xác đáng về các công trình hạ tầng giao thông, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: Trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hạ tầng giao thông, báo chí có vai trò quan trọng là vừa tuyên truyền, phổ biến, phản ánh thực tiễn sinh động vừa giám sát và phản biện chủ trương, chính sách; đồng thời là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Tuy nhiên, ông Hồ Quang Lợi cũng nêu ra vấn đề, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tin giả tràn lan, dư luận đã nhiều phen “dậy sóng”. Hơn nữa, những vấn đề được đưa ra trên báo chí theo vụ việc, theo tuyến bài nhỏ lẻ, theo cách đưa thông tin một chiều… khiến nhiều vụ việc bị đẩy đi quá xa. Điều đó dẫn tới hệ lụy cho những “người trong cuộc” (nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư , DN, người dân…).
Đứng ở vai trò của nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả thẳng thắn nêu ra những khó khăn hiện nay đối với các DN khi tham gia các dự án BOT, trong đó nhấn mạnh: Các nhà đầu tư hiện nay chưa được nhà quản lý đối xử bình đẳng đúng tinh thần hợp tác công – tư cũng như vai trò là một bên của hợp đồng dự án.
“Bên cạnh các điều khoản của hợp đồng, nhà đầu tư và dự án còn chịu sự chi phối bởi các văn bản hành chính của cơ quan nhà nước. Trong nhiều trường hợp, các mệnh lệnh hành chính trái ngược hoàn toàn với nội dung hợp đồng đã được các bên thương thảo và thống nhất ký kết” – ông Hoàng nêu vấn đề.
Đại diện các chủ đầu tư cũng nêu lên việc, có tình trạng một số nhà báo, cộng tác viên báo chí luôn luôn có sẵn định kiến về BOT là “móc túi dân, lợi ích nhóm”, dẫn đến việc đưa tin phiến diện, một chiều. “Không ít bài báo rất hào hứng tường thuật việc gây mất an ninh, trật tự ở trạm thu phí, thông tin đậm các cuộc thanh kiểm tra đối với dự án BOT, trong khi tiếng nói của nhà đầu tư thì được đưa một cách hạn chế” – ông Hoàng cho hay.
Tại Hội thảo, chia sẻ quan điểm của mình, GS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thực trạng của ngành giao thông vừa qua, trong đó có sự bất cập liên quan đến các trạm thu phí BOT, các dự án BOT, bắt nguồn từ một số vấn đề chính, trong đó có câu chuyện về giá cả đất đai.
Theo ông Thiên, thời gian qua, các chính sách về đất đai, giá đất là nguyên nhân gây nên sự bất ổn trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông. Chính bởi sự bất cập này, mà nhiều người hình dung các chủ đầu tư tìm đến các dự án BOT với mục đích đầu cơ hơn là đầu tư.