TS Nguyễn Thụy Anh: Bạo lực qua mạng tinh vi và khó kiểm soát

NGUYỄN THANH BÌNH (thực hiện) 18/06/2023 08:39

Trong các vấn đề của học đường thời điểm này, bắt nạt trực tuyến là điều phụ huynh cần quan tâm. TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, bạo lực qua mạng tinh vi và khó kiểm soát, sẽ là mối đe dọa tinh thần nghiêm trọng và dai dẳng đối với các em, khiến nảy sinh các vấn đề về tâm lý, rối loạn lo âu… Quan tâm, đồng hành cùng con trong mùa hè, phụ huynh cũng đừng quên cho con tham gia các hoạt động bên ngoài để rèn kỹ năng sống.

PV: Thưa TS Thụy Anh, tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện bằng việc nêu ra một câu chuyện không mới nhưng vẫn có tính thời sự và được nhiều người quan tâm. Đó là nạn bạo lực học đường. Cách đây mấy ngày, 2 nữ sinh lớp 8 và 9 của Trường THCS Hưng Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) bị 3 học sinh nữ đánh hội đồng... Video sau đó được tung lên mạng. Trước đó, hồi tháng 4, một học sinh ở Nghệ An đã tìm đến cái chết mà nguyên nhân được cho là do bạo lực học đường… Quả thực, câu chuyện bạo lực học đường vẫn chưa hết nhức nhối. Từ góc nhìn của người làm giáo dục, bà nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

TS Nguyễn Thụy Anh.

TS NGUYỄN THỤY ANH: Vô cùng buồn! Tôi cho rằng, đây là hệ quả của việc một thời gian dài chúng ta quá chú trọng đến dạy kiến thức, thi cử mà quên đi dạy lễ nghĩa, ứng xử, điều chỉnh thái độ đối với những người xung quanh, cứ chăm chăm dạy kỹ năng mà quên đi các bài học về giá trị sống. Bạo lực xuất hiện ở khắp nơi: Trong gia đình, ngoài xã hội - các câu chuyện kẻ mạnh hiếp đáp người yếu nghe được, chứng kiến được hằng ngày - thì việc nó xuất hiện ở môi trường học đường là dễ hiểu, nhưng thật sự đau lòng.

Điều đáng quan tâm và phân tích thêm, đó là hầu hết các vụ bạo lực học đường chỉ được phát hiện sau khi vụ việc xảy ra, và clip được phát tán trên mạng. Đây cũng là điểm khá khác biệt của thế hệ được gọi là “gen Z”? Từ góc độ giáo dục, cũng cho thấy chúng ta chậm trong cách đồng hành, phát hiện và ngăn chặn các mầm mống bạo lực học đường?

- Đúng vậy. Gen Z giao tiếp qua mạng, sử dụng công nghệ để tấn công nhau - đặc trưng của thế hệ. Nhiều bậc phụ huynh chỉ biết về con mình khi xem clip, kể cả về người bắt nạt lẫn nạn nhân. Sự kết nối cảm xúc, tương tác giữa các thành viên trong gia đình, giữa các thế hệ, giữa người lớn và trẻ em đang bị đứt gãy. Con người bây giờ giao tiếp qua mạng nhiều hơn, vì thế cảm nhận về nhau cũng “ảo” hơn. Để hiểu giới trẻ, nhiều bố mẹ cũng phải theo dõi thể hiện của con trên mạng xã hội và… sốc vì phong cách ăn nói và cách thể hiện của các em…

Những vấn đề của trẻ không dễ nhìn ra nếu chúng ta không giữ được kênh tâm tình, trò chuyện mỗi ngày, duy trì các hoạt động chung để phát hiện những bất thường qua các câu chuyện hằng ngày.

Việc bố mẹ thiếu kỹ năng lắng nghe, luôn chỉ trích, phê phán, dạy bảo cũng đôi khi là rào cản để con bộc lộ mình.

