Giáo dục

Khủng hoảng bạo lực học đường: Xử lý thế nào cho đúng?

NGỌC HÀ 19/11/2023 07:58

Dù đã có nhiều cảnh báo, không ít giải pháp ngăn chặn nhưng những vụ bạo lực học đường vẫn diễn ra trong thời gian gần đây. Giới chuyên gia cho rằng, bạo lực học đường là một vấn đề xã hội nhưng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chung trong cuộc khủng hoảng này.

1(1).jpg
Bảo vệ học sinh khỏi bạo lực học đường để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh: Gia Huy.

Hậu quả khôn lường

Chỉ tính từ đầu năm học 2023-2024 đến nay đã có gần 20 vụ bạo lực học đường (BLHĐ) gây xôn xao dư luận. Hầu hết các vụ BLHĐ được phát giác sau khi xuất hiện video trên mạng xã hội. Gần đây nhất (10/11), một nữ sinh học lớp 6 Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín (Hà Nội) bị nhóm bạn quây đánh hội đồng ngay tại trường học. Trong video được lan truyền ghi lại, nữ sinh lớp 6 liên tục bị nhóm bạn đấm đá túi bụi lên đầu, cổ, thậm chí đá lên cả mặt. Phía gia đình học sinh bị đánh cho biết, đây không phải lần đầu tiên con bị bạo hành.

Chứng kiến sự việc đó có không ít học sinh nhưng không một ai dám can ngăn mà hầu như chỉ đứng xem và quay video. Nhiều người cho rằng, không thể chấp nhận được hành vi BLHĐ và thái độ vô cảm của những học sinh trong vụ việc. Chị Hoàng Minh Anh (40 tuổi) có con đang học lớp 6 trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội sau khi xem một vài video BLHĐ cho biết, chị ngỡ ngàng và không thể tin vào mắt mình khi các học sinh tầm tuổi con chị đánh bạn một cách dã man như thế. Buồn hơn là không có một bạn nào đứng ra can ngăn hoặc mời thầy cô giáo tới giải quyết, cứ để sự việc diễn ra rồi hậu quả thật đau xót.

Đây cũng là hiện trạng xuất hiện trong một số video BLHĐ trước đó. Học sinh chứng kiến bạn bè đánh nhau nhưng các em không ngăn cản, không báo với thầy cô giáo mà thản nhiên đứng xem, quay video. Tệ hơn có em còn còn a dua, cổ vũ. Sự vô cảm trong lúc bạn bè bị BLHĐ lâu dần sẽ trở thành mối nguy hại cho chính bản thân người chứng kiến khi không dám tố giác điều xấu, không muốn dây vào rồi “rước họa vào thân”...

Chính những sự thờ ơ, con mắt vô cảm đó khiến cho sự việc bạo lực nghiêm trọng hơn đối với những nạn nhân. Chịu hậu quả của BLHĐ, bản thân các em không chỉ phải mang nỗi đau thể xác mà còn cả về tinh thần, ám ảnh trong suốt cuộc đời. Đối với sức khỏe thể chất sẽ gây ra những thương tích trên cơ thể, trường hợp nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Còn về tâm lý, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của học sinh, gây ra tâm lý sợ hãi, lo âu, bất an, uất ức và bị ám ảnh. Hậu quả là nạn nhân của BLHĐ cũng thường có những biểu hiện lầm lì, ít nói, mất tự tin, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc với mọi người, lo sợ khi đến trường, thậm chí phát sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, các em thường có xu hướng không thể tập trung học, lo sợ khi đến lớp, dẫn đến việc kết quả học tập sa sút…

Việc kỷ luật học sinh là thủ phạm gây ra BLHĐ là cần thiết và phải có sự xử lý triệt để nhằm răn đe và làm gương cho những học sinh khác. Tuy nhiên nhà trường, phụ huynh cũng cần lưu ý để tránh gây hiệu quả ngược khiến các em tự ti không dám đến lớp, xấu hổ trước bạn bè, thầy cô vì những điều mình đã gây ra. Cần nghiêm khắc nhưng trong đó cần đồng cảm và thấu hiểu để chữa lành tâm lý cho các em, bởi không phải ngẫu nhiên một đứa trẻ lại có những hành vi bạo lực như thế, ắt chúng đã được nhìn thấy hoặc học hỏi từ nhiều sự việc tương tự khác.

