TS Khuất Thu Hồng: Họ đã ra thành phố, thì chắc đó là việc tốt hơn

P. Linh (ghi) 13/11/2017 14:39

Ai cũng có quyền yêu, chẳng may yêu phải người không tốt thì phải chấp nhận thôi- TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội).


TS Khuất Thu Hồng.

PV: Thưa bà, bà có thể cho biết quan điểm của mình về những cô gái trẻ ở nông thôn, không học lên cao hoặc bỏ học giữa chừng và ra các thành phố lớn làm nghề dịch vụ (các nghề như masage, gội đầu, phục vụ quán ăn…)? Dưới góc nhìn của một nhà xã hội học, bà đánh giá thực trạng này như thế nào?

TS Khuất Thu Hồng: Khi người ta ra đây chắc chắn ở nông thôn có vấn đề. Hoặc là nông thôn thiếu việc làm, hoặc việc làm ở nông thôn của họ thiếu thu nhập, thu nhập ở nông thôn quá thấp… Do đó nhiều người nông thôn buộc phải ra các thành phố lớn để kiếm việc làm, để có việc làm tốt hơn. Đó là quyền của con người. Họ có quyền tìm kiếm việc làm để cải thiện cuộc sống của mình.

Ở thành phố có rất nhiều công việc khác nhau, có thể có những công việc đòi hỏi phải có sự đào tạo có những công việc thì không. Nhưng họ đã đi ra thành phố làm, thì chắc là công việc đó tốt hơn, cho nên họ mới bám trụ lại ở thành phố, để có thể sống ở đây và có việc làm. Biết đâu đó cũng là cơ hội tốt hơn ở nông thôn, biết đâu họ đến từ những vùng nông thôn còn rất nhiều khó khăn…

Đội ngũ lao động làm dịch vụ này có vẻ đang ngày càng đông, và độ tuổi cũng giảm dần thưa bà?

- Lực lượng lao động này lúc nào cũng rất đông. Đông cũng xuất phát từ nhiều vấn đề. Thứ nhất do nhu cầu của các dịch vụ ở Hà Nội, ở các thành phố sẽ càng ngày càng nhiều. Tại vì bản thân thành phố phát triển nhiều hơn, và đời sống nếu được cải thiện thì nhu cầu của người ta cũng nhiều hơn. Nhu cầu nhiều hơn thì tất nhiên sẽ cần nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực lấy đâu ra? Tất nhiên là ở nông thôn nhiều hơn. Nhu cầu đó tạo sức hút cho người nông thôn, khiến cho họ kéo nhau ra đây làm việc.

Cơ hội tốt hơn, thu nhập tốt hơn nhưng thưa bà, cũng khá nhiều cạm bẫy đang chờ họ?

- Có sa vào cạm bẫy hay không thì tùy cách sống của mỗi người. Họ ra các thành phố lớn làm việc, họ thường phải xa gia đình, tất nhiên là thiếu những lời khuyên, thiếu sự kiểm soát của gia đình, cũng có thể có những người gặp những người không tốt. Tuy nhiên cũng không thể kết luận là người nông thôn ra thành phố sẽ gặp nhiều nguy cơ hơn. Bởi thực tế, người thành phố cũng gặp những nguy cơ như thế.

Vừa rồi có cái cô người yêu làm nghề massage của tử tù Thọ “sứt”...

- Ai cũng có quyền yêu, chẳng may yêu phải người không tốt thì phải chấp nhận thôi.

Thưa bà, định kiến xã hội đang khiến lao động chân chính của họ trở nên méo mó. Vậy làm thế nào để thay đổi quan niệm của mọi người về lực lượng lao động này?

- Đúng vậy, chẳng lẽ tất cả mọi người đều đi làm công nhân thì mới là lao động chân chính hay sao? Ai sẽ đi làm massage? ai đi làm cắt tóc gội đầu? ai đi làm những công việc như quét rác, rọn rác ở thành phố? Ở thành phố luôn luôn có những công việc mà người ta hay gọi là công việc bẩn thỉu, công việc nặng nhọc, những công việc nguy hiểm… Nhưng mà người thành phố thì không làm chỉ có người nông thôn ra thì họ chấp nhận họ làm, vì ở nông thôn kiếm sống khó khăn. Nếu không có người nông thôn ra thì người thành phố chắc cũng sẽ phải đi làm tất cả các việc đó. Và cái giá phải trả cho những nhân công thành phố thì đắt hơn rất nhiều.

Đây không phải lỗi của những người nông thôn mà sự phát triển của đô thị kéo theo những điều như vậy. Theo tôi, nếu đội ngũ người lãnh đạo thành phố có trách nhiệm có tầm nhìn xa trông rộng thì phải tổ chức làm sao đảm bảo được những sự hỗ trợ, bảo trợ về mặt xã hội cho lực lượng lao động dịch vụ ở thành phố, về nhà ở an sinh xã hội... cho lực lượng lao động này. Bởi họ làm việc cho thành phố, cung cấp nhân công cho thành phố với giá rất rẻ mạt…

Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TS Khuất Thu Hồng: Họ đã ra thành phố, thì chắc đó là việc tốt hơn