Bà vừa nói có sự đứt gãy trong việc kết nối, tương tác giữa người lớn và trẻ em. Trong khi đó, câu chuyện bạo lực học đường ngày càng tinh vi hơn. Ngay cả trong kỳ nghỉ hè, khi học sinh không phải đến trường, thì phụ huynh cũng đừng chủ quan, vì bây giờ bạo lực trực tuyến, hay bắt nạt trên mạng vẫn có thể xảy ra…

- Đúng vậy. Bạo lực qua mạng tinh vi và khó kiểm soát, sẽ là mối đe dọa tinh thần nghiêm trọng và dai dẳng đối với các em, khiến nảy sinh các vấn đề về tâm lý, rối loạn lo âu… Đây cũng là nội dung cần đưa vào tìm hiểu, chia sẻ trong chương trình học của nhà trường để các em biết kiểm soát các hành vi trên mạng. Bất kỳ điều gì mình nói, viết, bình luận không cân nhắc, các hình ảnh đưa lên tổn hại thanh danh người khác - mình cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm với số phận một con người. Điều này cần được nghiêm túc thực hiện trước khi trẻ tham gia mạng xã hội.

TS Nguyễn Thụy Anh với các bạn nhỏ tham gia trại hè EcoCamp.

Bà có thể chia sẻ những kỹ năng để giúp phụ huynh phát hiện và giúp con thoát khỏi những vụ bắt nạt trên mạng?

- Không “bí kíp” nào bằng trực giác nhạy cảm của người làm cha mẹ. Việc đầu tiên cần làm là tìm mọi cách giữ được kết nối có lời và không lời với con. Ngoài việc trò chuyện, hỏi han con thì nên duy trì những việc làm chung như: Cùng xem phim, cùng nấu ăn, cùng dọn dẹp, cùng đi chợ, cùng đi chơi - qua đó, các con sẽ bộc lộ những lo lắng bất an, lơ đễnh nếu đang có vấn đề rối bời trong lòng. Bố mẹ có thể kể cho các con nghe những tình huống khác nhau về tấn công trên mạng để quan sát thái độ của con, từ đó nhận ra được vấn đề con phải đối mặt. Bố mẹ khéo léo chia sẻ câu chuyện bên ngoài để gửi thông điệp đến con mình: Bất kỳ chuyện tồi tệ nào xảy ra cũng đều có cách giải quyết, con có thể tin tưởng ở sự thấu hiểu, sự hỗ trợ vô điều kiện của bố mẹ. Chỉ lưu ý là: Không nên phê phán, phàn nàn, hay làm ầm lên khi biết “chuyện tồi tệ” ấy. Thái độ bình tĩnh của bố mẹ là chỗ dựa của con. Bố mẹ phải là đồng minh của con, đứng về phía con thì mới “chiến thắng” trong cuộc chiến với bạo lực trên mạng.

Thưa bà, không chỉ bạo lực học đường, câu chuyện đuối nước cũng là vấn đề khi mỗi mùa hè đến. Những vấn đề này, đặt ra một vấn đề chung, đó là giới trẻ - đặc biệt là các bạn học sinh - thiếu nhiều kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Vấn đề này nên nhìn nhận thế nào?

- Chúng ta một thời kỳ đã quên trang bị các kỹ năng sống gồm kỹ năng sinh tồn và kỹ năng xã hội cho trẻ em. Các kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm không học mà biết ngay được, cần có trải nghiệm, va chạm thực tế, quan sát và lắng nghe kinh nghiệm của mọi người… Vì thế, việc cùng trẻ ra bên ngoài trải nghiệm rất quan trọng. Trẻ học ngấm dần chứ kỹ năng học một khoá không thể thuần thục được. Khả năng phát hiện nguy hiểm, biết cách ứng phó không sợ hãi là tổng hợp của mọi điều được chỉ bảo, luyện tập, quan sát, phán đoán, tự tin ở mình… Trên thực tế, nhiều nạn nhân đuối nước lại là những đứa trẻ biết bơi. Vậy, vấn đề quan trọng hơn là việc đánh giá tình huống, thấy các nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn để quyết định thực hiện hay không thực hiện hành động. Ví dụ: Khi các bạn rủ xuống bơi thì biết quyết định tham gia hay không tham gia, thuyết phục bạn từ bỏ ý định khi cảm thấy nơi đó không có người giám sát, cứu hộ, có thể có lún xoáy cát… Cảm nhận bất an, nhạy cảm với việc nhận diện tình huống nguy hiểm là điều cần được rèn luyện.

Mùa hè hằng năm bà thường bận rộn với việc tạo sân chơi trang bị kỹ năng sống cho các bạn trẻ tại các trại hè. Khi tiếp xúc với các bạn trẻ, đa số là học sinh thành phố tham gia trại hè, bà nhận thấy các em thiếu những kỹ năng quan trọng nào?

- Có một số kỹ năng chúng tôi rất chú trọng rèn luyện cho các em cũng là những kỹ năng mà theo quan sát của tôi, các em thường bị thiếu hụt bởi sự lo lắng, bao bọc thái quá của một số gia đình đối với con. Một là khả năng phân tích vấn đề để đưa ra quyết định của - riêng - mình. Đôi khi chỉ là việc quyết định tham gia nhóm nào: Vẽ hay viết văn, thể thao hay pha chế đồ uống… Nhiều bố mẹ vẫn “chỉ đạo” các bé từ xa, khuyên tham gia những thứ mà các bố mẹ cho rằng thú vị. Tôi nhớ có bạn nhỏ được gửi đến kèm lời chia sẻ “cháu rất rất nhút nhát nên muốn ở cùng phòng với anh họ”. Thế nhưng, trên thực tế, cậu bé lại vô cùng hạnh phúc khi có một không gian mới lạ để xây đắp những tình bạn mới. Và ở trại hè, cậu bé tỏa sáng như một MC chững chạc. Đôi khi, sự “dán nhãn” của người lớn, lại cản trở các bạn trẻ quyết định thử sức ở những lĩnh vực khác và khám phá ra những năng lực thật sự của mình.

Kỹ năng thứ hai là cách ứng xử, giao tiếp, biết cách chia sẻ, vừa thể hiện được mình mà vẫn hòa hợp được với bạn. Nhiều bạn trẻ vẫn chỉ khư khư nghĩ đến “điều mình muốn” mà chưa biết nghĩ đến “điều người khác muốn”. Chúng tôi hướng dẫn các em đặt mình ở vị trí người khác để hiểu nhu cầu, mong muốn, cảm xúc của họ; rồi lại biết nói ra điều mình mong đợi để thảo luận, trao đổi, tìm được điểm chung, hành động theo nguyên tắc “win-win” (cả hai cùng có lợi).

Một kỹ năng nữa cũng cần rèn luyện là kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng làm việc nhà - rèn thói quen lao động. “Làm nhiều thì không còn ngại, mệt nữa!” - các bạn trẻ phát biểu như vậy. Một hoạt động nữa trại hè chúng tôi chú trọng là rèn kỹ năng đọc sách, ghi nhớ, qua đó luyện tập kỹ năng diễn đạt. Không phải bạn nhỏ nào cũng biết diễn đạt suy nghĩ của mình bằng tiếng Việt một cách tinh tế, thuyết phục. Nhiều bé chỉ thích dùng tiếng Anh. Chúng tôi hướng dẫn các bạn đọc và “nhặt” từ, cách diễn đạt của nhà văn, qua đó thấy được các sắc thái khác nhau của từ, nét lấp lánh của tiếng Việt. Đọc sách là tự học. Việc trang bị kỹ năng tự học là cần thiết cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn tuổi mới lớn.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TS Nguyễn Thụy Anh: Bạo lực qua mạng tinh vi và khó kiểm soát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO