Giáo dục

Bảo vệ giáo viên hay “lỗ hổng” giáo dục nhân cách?

HOÀI VŨ (thực hiện) 10/12/2023 12:47

Vụ việc cô giáo tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bị học sinh nhốt, ném dép đến ngất xỉu đang cho thấy nhiều vấn đề đáng báo động trong ngành giáo dục. Câu hỏi đặt ra là từ bao giờ học sinh lại có thể hung hãn đến thế?

Trò chuyện với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), cho rằng, nếu không có biện pháp xử lý nghiêm khắc thì những chuyện tương tự cũng không phải là hiếm nữa…

PV: Thưa bà, khi chứng kiến vụ việc học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang dồn ép cô giáo vào tường rồi chửi bới, ném dép thì cá nhân bà có suy nghĩ thế nào?

1(1).jpg
TS Khuất Thu Hồng.

TS KHUẤT THU HỒNG: Đầu tiên là tôi cảm thấy phẫn nộ. Bất cứ người nào bình thường nhất trong xã hội này khi nhìn thấy cảnh như vậy cũng đều cảm thấy phẫn nộ trước hành vi của đám trẻ mới 13, 14 tuổi đối với cô giáo của mình. Nếu không phải là cô giáo mà chỉ là người lớn khác thôi thì cũng là không thể chấp nhận được cảnh trẻ con nhỏ tuổi mà lại có hành động đó đối với người lớn.

Hành vi đó thật là côn đồ, chỉ có côn đồ mới hành xử như vậy. Vì cả một đám người vây quanh một người để hành hung, sỉ nhục, xúc phạm. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Vậy với hành vi trên, theo bà cần có biện pháp xử lý thế nào để không tái diễn?

- Bây giờ xử lý như thế nào là cả một câu chuyện. Vì chúng ta không thể đuổi học, trẻ con phải được học hành. Đã có hành vi chưa chuẩn mà không được đi học, giáo dục thì lại càng hư. Quyền học tập là quyền của trẻ em.

Nếu cứ để thế này thì những chuyện tương tự cũng không phải là hiếm nữa. Vấn đề là nhà trường phải thay đổi cách giáo dục để làm sao dạy được các em. Phải tổ chức lại, thay đổi cách giáo dục trong từng nhà trường.

Theo tôi, ngành giáo dục phải cải tổ một cách triệt để. Các trường phải xem xét lại toàn bộ cách quản lý của mình như thế nào, từ đội ngũ giáo viên, cho đến nội quy trong nhà trường. Hình thức đưa ra nội quy và thực thi nội quy như thế nào? Có thực hiện được không? Không thực hiện thì bị xử lý thế nào?

Phải xem xét lại một cách bài bản để thầy ra thầy, trò ra trò. Triết lý giáo dục và phương pháp giáo dục cũng cần phải xem lại. Với công nghệ bây giờ không phải bắt học sinh đến trường để nhồi nhét những kiến thức bởi những cái này có thể tìm kiếm trên mạng là ra. Mà đến trường phải dạy các em làm người, dạy các kỹ năng ứng xử sơ đẳng nhất. Đây là cái rất quan trọng. Bởi có kiến thức mà xử sự như côn đồ thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Với vụ việc trên, bà thấy cách ứng xử của nhà trường ra sao?

- Hiện nay tôi cảm thấy cô giáo đang đơn độc trong đối phó với vấn đề này. Có ý kiến cho rằng cô giáo trên có hành xử không tốt, đạo đức không tốt cho nên bị học sinh coi thường, là phản ứng của học sinh đối với hành vi thiếu văn hóa của cô.

Thế nhưng chúng ta cần đặt ra câu hỏi rằng thứ nhất, nếu cô giáo không xứng đáng, không đủ tư cách để lên bục giảng, làm giáo viên thì sao nhà trường lại để cho cô lên lớp. Nhất là khi cô giáo đã dạy ở đó 10 năm chứ không phải giáo viên mới về.

Thứ hai, tại sao cô dạy ở các lớp khác không sao mà chỉ riêng lớp đó học sinh lại xử sự như vậy. Chúng ta phải tìm ra căn nguyên, chứ không phải học sinh hư là vì cô giáo. Chúng ta không thể giải quyết theo cách “đánh bùn sang ao” như thế được.

anh-2.jpeg
Hình ảnh trong lớp học nơi xảy ra vụ việc tại trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (ảnh cắt từ clip).

Từ bao giờ nghề giáo lại trở thành nghề nguy hiểm như vậy khi không chỉ phụ huynh bạo hành giáo viên mà ngay cả học sinh cũng có thể bạo hành cả với người thầy của mình?

- Đã có nhiều hành vi học sinh bạo hành với giáo viên. Cách đây vài năm có trường hợp học sinh vào tận trường để uy hiếp cô giáo, đánh thầy cô giáo. Nếu 1-2 trường hợp có thể do phản ứng bột phát, nhưng nếu đã là hiện tượng xảy ra trong những năm trở lại đây thì cần đặt ra câu hỏi giáo dục của chúng ta tại sao lại để đến mức như vậy.

Đã đến lúc ngành giáo dục cần thay đổi cách quản lý, giáo dục của mình. Đây là ý kiến của dư luận xã hội đặt ra bao nhiêu năm nay rồi chứ không phải riêng ý kiến cá nhân tôi.

Ngành giáo dục phải cải cách, cải tổ thế nào chứ năm nào cũng cải cách, cải cách loanh quanh từ chương trình, sách giáo khoa nhưng cải cách xong thì càng ngày càng rối.

Thưa bà, các học sinh không những có hành vi lệch chuẩn mà còn quay clip rồi đưa lên mạng, và nhìn rộng ra trong xã hội hiện nay thì chỉ vì mâu thuẫn nhỏ như va chạm giao thông cũng xảy ra án mạng. Mọi hành vi đều được hình thành từ giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. Vậy phải chăng đang có lỗ hổng lớn trong giáo dục nhân cách con người?

- Trẻ con độc ác từ bao giờ, nguyên nhân chính là trẻ con học thói hư tật xấu từ chính người lớn. Thấy người lớn ứng xử như vậy nên học theo và cho đó là bình thường, nghĩa là bạo lực đã trở nên “bình thường hóa” trong xã hội.

Chúng ta thấy khi không hài lòng, chỉ va chạm giao thông thôi là đánh nhau. Chưa kể các hành vi bạo lực trong xã hội như đánh ghen, cắt tóc, xé quần, xé áo cũng được đưa lên mạng. Từ đó tác động lớn tới giới trẻ, bạo lực tràn ngập và giới trẻ thấy người lớn ứng xử với nhau như vậy thì mình làm như vậy cũng là bình thường, ghét ai là xông vào đánh, và chửi bới. Vì trẻ con cũng bắt chước theo hành động của người lớn.

Bên cạnh đó, khi trẻ con có những hành vi không đúng, thì người lớn nhiều khi lại bỏ qua, xuê xoa, không giáo dục đến nơi đến chốn. Ngay cả người lớn hiện cũng đang “há miệng mắc quai”, từ cha mẹ, đến thầy cô nhiều khi không phải là tấm gương tốt để các con, học sinh noi theo.

Nếu ở nhà bố mẹ gọi nhau là mày, tao, chửi bới, đánh nhau thì trẻ con cũng bị ảnh hưởng theo. Khi thái độ của người lớn không tốt, trẻ con sẽ nghĩ điều đó là bình thường và học tập theo. Đây là vấn đề chung của toàn xã hội, của mọi gia đình chứ không riêng gì sự giáo dục của nhà trường. Nếu trách đầu tiên phải do người lớn trong việc dạy dỗ giáo dục trẻ em từ trong gia đình, cũng như trường học.

Có ý kiến cho rằng hiện nhiều gia đình chưa quan tâm đến giáo dục con cái mà phó mặc hết cho nhà trường. Quan điểm của bà thì sao?

- Bây giờ trong nhiều gia đình, bố mẹ lo kiếm tiền, và nghĩ rằng đó là cách lo cho tương lai của con cái một cách tốt nhất. Làm sao cho con mình sau này có nhà cửa, học tập tốt, đi học nước ngoài.

Tuy nhiên vì mải mê chuyện kiếm tiền mà ít dành thời gian cho con cái, để tâm sự, hiểu biết và gần gũi giáo dục con. Nghĩ rằng thương con là con phải được ăn sung mặc sướng mà không chú ý thường xuyên đến nắm suy nghĩ, tính cách, học tập của con.

Đó là với gia đình không có bạo lực. Còn nếu ở trong gia đình có bạo lực thì câu chuyện còn phức tạp hơn nữa. Giáo dục trẻ em bây giờ thường hay phó mặc cho nhà trường. Trong khi đó hiện nay trong giáo dục bệnh thành tích vẫn đang tồn tại.

Có vụ việc bạo lực, không hay ở trong nhà trường thường được giải quyết không đến nơi đến chốn, hay thậm chí giấu nhẹm đi để đỡ mang tiếng, trường không bị mất thành tích. Cho nên học sinh thấy những vụ như thế mà không bị xử lý thì chắc là không sao, mình có thể đánh nhau, chửi bới, hoặc xúc phạm người này người kia.

Nói chung nguyên nhân thì có nhiều và gia đình, nhà trường, cộng đồng cũng phải chịu trách nhiệm nữa. Bởi nếu hàng xóm xung quanh mà hành xử không chuẩn mực, sẵn sàng lao vào đánh nhau, chửi bới khi không cảm thấy hài lòng. Như thế trẻ con cũng bị tác động và ảnh hưởng.

Chưa kể, có việc thầy cô giáo ứng xử không phải lúc nào cũng đúng mực, trong dạy dỗ, thậm chí ứng xử giữa các thầy cô với nhau trong cùng một trường. Khi thầy cô không phải là tấm gương tốt thì học sinh cũng bị ảnh hưởng theo.

Khi bố mẹ, thầy cô không phải là “tấm gương sáng” mà có hành vi phản cảm thì cũng gây nên những hiệu ứng ngược cho học sinh và trẻ con?

- Hàng ngày trẻ con chứng kiến những hành vi không đúng và “ngấm” vào người các em. Trẻ con học tất cả các thứ đó từ người lớn, mỗi ngày ngấm một tý thì đến khi hành xử ngoài xã hội có lẽ bố mẹ cũng không biết con mình học các thứ đó từ mình, hành xử bên ngoài xã hội thế nào cũng không biết, thậm chí bênh con mà nghĩ rằng con mình hư là do thầy cô giáo, hay bạn bè.

Nghĩa là luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác mà không nhìn thấy rằng chính mình cũng là “tấm gương xấu” cho con học theo.

Bà vừa đề cập đến chuyện “cải tổ” giáo dục nhưng thực tế giáo dục không chỉ là chuyện của mỗi ngành giáo dục, thưa bà?

- Hiện giờ vấn đề trách nhiệm trong giáo dục không chỉ của riêng gia đình, nhà trường, mà còn là toàn xã hội nữa.

Do đó cần sự chung tay của toàn xã hội, toàn cộng đồng. Đi ra đường thấy mọi người xử sự với nhau thế nào. Trẻ con thấy người lớn như thế và học theo. Chúng ta đang đòi hỏi trẻ con làm những thứ mà chúng ta không làm thì rõ ràng khó có thể dạy được trẻ con.

Chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, rất quan trọng và tạo ra thế hệ công dân có tri thức, tư cách làm người để tiếp tục xây dựng đất nước, dân tộc. Do đó phải rất quan tâm đến giáo dục.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ giáo viên hay “lỗ hổng” giáo dục nhân cách?