Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hóa, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, qua 80 năm đến nay giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương vẫn còn vẹn nguyên, để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam.
PV: Thưa ông, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đã đem lại nhiều giá trị to lớn trong công cuộc giữ nước, và xây dựng đất nước. Qua 80 năm, theo ông bản Đề cương đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm nào có tính kế thừa sâu sắc ở thời điểm hiện nay?
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC: Bài học lớn nhất chính là việc Đảng luôn có quan điểm xuyên suốt đặt vai trò của văn hóa lên hàng đầu. Khi khó khăn chưa có chính quyền, Đảng đã mở hội nghị trung ương để bàn thảo và ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943. Chúng ta thấy rằng trong bối cảnh đất nước đang phải tập trung cho cách mạng giải phóng dân tộc nhưng Đảng đã rất quan tâm đến văn hóa. Việc Đề cương ra đời chính là ngọn đuốc soi đường, định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân ta. Điều đó thể hiện văn hóa có một vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Trong tiến trình cách mạng ấy có thể thấy, khi nào văn hóa được đề cao, được chú ý đúng mức thì bao giờ cũng có thành công lớn. Ngay trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, để giải phóng dân tộc thì văn hóa là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của nhân dân.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải hiểu văn hóa theo nghĩa rộng. Đó là tinh thần đoàn kết. Bản sắc văn hóa Việt Nam là văn hóa cộng đồng, là tình đoàn kết. Thậm chí trong chiến tranh chúng ta quyết tâm giữ gìn độc lập tự do của dân tộc nhất quyết không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước. Đó là tinh thần yêu nước rất đặc thù, rất bản sắc của người Việt Nam. Và đó là bài học vô cùng quý báu cho chúng ta dù ở bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc xuất phát từ văn hóa.
Như vậy giá trị và ý nghĩa của Đề cương còn vẹn nguyên những giá trị ở thời điểm hiện nay, thưa ông?
- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay vẫn còn nguyên giá trị vì đã khẳng định đúng đắn vị trí, vai trò của văn hóa với mối quan hệ biện chứng giữa chính trị, kinh tế. Văn hóa có tính dân tộc, có tính kế thừa, nhất là đối với đất nước có nền văn hóa lâu đời với những giá trị độc đáo, đặc sắc, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Đảng ta đã khẳng định sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, văn hóa cũng để cho toàn dân. Mục tiêu của văn hóa là cho tất cả mọi người. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã phát huy giá trị trong suốt 80 năm qua bởi những định hướng đúng đắn từ Đề cương là: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng đến nay vẫn được chúng ta triển khai. Do đó, theo tôi bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn phát huy và vẹn nguyên giá trị cho đến thời điểm hiện nay.
Văn hóa là “hồn cốt” của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Những hệ luỵ đang tồn tại trong xã hội cũng xuất phát từ việc văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, thưa ông?
- Khi nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, nhân văn, nhân ái. Ngay từ năm 1946 chúng ta đã có Hội nghị toàn quốc về văn hóa. Trong những hệ luỵ hiện nay thì trong đó phải kể đến chính là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đó chính là “thiếu văn hóa”. Vì có văn hóa thì “không bao giờ” tham nhũng. Mình là đảng viên, đang là “tấm gương” thì không bao giờ được tham nhũng. Rồi các vấn đề như: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tệ nạn mại dâm, ma tuý vẫn chưa được ngăn chặn triệt để trong thời gian qua. Đây chính là “cái yếu” khi văn hóa không được quan tâm đúng mức.
Vậy ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa kể từ sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa?
- Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, và nhất là sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa thì rõ ràng văn hóa đã được quan tâm đúng mức. Các cấp ủy đã quan tâm nhiều đến văn hóa. Cần hiểu văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, đó chính là sự kế thừa và phát huy những giá trị của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam cách đây 80 năm. Đặc biệt, vấn đề đại chúng rất là quan trọng, nền văn hóa cho mọi người, cho tất cả nhân dân chứ không phải nền văn hóa riêng cho một ai đó. Đó cũng là cái thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Đồng thời chính nó tạo ra một “sợi dây”, “chất keo” kết dính sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân ta. Do vậy, nó là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nền văn hóa tương thân tương ái, thương người như thể thương thân còn thể hiện ở việc Việt Nam là nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Gần đây nhất chính là việc cử lực lượng quân đội và công an đến hỗ trợ tìm kiếm trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria?
- Đúng vậy. Việc chúng ta cử quân đội, công an đến cứu trợ, hỗ trợ tìm kiếm cũng thể hiện tính bản sắc bản chất tự nhiên của văn hóa, dân tộc ta. Bởi ở bất kỳ ở đâu, sự kiện gì, chúng ta cũng đều thể hiện tinh thần quốc tế rất cao, tinh thần con người với con người.
Hiện nay tình hình quốc tế cũng như các tác động từ bên ngoài, hội nhập ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa trong nước. Điều đó đang đặt ra vấn đề làm sao phát huy được yếu tố văn hóa trong bối cảnh hiện nay để phát triển đất nước?
- Tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra những vấn đề phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo đó, tập trung phát triển văn hóa chính là tập trung cho phát triển con người có năng lực để có thể thích ứng với thời đại mới. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần quán triệt sâu sắc, cần phát huy và làm rõ thế nào là nền tảng tinh thần của xã hội? Thế nào là mục tiêu động lực thúc đẩy phát triển? Thế nào là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc? Thế nào là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng? Tất cả những điều đó là phù hợp trong thời đại mới. Bởi thực chất nó vẫn là nền cơ bản của: Dân tộc - khoa học - đại chúng là 3 nguyên tắc cơ bản từ Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943.
Hiện có rất nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã trở thành văn hóa thế giới như: Ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… Điều này càng khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại.
Nhưng để văn hóa phát triển xứng tầm, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố con người?
- Văn hóa là phải quan tâm đến con người. Nó là bộ phận cấu thành nên đời sống xã hội của con người. Và văn hóa là “căn cước” để khẳng định tính tồn tại và phát triển của một dân tộc. Trong lịch sử tồn tại và phát triển của đất nước chúng ta thấy văn hóa đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Xây dựng con người, phát triển văn hóa để phát triển con người. Phát triển con người để phát triển văn hóa. Con người vừa là sản phẩm của văn hóa, nhưng cũng là người sáng tạo ra văn hóa nên vai trò của con người rất quan trọng.
Trân trọng cảm ơn ông!