Bảo vệ học sinh, cách nào?

Nếu như tình trạng BLHĐ vẫn còn tiếp diễn, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn. Học sinh, phụ huynh, nhà trường cần phải cảnh giác cao độ với những biểu hiện dễ dẫn đến bạo lực. Bạo lực ở đây không chỉ là bạo lực về thể xác diễn ra trực tiếp mà còn là bạo lực về ngôn từ, diễn ra thầm lặng trên mạng xã hội.

Vấn đề hiện nay chúng ta vẫn đang mắc ở chỗ khi phát hiện ra BLHĐ thì sự việc đã rồi. Đình chỉ công tác của giáo viên, đình chỉ học sinh đánh bạn, thăm hỏi gia đình nạn nhân bạo lực học đường... suy cho cùng, đây cũng chỉ là những giải pháp trước mắt khi các vụ việc đau lòng đã xảy ra. Vì thế hơn bao giờ hết, công tác tham vấn tâm lý học đường cần phải được chú trọng và đổi mới để có hiệu quả thiết thực đối với cả học sinh và giáo viên. Chương trình tư vấn học đường khi được tổ chức cần phải thực sự phát huy hiệu quả, không nên tổ chức theo lối mòn là diễn giả phát biểu, học sinh lắng nghe.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), bạo lực học đường là một vấn đề xã hội nhưng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chung trong cuộc khủng hoảng này và nhà trường phải đi đầu cung cấp cho trẻ sự giúp đỡ về mặt tinh thần. Trường học sẽ là lực lượng tiên phong, chịu trách nhiệm tổ chức và lôi kéo các bên tham gia. Nhà trường phải xác định được những trẻ có vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần, những trẻ có nguy cơ bạo lực học đường thông qua bảng hỏi sàng lọc cảm xúc và những trải nghiệm mới xảy ra, đồng thời cũng cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý. Ngoài ra, các nhà trường cần phải xây dựng văn hóa học đường gắn liền với vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục. Khi sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của mỗi người đều được nhận ra, được chăm sóc và trở thành ưu tiên hàng đầu thì những ứng xử lệch chuẩn, những hành vi bạo lực trong xã hội sẽ giảm. Còn đối với phụ huynh, cha mẹ nên làm bạn cùng con, hãy là những người “bạn thân”, chỗ dựa tinh thần để hiểu con hơn, lắng nghe con hơn và có thể giải quyết những vấn đề cùng con…

Để ngăn chặn hành vi BLHĐ, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đưa ra 3 giải pháp căn cơ cần đồng thời thực hiện: Thứ nhất, đẩy mạnh văn hóa học đường; duy trì bền bỉ, lâu dài công tác giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức lối sống cho học sinh trong mọi nhà trường. Chỉ khi học sinh hình thành giá trị sống vững vàng, được trang bị đầy đủ kỹ năng thì sẽ hạn chế hành vi bạo lực.

Thứ hai, cần đẩy mạnh hình thức xử lý hành vi BLHĐ. Khi học sinh gây nên hành vi bạo lực, phải để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi mình đã gây nên trước cơ quan pháp luật. Không dừng lại ở đó, bố mẹ của học sinh có hành vi bạo lực với bạn học cũng phải bị xử lý hành chính và có văn bản bảo lãnh con. Chỉ khi gia đình chịu áp lực thì trách nhiệm giáo dục con cái, ngăn chặn hành vi vi phạm mới có hiệu quả và đảm bảo tính răn đe.

Thứ ba, nhà trường đưa ra các hình thức giáo dục tiếp theo với học sinh gây nên hành vi bạo lực như đọc sách, lao động… Gia đình, nhà trường, học sinh phải cam kết không để hành vi BLHĐ xảy ra. Cùng với đó, các cơ quan chức năng địa phương cần có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thầy trò, cha mẹ cùng tham gia tích cực vào công tác phòng chống BLHĐ. Chỉ khi các bên cùng có trách nhiệm và cùng hành động thì mới ngăn ngừa được tình trạng nhức nhối nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng bạo lực học đường: Xử lý thế nào cho đúng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO